Hay lam hay làm, không ngại khó, không ngại khổ dù không được khỏe mạnh như những người cùng trang lứa, nhưng anh Thạch Quân (ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ-Tam Bình) là một tấm gương người khuyết tật đầy nghị lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
Hay lam hay làm, không ngại khó, không ngại khổ dù không được khỏe mạnh như những người cùng trang lứa, nhưng anh Thạch Quân (ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ-Tam Bình) là một tấm gương người khuyết tật đầy nghị lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
Bí thư, Trưởng ấp Sóc Rừng thăm mô hình nuôi ếch giống của anh Thạch Quân. |
Cơn sốt bại liệt vào năm 3 tuổi khiến chân phải anh Thạch Quân- anh hai trong gia đình- rất yếu “đi còn không vững nữa, té lên té xuống suốt hà, vậy mà siêng năng, mần dữ thần để phụ giúp cha mẹ lo cho các em. Rồi khi có vợ thì vợ chồng Quân cũng mần tối tăm mặt mày, không ngớt tay!- cô Trần Thị Nghĩa- mẹ anh cho biết.
Anh Thạch Quân học xong lớp 12 thì ở nhà làm ruộng vườn phụ gia đình. Anh cưới vợ và ra riêng với căn nhà đơn sơ, vài trăm mét vuông đất.
Anh Quân nói: “Tôi nghĩ mình phải chăn nuôi chứ đất ít thì cũng không biết trồng gì, mà tôi cũng không khỏe mạnh để làm như mọi người”.
Vậy là anh nghiên cứu sách báo, nghe đài, xem ti vi và học cách nuôi ếch giống. Anh Quân cười: Ban đầu cũng khó khăn lắm vì chưa có kinh nghiệm từ khâu chọn ếch giống, cho đẻ trứng nên tỷ lệ nòng nọc ít, mà số nòng nọc lớn lên thành ếch cũng không nhiều. Rồi khi đã rút kinh nghiệm đủ để ếch giống đều đều thì lại lo đầu ra.
Giờ thì khách hàng của anh từ trong và ngoài tỉnh đều có, lái bao hàng có là lấy nên sản xuất khá yên tâm. Với khoảng 20 vèo ếch đủ các cỡ, luân phiên mỗi tháng anh Quân bán khoảng 5.000 con ếch giống, mỗi con giá khoảng 1.000đ.
Không chỉ nuôi ếch, anh Quân còn nuôi thêm thỏ giống và dê giống. |
Không ngại chia sẻ kinh nghiệm với mọi người để “bà con cùng làm”- anh Quân nói- nên bà con từ các xã lân cận đến mua và học hỏi kinh nghiệm “tôi chỉ không giấu giếm gì”. Anh Quân cười: “Người nuôi ếch thịt mà trúng thì họ sẽ lấy ếch giống của mình, buôn có bạn bán có phường sẽ dễ bán buôn hơn”.
“Nuôi ếch giống khó hơn nuôi ếch thịt vì phải chăm sóc nhiều. Thức ăn cho ếch giống là loại 30 đạm. Con ếch giống chịu sạch, nên người nuôi phải nhắm chừng nước dơ là thay”. Nói rồi, anh Quân chỉ những vèo ếch con bằng ngón tay cái “vèo này chuẩn bị đếm nè, 5 ngày thay nước 1 lần”.
Không chỉ nuôi ếch, anh Quân còn nuôi thêm thỏ giống và dê giống. Những con dê, con thỏ trắng hồng hào qua bàn tay chăm sóc cẩn thận của người nuôi. Vợ chồng anh Quân nuôi khoảng 30 con dê, trong đó, có khoảng 20 dê giống. Dê con độ 4-5 tháng tuổi là có thể bán được, với giá thị trường hiện nay, mỗi con dê giống không dưới 1 triệu đồng.
Cạnh chuồng dê là 20 con thỏ nái và bầy con “chưa đếm được hết”. Vì mỗi con thỏ cứ 33 ngày lại đẻ một lứa mới, mỗi thỏ nái bình quân mỗi lứa đẻ 5 con. Mỗi năm bình quân mỗi con đẻ 50 con thỏ con (giá thỏ con là 45.000đ).
Nói về lợi nhuận chăn nuôi, anh Quân “chưa tính thử”, chỉ biết từng món như vậy thôi. Chỉ biết “chăn nuôi nhiêu đó mà vợ chồng tối ngày mần không khô được bộ đồ. Có đồng vô đồng ra thì vui, lao động chân chính kiếm tiền mà.”- anh Quân cười.
Chú Trần Văn Thảo- Bí thư, Trưởng ấp Sóc Rừng- cho biết: Thạch Quân là người khuyết tật nhưng rất chịu khó, ham học hỏi nhờ đó mà kinh tế gia đình phát triển. Mô hình nuôi ếch giống khá thành công, bên cạnh là nuôi dê, nuôi thỏ cho lợi nhuận khá. |
Bài, ảnh: VĨNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin