Có tinh thần vượt khó vươn lên, nhiều thanh niên nông thôn đã nhạy bén, chí thú làm ăn với nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, qua đó tăng thêm thu nhập gia đình, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Có tinh thần vượt khó vươn lên, nhiều thanh niên nông thôn đã nhạy bén, chí thú làm ăn với nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, qua đó tăng thêm thu nhập gia đình, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Anh Lê Văn Tình (giữa) trò chuyện với đoàn viên thanh niên đến tham quan mô hình. |
Đến thăm mô hình trồng bưởi da xanh của anh Lê Văn Tình (xã Nhơn Phú- Mang Thít), chúng tôi không khỏi khâm phục tinh thần ham học hỏi, kiên trì và khát vọng làm giàu của anh.
Đưa chúng tôi tham quan vườn bưởi trĩu quả, anh cho biết: Trước đây, khi anh ra riêng, cha mẹ cho được vài công vườn nhưng lúc đó trồng cây tạp nên huê lợi chẳng bao nhiêu. Vì muốn kinh tế gia đình phát triển hơn nên anh đã mạnh dạn cải tạo lại vườn để trồng bưởi da xanh. Song song đó, anh còn đầu tư nuôi vịt thịt và vịt đẻ…
Anh kể: “Nói thì đơn giản vậy nhưng thật ra khi bắt tay vào làm mới biết không “dễ ăn” đâu. Trồng bưởi thì điều chỉnh bón phân và tưới nước để cây trổ bông đúng dịp, cho năng suất cao, trái đẹp và kéo dài tuổi thọ của cây... Phương pháp này với nhà vườn mới vào nghề như anh đâu phải dễ. Còn chăn nuôi vịt, anh đã lỗ vốn hàng chục triệu đồng khi không may đàn vịt bị dịch bệnh”.
Dù khó khăn và gặp thất bại nhưng anh vẫn không nản lòng mà quyết chí “phải làm sao cho hiệu quả”. Rồi từ việc tự tìm tòi các kiến thức trên Internet và học hỏi những kinh nghiệm của những nhà nông xung quanh, anh đã khéo léo áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình.
Hiện tại, “gia tài” của gia đình anh dù chưa thể gọi là bề thế nhưng 2 công bưởi đã cho thu hoạch vài chục triệu đồng/năm cùng với 3 công bưởi cũng đang chờ thu hoạch lứa đầu tiên và bầy vịt hơn trăm con… “Thanh niên nông thôn phải chí thú làm ăn thì kinh tế gia đình mới ổn định. Có như thế mới góp phần vào phát triển chung của địa phương”- anh nói.
Thời gian qua, có không ít thanh niên nông thôn với ý chí tự lực tự cường, sự chí thú làm ăn đã mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn ngành nghề phù hợp với các tiềm năng thế mạnh của địa phương…
Theo chân chị Lê Thị Thúy Quyên- Bí thư Xã Đoàn Chánh An (Mang Thít), chúng tôi đến thăm vườn ươm của gia đình ở ấp Tân Mỹ. Vừa đi chị vừa giới thiệu: “Mô hình này cũng dễ làm, phí đầu tư không cao lại không tốn nhiều công chăm sóc. Nhất là từ khi đầu tư hệ thống tưới phun tự động thì chị đỡ tốn công lao động lại tiết kiệm được nhiều thời gian hơn”. Chỉ tay về vườn cây xanh um vươn cao ngang gối, chị nói “vài tháng nữa cây cao quá đầu người là thương lái đã thu mua rồi”.
Rồi chị cho biết, khi bắt đầu thực hiện mô hình này, chị cũng… đắn đo vì không có đất. Thế nhưng vì mong muốn có thêm thu nhập cho gia đình chị đã mạnh dạn thuê đất để ươm cây mít Thái, sầu riêng. Qua thời gian thấy hiệu quả khả quan nên chị đã thuê thêm đất và đến nay diện tích ươm trồng đã lên đến hơn 8 công.
Tính ra một năm, trừ tất cả chi phí, mỗi công vườn ươm cho lời trên 30 triệu đồng. Với hơn một năm thực hiện mô hình này, chị Quyên đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng… “Thủ lĩnh Đoàn phải đi đầu trong các phong trào. Nếu thanh niên có nhu cầu tôi sẽ giới thiệu mô hình để các bạn trẻ có thêm điều kiện tăng thêm thu nhập gia đình”- chị Quyên cho biết.
Nhờ dám nghĩ, dám làm mà kinh tế gia đình chị Lê Thị Thúy Quyên (giữa) ngày càng phát triển. |
Không chấp nhận đói nghèo, không chịu bỏ cuộc, biết vươn lên trong cuộc sống bằng chính đôi tay của mình, không ít thanh niên đã không ngừng vượt qua khó khăn, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất.
Điển hình như anh Nguyễn Văn Hải (thị trấn Vũng Liêm, Vũng Liêm). Khi mới ra riêng, tài sản duy nhất của vợ chồng chỉ vỏn vẹn 1 công ruộng và 0,5 công vườn. Anh thì làm thợ hồ nên cuộc sống gia đình rất chật vật.
Thế nhưng vốn tính cần cù, tháo vát lại không ngại khổ cực, anh cùng vợ luôn quyết tâm cùng nhau vực dậy kinh tế gia đình từ gian khó. Sau khi có chút vốn dành dụm được, gia đình anh bắt tay nuôi bò. Từ 1 con bò sinh sản, qua gầy dựng mô hình đến nay, gia đình anh đã có 6 con bò mẹ lẫn bò nghé.
Qua mô hình này, gia đình anh đã tích lũy mua được 3 công ruộng và 2 công vườn, hiện đang trồng dừa, bưởi da xanh. Và anh cũng đã xây dựng được căn nhà tường khang trang. Theo anh, thanh niên phải có ý chí vượt khó, có biết vươn lên phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.
Còn với anh Trần Bình Trọng (xã Quới An- Vũng Liêm) thì phải vất vả mưu sinh khi từ rất sớm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học từ năm 14 tuổi để đi làm mướn và nhận chở hàng thuê khi có người gọi. Gia đình ít ruộng, vườn, mẹ anh lại bệnh nặng, cha sức khỏe cũng yếu, vì thế anh luôn tự nhủ bản thân sẽ cố gắng hết sức để giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Năm 2015, gia đình anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay tiền nuôi bò sinh sản. Và chính điều đó, đã tiếp thêm nghị lực để anh phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó “ai kêu gì thì làm nấy” nên anh đã tích lũy số vốn để phát triển đàn bò được 5 con bò thịt và bò sinh sản. Bên cạnh đó, anh cũng đầu tư mua chiếc ghe tải trọng 14 tấn chở hàng thuê trong và ngoài tỉnh…
Bằng sức lao động của mình, anh không chỉ đưa gia đình thoát nghèo mà kinh tế cũng ngày càng khấm khá hơn. Anh chia sẻ: “Mình còn trẻ lại là lao động chính trong gia đình thì phải chí thú làm ăn để cải thiện cuộc sống chứ. Càng khó khăn mình phải càng cố gắng mới có thể khẳng định được bản thân”.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin