Tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ sinh học chuyên ngành vi sinh tại Vương quốc Anh và có công việc khá tốt với mức lương cao tại các bệnh viện đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh, nhưng chị Cao Thúy An (sinh năm 1989) lại chọn về quê hương Vĩnh Long khởi nghiệp trồng nấm bào ngư.
Tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ sinh học chuyên ngành vi sinh tại Vương quốc Anh và có công việc khá tốt với mức lương cao tại các bệnh viện đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh, nhưng chị Cao Thúy An (sinh năm 1989) lại chọn về quê hương Vĩnh Long khởi nghiệp trồng nấm bào ngư.
Để giải quyết các vấn đề về đầu ra và nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch, chị đã miệt mài nghiên cứu tung ra thị trường sản phẩm snack nấm đầu tiên tại Việt Nam. Hiện, chị chuẩn bị “trình làng” món canh nấm bào ngư đóng gói/đóng hộp, hứa hẹn đem đến cho người dùng trải nghiệm món ngon mới từ nấm bào ngư.
Khách hàng tìm hiểu món snack nấm tại gian hàng hội chợ |
Từ cây nấm đến sản phẩm snack nấm
Ngoài làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước- Mang Thít), chị Thúy An còn là chủ quán cà phê Freco (Phường 1- TP Vĩnh Long). 5 giờ 30 phút sáng, chị bắt đầu ngày mới khá hứng khởi với hương vị cà phê thơm lừng thông qua việc pha chế và thưởng thức cà phê...
Chị An cho biết, công việc ở công ty tạm hoàn tất lúc 5 giờ chiều, khi chị đã giao nấm tươi ở siêu thị và các chợ. Về đêm, chị tiếp tục dành thời gian để nghiên cứu cải tiến bao bì, làm báo cáo, chăm sóc kênh bán hàng online,...
Chúng tôi hỏi về cơ duyên đến với nghề, chị Thúy An chia sẻ: “Đây là bước rẽ hoàn toàn mới để được ở gần gia đình. Quan trọng là mình được trải nghiệm và học hỏi”. Những ngày đầu khởi nghiệp, chị trồng thử nghiệm khá nhiều loại nấm như: nấm bào ngư, nấm rơm, nấm hoàng kim… Trong đó, chị chọn phát triển cây nấm bào ngư vì nhận thấy “có tiềm năng” và đáp ứng nhu cầu ăn uống thực dưỡng của người tiêu dùng
hiện nay.
Song, đã có không ít người phải bỏ cuộc khi khởi nghiệp với cây nấm bào ngư vì đầu ra bấp bênh, tới khi “ế” là “ế cục bộ” do “cung lớn hơn cầu”. Quá trình khởi nghiệp của chị An cũng gặp khá nhiều trở ngại, có những ngày chị phải đem nấm bào ngư ra khu công nghiệp đứng bán.
Tiếc công sức mình đã bỏ ra để trồng và chăm sóc nấm, chị Thúy An lại đem nấm đi phơi nhưng “không biết để làm gì” vì nó không giống như nấm đông cô, có thể phơi khô để nấu ăn dần được…
Sau thời gian mày mò nghiên cứu các sản phẩm từ nấm như pate, giò thủ, sa tế, hạt nêm… trong đó chị phát hiện ở Malaysia có 1 trang trại trồng nấm và chế biến snack nấm. Thế là, chị khăn gói qua đó tìm hiểu. Song, nhận thấy chưa phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam, nên chị tiếp tục mày mò nghiên cứu và liên kết với một công ty chế biến thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh từng bước tạo ra các sản phẩm snack nấm.
Chị còn đem sản phẩm tham gia các gian hàng hội chợ cho khách hàng ăn thử, để lấy ý kiến và tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp để tạo ra sản phẩm ăn liền có hương vị đa dạng phong phú, nhưng vẫn vị ngon tự nhiên của nấm và có độ giòn giòn của món snack…, “phải mất cả năm trời để tạo ra sản phẩm chuẩn công thức chuẩn”- chị An cho biết.
Sản phẩm snack nấm của Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An được xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh. Với mô hình khởi nghiệp trồng nấm và làm snack nấm đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương. |
Sau snack nấm sẽ có món canh nấm
Từ 5.000 phôi nấm bào ngư được trồng thử nghiệm lúc đầu, chị An tranh thủ học hỏi thêm tại các khu công nghệ cao, cộng với nền tảng kiến thức có sẵn của mình, chị đã không ngừng nghiên cứu để nâng cao giá trị cây nấm sau thu hoạch và mở rộng sản xuất.
Đến nay, chị có trong tay trang trại trồng nấm bào ngư đạt chuẩn VietGAP với diện tích 19.000m2, được sản xuất theo dây chuyền từ khâu làm phôi nấm, trồng nấm tươi, sơ chế, đến chế biến các sản phẩm từ nấm.
Cuối năm 2019, sau khi đã hoàn thiện công thức tạo ra món snack nấm và quyết định tung ra thị trường, thì lại vướng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chị An lại tiếp tục gặp khó ở đầu ra sản phẩm.
Song, qua nghiên cứu, tìm hiểu thói quen người tiêu dùng mùa dịch là chuyển sang mua hàng trực tuyến nên chị đã tận dụng cơ hội bán hàng online, đồng thời cung cấp cho kênh Horeca (Hotel- Restaurant- Catering/Café), đó là: nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ ăn uống liên quan khác.
Ngoài cung cấp phôi giống, nấm tươi ra thị trường, snack nấm là hướng đi mới vừa đáp ứng nhu cầu ăn vặt vừa giải quyết đầu ra cho cây nấm tươi khi “cung vượt cầu”. Hiện, Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An có 4 sản phẩm snack nấm với các vị: truyền thống, phô mai cay, rong biển, trứng muối.
Nhờ liên kết các khâu trong sản xuất từ gốc đến ngọn, nên sản phẩm làm ra có thể kiểm soát về chất lượng sản phẩm với giá cả hợp lý, cạnh tranh thị trường. Hiện, công ty của chị An cung ứng ra thị trường 700 gói snack nấm/ngày, chị đang dự kiến “trình làng” thêm món canh nấm đóng gói/đóng hộp vị rong biển và tôm yum.
“Năm 2021, tôi sẽ tăng công suất chế biến các sản phẩm từ nấm và đẩy mạnh bán hàng”- chị An cho biết và chia sẻ thêm về dự định sắp tới là có thể hợp tác, liên kết với những người có thế mạnh ở từng lĩnh vực để cùng đồng hành, phát triển và tiếp tục “thổi bùng” tinh thần khởi nghiệp.
Chị Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều ưu đãi về nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long có rất nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đã có rất nhiều người chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp. Thời gian qua, tôi cũng nhận rất nhiều sự hỗ trợ từ bước đầu thành lập công ty, sau đó các cơ quan nhà nước tiếp tục xem mình có vướng mắc gì thì tiếp tục hỗ trợ về vốn, kiến thức an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, bao bì… Bên cạnh, tỉnh Vĩnh Long còn có CLB khởi nghiệp, đây là nơi để mọi người cùng trao đổi, chia sẻ và học hỏi trong quá trình khởi nghiệp. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin