Nhạc công 9X giữ thanh âm dân tộc qua đàn tranh, băng đĩa cũ

11:06, 14/06/2020

Gần 10 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, chàng trai 27 tuổi- Trương Tài Linh (TP Cần Thơ) còn sở hữu "gia tài" âm thanh xưa độc đáo với hơn 2.000 cuộn băng cassette, 800 đĩa nhựa cùng nhiều tờ nhạc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ...

Gần 10 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, chàng trai 27 tuổi- Trương Tài Linh (TP Cần Thơ) còn sở hữu “gia tài” âm thanh xưa độc đáo với hơn 2.000 cuộn băng cassette, 800 đĩa nhựa cùng nhiều tờ nhạc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ...

Truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc đến với học trò.
Truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc đến với học trò.

Sống trong không gian ca cổ, cải lương

Căn phòng trọ của anh Trương Tài Linh ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) không quá khó tìm, bởi chỉ cần đứng cách nhà một đoạn đã nghe tiếng đàn tranh réo rắt. Trong phòng đầy những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc và điều khiến chúng tôi choáng ngợp là dãy băng, đĩa, máy cassette, máy hát đĩa nhựa… được anh xếp gọn gàng ở một góc.

Phía trên những kệ băng đĩa là hình ảnh những nghệ sĩ cải lương như Thanh Nga, Lệ Thủy,… Mới có, cũ có nhưng ấn tượng nhất là bức ảnh của Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy với dòng chữ: “Thương tặng cháu Trương Tài Linh- ký tên Lệ Thủy- ngày 12/8/2019”.

Hiện anh Tài Linh đã sưu tầm được hơn 2.000 cuộn băng cassette, 800 băng đĩa nhựa, hơn 100 đĩa CD,… đều là băng gốc hoặc F1 chủ yếu là cải lương thuộc các thể loại. Những vỏ băng, đĩa phai màu theo thời gian, có những bao bì còn được anh dán băng keo chằng chịt bởi nhiều cuộn sản xuất cách đây hơn nửa thế kỷ.

Theo anh Tài Linh, đĩa nhựa có 2 loại 33 vòng và 45 vòng, thể hiện dung lượng chuyển tải nhiều hay ít. Mỗi đĩa nhựa có giá từ 300.000- 500.000đ, tùy số vòng, chất lượng và cũng có đĩa giá bạc triệu tùy theo độ quý hiếm.

Kỳ công sưu tầm trong thời gian dài những đĩa nhựa “Thanh Xà Bạch Xà”, “Đời cô Hạnh”, “Hành khất đại hiệp”, “Lấy chồng xứ lạ”... anh Tài Linh còn sưu tầm nhiều tờ nhạc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, hình gốc của nghệ sĩ và những vở diễn được chụp lại rất hiếm hoi.

Trên máy hát đĩa nhựa Victor, cầm chiếc kim đặt trên đĩa, giọng hát của nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương… tiếng hát trầm ấm của cố nghệ sĩ Thanh Nga làm nao lòng người nghe, gợi nhớ về người nghệ sĩ tài năng, bạc mệnh. Chúng tôi cảm nhận được cái quý giá của những chiếc đĩa mà anh Tài Linh lưu giữ tinh hoa nhớ “một thời vang bóng”.

Chuyện sưu tầm băng đĩa nhựa cũng không dễ dàng gì, Tài Linh chia sẻ: “Chiếc đĩa mắc nhất tôi mua là 2,5 triệu đồng, bằng học phí của hơn 4 học trò trong 1 tháng, cũng có những chiếc mua rất rẻ từ vựa ve chai, mình phải tự đi tìm trong đống lộn xộn”.

Cũng có những chiếc đĩa được “người không quen” tận An Giang đến thăm và gửi tặng. “Một anh ở Chợ Mới- An Giang xem thông tin trên mạng biết tôi sưu tầm băng đĩa, nhà anh trước đây kinh doanh mặt hàng này vậy là anh tặng tôi một số băng gốc. Rất hay và rất biết ơn anh”- Tài Linh nói.

Từ năm học lớp 8, được người cậu tặng cái máy cassette và mấy cuốn băng hay, lại có bìa trang trí bắt mắt, cũng từ đó mà tôi luôn ấp ủ khát khao sưu tập chúng”- anh Tài Linh chia sẻ thêm: “Tuy nhiên, mãi đến khoảng 3 năm gần đây tôi mới có khả năng sưu tầm nhiều băng đĩa”.

Giữ hồn nhạc cụ dân tộc

Ở tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh Tài Linh có một tình yêu đặc biệt dành cho dòng nhạc dân tộc. Học ngành y, có công việc ổn định tại một bệnh viện ở Cần Thơ nhưng anh quyết định bỏ dở để học biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Trường CĐ Văn hóa- Nghệ thuật Cần Thơ.

“Quê tôi ở xóm gỗ (Long Mỹ- Hậu Giang)- xóm chuyên nghề đan đát, chắc vì thường ngồi đan nên ông bà, cha mẹ và những người trong xóm thường để cái radio nghe đài bên cạnh, tôi ngồi đó nghe mà yêu luôn lời ca tiếng hát hồi nào hổng hay”.

Có thể biểu diễn nhiều loại nhạc cụ nhưng anh Tài Linh dành tình cảm đặc biệt cho đàn tranh: “Tiếng đàn trong trẻo, thánh thót luôn mang đến cảm giác bình yêu, nhẹ nhàng. Từ lúc còn đi học ngành y, tôi đã lén gia đình học thêm đàn tranh.

Để trang trải học phí, tôi phải làm phục vụ quán cà phê, quán ăn… làm đủ nghề bởi cha mẹ không ủng hộ. Sau này trong khoảng 2 năm liền, chắt chiu cả triệu đồng mỗi chuyến, tôi lên TP Hồ Chí Minh học đờn ngày cuối tuần rồi lại bắt xe về Cần Thơ”.

Trương Tài Linh kể, nhờ chuyện đờn ca mà anh có dịp quen biết hoặc làm việc chung với nhiều danh cầm, danh ca. Ngón đờn của anh vì thế ngày càng vững vàng. Trương Tài Linh từng góp mặt biểu diễn trong nhiều sự kiện lớn của Cần Thơ như chào mừng diễn đàn APEC tại Cần Thơ, chào mừng Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản- ĐBSCL, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ…

Một góc bộ sưu tập băng đĩa của anh Trương Tài Linh.
Một góc bộ sưu tập băng đĩa của anh Trương Tài Linh.

Thu nhập chính của anh từ việc dạy đàn đủ để “sống với đam mê, trả tiền trọ và dư chút đỉnh thì sưu tầm đĩa” vì học phí cho mỗi học trò chỉ 600.000 đ/tháng. Anh Tài Linh không nhớ nỗi mình đang dạy mấy mươi học trò, học trực tiếp có, online có vì “tôi dạy bằng cái tâm của một người vui mừng vì nhiều người có niềm say mê giống mình, cũng không có lên danh sách gì”.

Chính mong muốn truyền nhạc cụ dân tộc cho nhiều người, không chỉ dạy mà anh Tài Linh còn học thêm “online” các nghệ nhân trong và ngoài nước vì “dù làm thầy mình cũng phải học hỏi và rèn luyện mỗi ngày”.

Bên cạnh, anh cùng những người yêu đàn tranh còn vận động tổ chức cuộc thi online “Tiếng đàn tranh Việt” được anh Tài Linh cố gắng duy trì. Anh chia sẻ: “Chúng tôi mong tạo ra một sân chơi để những người trẻ ở mọi miền được giao lưu học hỏi, có động lực tập luyện và yêu thích hơn dòng nhạc dân tộc”.

Chị Nguyễn Thị Hòa- Gia Lâm (Hà Nội) vào tận Cần Thơ để theo thầy Tài Linh học đàn tranh. Chị Hòa là người kinh doanh homestay ở Hà Nội, yêu thích đàn tranh và vô tình lên mạng nghe được tiếng đàn của anh Tài Linh, chị Hòa xin học nghề và “bán nhà ở Hà Nội, mang theo con trai 5 tuổi vào Cần Thơ học đàn”. Chị Hòa chia sẻ: “Trước đó, ở Hà Nội tôi có học đàn tranh hơn 3 tháng nhưng chưa biết đàn một bài nào. Học thầy Tài Linh, tôi nhận được sự tận tâm, tận tình của thầy, dạy là để cho học trò phải biết đàn. Tôi rất vui, hài lòng với quyết định của mình và cũng yêu luôn vùng đất ĐBSCL này”.

Bài, ảnh: HUYỀN THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh