Vừa tốt nghiệp ngành sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Văn Hữu Tài (23 tuổi) đã đem niềm đam mê, nhiệt huyết và kiến thức của mình về quê khởi nghiệp với việc nuôi trồng tảo xoắn- mô hình mà ít ai biết và ít ai hiểu đó là gì.
Với Tài, muốn khởi nghiệp thành công phải “bại không nản” và không ngừng nỗ lực. |
Vừa tốt nghiệp ngành sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Văn Hữu Tài (23 tuổi) đã đem niềm đam mê, nhiệt huyết và kiến thức của mình về quê khởi nghiệp với việc nuôi trồng tảo xoắn- mô hình mà ít ai biết và ít ai hiểu đó là gì.
Sản phẩm mới lạ về cả tên lẫn cách nuôi trồng nhưng với sự kiên trì mày mò, nghiên cứu, Tài đã thành công cho ra thị trường sản phẩm bột tảo xoắn Spirulina.
Khởi nghiệp từ nuôi trồng “nước xanh xanh”
Tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện, Văn Hữu Tài- Chủ hộ kinh doanh Tảo xoắn Mê Kông (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh, Long Hồ)- cởi mở chia sẻ: “Mới đầu không ai biết tôi làm gì với loại nước xanh xanh này đâu, ba mẹ cũng chưa hiểu. Từ từ, tôi giải thích, giới thiệu thì mọi người mới dần tiếp nhận và ủng hộ”.
Nói về “cơ duyên” đến với tảo xoắn, Tài cho hay: “Từ năm 3 ĐH, tôi biết đến loại tảo đặc biệt này và “mê” luôn. Đây cũng chính là đề tài tốt nghiệp của tôi”.
Nhận thấy đây là loại tảo không chỉ tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn có nhiều tiềm năng phát triển, sau khi ra trường, Tài đã không ở lại TP Hồ Chí Minh làm việc mà chọn con đường đem kiến thức nuôi trồng loại tảo này từ trường học về quê để khởi nghiệp.
Theo Tài, “học là một chuyện và áp dụng thực tế là một chuyện khác” nên bước đầu Tài đã gặp khá nhiều khó khăn. “Lúc học nghiên cứu ở trường chỉ làm quy mô nhỏ trong phòng thí nghiệm, nhưng khi nghiên cứu thực tế thì yếu tố thay đổi đến 40- 50% so với lúc học.
Rồi do quy mô nghiên cứu lúc trước chỉ trong phòng thí nghiệm nên khi thực hiện trên 300m2 diện tích ở nhà năng suất không đạt. Chưa kể một số chất, thuốc chỉ có trong phòng thí nghiệm, không bán lẻ bên ngoài nên phải nghiên cứu loại khác để thay thế.
Lại thêm yếu tố thời tiết thay đổi thất thường, tuy đây là loại tảo ưa sáng nhưng lại rất kén nhiệt độ, nắng gắt hay mưa nhiều đều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng”.
Không nhớ nỗi đã thử nghiệm qua bao nhiêu lần thất bại, nhưng với sự ủng hộ hết lòng của gia đình, hỗ trợ của thầy cô và quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng, dần dần Tài cũng khắc phục được khó khăn ban đầu và có bước tiến hơn khi đã tạo ra được bột tảo xoắn và cho ra thị trường vào tháng 3/2020.
Tài cho hay, hiện với 8 bể (3m3 nước/bể), thu hoạch 15 ngày một lần, được từ 2- 3kg tảo tươi/bể, thu hoạch được 4- 5 tháng, sau đó thay nước và nuôi trồng lại. Tảo tươi có giá 600.000 đ/kg, còn tảo khô thì có giá 2- 3 triệu đồng/kg, 5kg tảo tươi sẽ cho ra thành phẩm 1kg tảo khô.
Tài chia sẻ: “Đây là loại tảo dùng như một loại rau nhưng lại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Sản phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ biếng ăn, chậm lớn, sức đề kháng yếu, hỗ trợ cân bằng cân nặng, người già ăn không ngon miệng, gầy yếu, người mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường,...
Lúc đầu, nhiều người không biết về sản phẩm này là gì, công dụng ra sao nên tôi phải tích cực giới thiệu, tư vấn, dần dần mới được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. Sản phẩm của tôi được nhiều người sử dụng khen là có mùi thơm đặc trưng và không tanh như các sản phẩm cùng loại”.
Đem sản phẩm mới về làm giàu cho quê
Sản phẩm tảo xoắn của Tài đã có thị trường tiêu thụ tại Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh. |
Theo Tài, tuy đây là sản phẩm rất mới ở khu vực miền Tây nhưng lại khá phổ biến ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ngoài. Theo đó, loại tảo này được trồng theo quy trình khép kín, vốn đầu tư không quá cao nên có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
“Tôi mong muốn đem kiến thức của mình về khởi nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình. Đồng thời, muốn tạo ra sản phẩm mới lạ, đặc trưng riêng cho địa phương.
Bên cạnh đó, cũng sẽ giới thiệu với người dân xung quanh về mô hình này để mọi người cùng biết, cùng làm, cùng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Bởi hiện nay nếu chỉ làm nông nghiệp theo cách truyền thống thì gặp nhiều khó khăn về giá cả, thời tiết,…
Hướng tới, tôi định hướng sẽ tăng cường tư vấn hướng dẫn người dân cách nuôi, cung cấp tảo giống, khoáng chất sau đó thu mua lại của người dân, xa hơn sẽ có thể thành lập thành hợp tác xã nuôi trồng tảo xoắn”.
Hiện Tảo xoắn Mê Kông đã có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bảng kiểm hàm lượng dinh dưỡng trong tảo, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị sản xuất để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo Tài, người rõ về công dụng của tảo đã ít, người tin tưởng dùng tảo Việt Nam sản xuất lại không nhiều.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng đã ngày một tăng lên thì sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội phát triển nên sẽ tăng cường quảng bá hơn nữa về công dụng, chất lượng của sản phẩm qua kênh online lẫn kênh truyền thống. Hiện sản phẩm có mặt trên Shopee, Lazada,…
Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có không ít mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ tham gia vào chương trình OCOP.
Theo đó, cũng có nhiều sản phẩm mới, hay, có tiềm năng phát triển trên thị trường. Trong đó, bột tảo Spirulina của Hộ kinh doanh tảo xoắn Mê Kông cũng được đánh giá có tiềm năng và hiện cũng đang tiếp tục hoàn thành một số vấn đề để tối ưu hóa số điểm.
Thành công bước đầu, không còn lo về quy trình sản xuất, chỉ tập trung lo về đầu ra, Tài chia sẻ: Hiện tảo xoắn Mê Kông vẫn luôn không ngừng sửa đổi, hoàn thiện và ngày một “trưởng thành” hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đây chỉ mới là những sản phẩm khởi đầu để cơ sở tiếp tục nghiên cứu làm tảo ở dạng viên và làm mì tảo để nâng cao giá trị của tảo và để sản phẩm dễ tiếp cận thị trường hơn.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin