Kỹ năng sống là hành trang không thể thiếu cho tân sinh viên (SV) khi bước vào 1 chặng đường mới. Thiếu kỹ năng sống các bạn dễ mất cân bằng và dẫn đến ảnh hưởng học tập, sinh hoạt.
Học đại học không giống như học phổ thông, do đó SV cần thích nghi với môi trường tự học, tự nghiên cứu. |
Kỹ năng sống là hành trang không thể thiếu cho tân sinh viên (SV) khi bước vào 1 chặng đường mới. Thiếu kỹ năng sống các bạn dễ mất cân bằng và dẫn đến ảnh hưởng học tập, sinh hoạt.
Quản lý chính mình
Có những chuyện tưởng như đơn giản là quản lý thời gian học tập, vui chơi hay… túi tiền của chính mình nhưng rất khó thực hiện. Bước vào giảng đường, nhiều SV, đặc biệt là những bạn phải sống xa nhà sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, xáo trộn.
Chị Thái Thị Hiền- Bí thư đoàn Trường ĐH Cửu Long cho rằng: “Không biết cách quản lý chi tiêu là câu chuyện chung của nhiều SV, đặc biệt là SV năm nhất. Có SV đang học lại xin nghỉ để… về nhà xin tiền”.
Đa phần các em đều mới tự lập, tự quản lý tài chính. Ngoài ra, theo chị Hiền, tân SV còn thiếu nhiều kỹ năng như kỹ năng quản lý, sắp xếp thời gian, kỹ năng giao tiếp. Chị Hiền giải thích: “Vì học ĐH khác phổ thông về thời gian học, nhất là học tín chỉ thời gian trên lớp thì ít, tự học nhiều. Nếu các bạn không biết phân bổ thời gian tự nghiên cứu sẽ khó thích nghi trong việc học”.
Lần đầu tiên được sử dụng một số tiền lớn và lần đầu tiên được cho tiền sử dụng trong 1 tháng, em Nguyễn Quốc Vinh- SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long không khỏi háo hức. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì Vinh đã sử dụng hết tiền và phải ăn mì gói “đợi cuối tuần trống tiết về nhà xin tiền”.
Vinh cười: “Hồi lớp 12 em đi học được cho tiền ăn sáng thôi. Giờ được cho một lần 2 triệu thấy nhiều nên thiếu gì em mua cái đó. Kết quả mới 2 tuần đã sử dụng hết tiền trong 1 tháng”.
Xa nhà, không có cha mẹ quản lý, nếu SV không biết sắp xếp việc học dễ ham vui và không tập trung cho việc học hành. Chị Hiền nói: “Chưa tính việc SVmới hay… mê ngủ. Một vài em thức khuya chơi và thường đi học trễ hoặc vắng các ca học buổi sáng”.
Anh Đặng Hải Đăng- Bí thư đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho rằng: SV hiện nay phụ thuộc nhiều vào công nghệ thông tin mà thiếu kỹ năng thực hành trong xã hội. Tuy nhiên, khi đoàn trường mở lớp miễn phí cho các em thì nhiều em lại không mặn mà.
Anh Đặng Hải Đăng ví dụ: “Năm rồi, chúng tôi mở lớp kỹ năng học, kỹ năng xin việc, giao tiếp… cho SV. Mời diễn giả về nói chuyện với các em, chuẩn bị sẵn hội trường 500 chỗ nhưng chỉ có hơn 200 SV tham gia”.
Rèn kỹ năng, dung hòa học và chơi
Để hỗ trợ sinh viên mỗi đầu năm học, BCH Đoàn Trường ĐH Cửu Long phân công liên chi đoàn hỗ trợ các bạn trong tuần đầu sinh hoạt công dân. “SV gặp khó khăn sẽ được hướng dẫn, đối với những SV sống khép kín cán bộ đoàn quan tâm, nói chuyện với các bạn nhiều hơn, khuyến khích các bạn tham gia phong trào để các bạn cởi mở hơn”- chị Hiền nói.
Anh Hải Đăng cho biết: Trong tuần sinh hoạt đầu khóa hay các hoạt động sẽ lồng ghép sinh hoạt kỹ năng thực hành xã hội giao tiếp, ứng xử tác phong, trường có bộ quy tắc ứng xử cho các em hiểu học ĐH khác phổ thông, cách đăng ký tham gia các phong trào Đoàn…
Sắp xếp hợp lý thời gian để học tập và tham gia các phong trào giúp các em rèn luyện kỹ năng. |
Tân SV nên tham gia phong trào Đoàn để năng động hơn và rèn luyện được nhiều kỹ năng hơn. Trong quy định về học lực và xét học bổng của nhiều trường, cũng có quy định về điểm rèn luyện và điểm học tập. Điển hình tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, SV muốn nhận học bổng loại xuất sắc ngoài học lực xuất sắc phải có điểm rèn luyện xuất sắc. Nếu điểm rèn luyện xếp loại tốt thì các em chỉ được nhận học bổng loại giỏi.
Rèn luyện cho con khả năng tự lập cũng là nhiệm vụ của cha mẹ khi các em còn học phổ thông. Những công việc nhẹ nhàng như đảm bảo biết nấu bữa cơm đơn giản cho chính mình, hay giặt giũ, lao dọn là điều rất cần thiết.
Cô Lê Trần Thị Hồng Hạnh- mẹ tân SV Lê Diệu Thi- Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh- cho biết: “Dù con tôi học hành tốn nhiều thời gian, tôi cũng tranh thủ dạy con nấu canh, kho cá,… các món đơn giản đều có thể làm được. Diệu Thi cũng tự chăm sóc tốt bản thân và biết sắp xếp thời gian để học và tham gia các phong trào”.
Những năm trên giảng đường ĐH được xem là giai đoạn để SV rèn luyện, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Để tránh bỡ ngỡ trước những thay đổi, các tân SV cần chuẩn bị cho mình một tâm lý, lập trường vững vàng và những kỹ năng sống cần thiết.
Không ít cha mẹ khi “khăn gói” chuẩn bị hành trang cho con vào giảng đường mới lo lắng vì con mình không biết làm gì vì trước nay con chỉ biết học, mọi việc đã có cha mẹ lo. Từ chuyện đơn giản như nấu cơm, chiên trứng, nấu canh,… đến chuyện cá nhân như giặt giũ quần áo, dọn dẹp phòng trọ cũng không biết. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin