Đam mê kim chi hương vị Việt

02:08, 06/08/2020

Dành tình cảm đặc biệt cho món kim chi Hàn Quốc và với đam mê tạo ra bản sắc riêng cho món kim chi mang hương vị Việt, chị Nguyễn Thị Thanh Loan (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược- Bình Tân) vượt qua nhiều khó khăn để bắt đầu với cơ sở sản xuất của riêng mình.

Dành tình cảm đặc biệt cho món kim chi Hàn Quốc và với đam mê tạo ra bản sắc riêng cho món kim chi mang hương vị Việt, chị Nguyễn Thị Thanh Loan (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược- Bình Tân) vượt qua nhiều khó khăn để bắt đầu với cơ sở sản xuất của riêng mình.

Chị Loan mong muốn làm ra món kim chi mang hương vị Việt.
Chị Loan mong muốn làm ra món kim chi mang hương vị Việt.

Mang món ăn Hàn Quốc về quê hương

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thường trực với nụ cười tươi, chị Loan đon đả mời chúng tôi thử món kim chi, củ cải muối và tỏi ngâm. Để cho ra đời miếng kim chi dậy màu đỏ bắt mắt với vị chua thanh, giòn thơm hòa quyện vị cay của ớt là cả một quá trình kỳ công.

Chị Loan chia sẻ: “Kim chi như một phần không thể thiếu trong cuộc sống bởi hơn 15 năm lấy chồng về Hàn Quốc sinh sống, tôi học hỏi cách làm kim chi từ mẹ chồng và kinh nghiệm tích góp từ việc làm cho một cơ sở chế biến kim chi tại Hàn Quốc. 49 tuổi, tôi trở về Việt Nam và có một “khởi đầu mới” cùng với kim chi”.

Nói về lý do khởi nghiệp, chị Loan chia sẻ: “Xu hướng tiêu dùng hiện nay là các thực phẩm sạch, rõ ràng nguồn gốc luôn là ưu tiên số 1 trong thực đơn của gia đình. Hiểu được điều này, nên tôi muốn mang những thực phẩm sạch đến “bếp” của người tiêu dùng và muốn khởi nghiệp đi lên từ ngành này. Bởi bất cứ ngành nghề nào, quy mô nào và hình thức khởi nghiệp nào, sản phẩm luôn là đầu câu chuyện”.

15 năm sống ở Hàn Quốc là bấy nhiêu năm chị Loan mày mò, học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm cho món kim chi này. “Kim chi ở Hàn Quốc làm theo mùa và để dành ăn quanh năm, nguồn nguyên liệu lại có sẵn từ cải thảo đến gia vị, bảo quản đều dễ dàng hơn ở Việt Nam. Nên lúc mới bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn từ ngôn ngữ, nguyên liệu, máy móc sản xuất, nhân công,…

Lúc làm kim chi, nhiều người cản tôi bởi “món này ai mà biết, rồi ai mà ăn, bán cho ai”, nhưng tôi không nản, quyết chí làm. Lúc đó, tôi phải làm ban đêm để… bớt áp lực, bớt nghe lời ra tiếng vào”- chị Loan cười nhớ lại.

Sau vài mẻ thất bại, những mẻ đầu tiên thành công chị Loan đem tặng cho bà con, hàng xóm, bạn bè, người thân dùng thử, để mọi người biết đến món kim chi và góp ý cải tiến sản phẩm. “Nhiều người dùng thử góp ý kim chi làm hơi cay, hơi mặn, thiếu giòn,… tôi cũng tiếp nhận rồi dần dần cải tiến lại chứ không phải ai nói sao nghe vậy”- chị Loan nói. Nhờ bền chí, say mê với nghề mà chỉ sau 3 tháng về nước, tháng 10/2019, chị Loan đã có thành phẩm để “chào sân”.

Bên cạnh đó, việc bảo quản sau khi kim chi thành phẩm cũng là một khó khăn. Chị Loan cười tươi, kể: “Ai cũng cười khi thấy tôi lên tới Quận 7, TP Hồ Chí Minh mua cái tủ lạnh về. Nhưng phải mua đúng loại tủ đông lạnh kim chi thì mới bảo quản được lâu”.

Kim chi mang hương vị Việt

Theo chị Loan, khởi nghiệp ở bất cứ ngành nghề nào cũng có khó khăn và riêng với thực phẩm, phải cẩn trọng, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến khi thực phẩm đó có mặt trên bàn ăn của người tiêu dùng.

Chị Loan cho hay, món ăn trông đơn giản nhưng cần nhiều loại gia vị và các bước chọn nguyên liệu cũng phải vô cùng tỉ mỉ.

“Để đảm bảo an toàn thực phẩm, và cải thảo phải đủ độ to, giòn, tôi phải đặt cải thảo và ớt từ Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Trần Gia ở Đà Lạt. Thử nghiệm gia vị cũng không đơn giản vì muối của Hàn Quốc không quá mặn, còn muối ở địa phương làm kim chi có vị chát nên tôi phải thử đi thử lại rất nhiều lần”- chị Loan chia sẻ.

Sản phẩm kim chi của chị Loan được nhiều người tiêu dùng tiếp nhận.
Sản phẩm kim chi của chị Loan được nhiều người tiêu dùng tiếp nhận.

Trên bao bì món ăn truyền thống của Hàn Quốc, chị Loan lại ghi “Đam mê hương vị Việt” bởi theo chị, khẩu vị của người Hàn Quốc khá khác biệt, họ có hàng trăm loại kim chi khác nhau. Khi mang món ăn về Việt Nam, chị phải “biến tấu” để phù hợp với người Việt.

“Về nước nhiều thứ mới mẻ, phải học hỏi lại từ đầu nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi mày mò học hỏi, chưa được thì làm cho được, tôi tiếp nhận thông tin, chọn lọc để làm sao cho sản phẩm làm ra vừa mang khẩu vị Hàn Quốc vừa có hương vị Việt Nam, học hỏi chứ không sao chép”- chị Loan nói thêm.

Chị Loan bày tỏ: “Mong muốn của tôi là làm ra sản phẩm đặc trưng của Việt Nam trên nền tảng ẩm thực Hàn Quốc. Tôi là người Việt Nam, tôi từng sống và có kinh nghiệm làm thực phẩm ở Hàn Quốc, tôi cũng am hiểu món kim chi nên sản phẩm làm ra phải chuẩn hương Việt nhưng không mất hương vị Hàn Quốc.

Do thời điểm này, ảnh hưởng của dịch COVID- 19, tiêu thụ chậm hơn nên tôi giảm giá 5%/ 1kg sản phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá qua các kênh online, sàn giao dịch thương mại điện tử,…”

Dù kim chi chưa có thị trường nhiều, chỉ bán ở khu vực Bình Minh, các xã lân cận nhưng hướng tới, ngoài kim chi, chị Loan thử nghiệm với củ cải muối và tỏi ngâm tương, chị sẽ tìm đại lý phân phối ở TP Hồ Chí Minh. “Tôi đang hướng đến mục tiêu lớn lao hơn là có một nông trại riêng tại Hà Nội để trồng cải thảo, không phải tốn chi phí nhập nguyên liệu từ bên ngoài và sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cho nông sản Việt”- chị Loan tin tưởng.

Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), cho biết: Tuy mới ra thị trường không lâu nhưng bước đầu sản phẩm kim chi của Hộ kinh doanh Kor kim chi Thanh Loan cũng được nhiều người đánh giá cao. Đây cũng là một trong những đơn vị tích cực, nhiệt tình tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, cơ sở cũng đã ký kết được một số biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh