Sự kết hợp các loại trái cây quen thuộc như dưa hấu, thanh long với bún, bánh tráng truyền thống của Việt Nam đã tạo nên các sản phẩm mới lạ, độc đáo. Ngay khi 2 sản phẩm này ra lò đã thu hút đông đảo người tiêu dùng, và đặc biệt là được xuất ngay đi thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sự kết hợp các loại trái cây quen thuộc như dưa hấu, thanh long với bún, bánh tráng truyền thống của Việt Nam đã tạo nên các sản phẩm mới lạ, độc đáo. Ngay khi 2 sản phẩm này ra lò đã thu hút đông đảo người tiêu dùng, và đặc biệt là được xuất ngay đi thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Anh Lê Duy Toàn – Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Duy Anh (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết: Từ suy nghĩ đơn thuần giúp "giải cứu" dưa hấu và thanh long do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, anh cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công 2 sản phẩm là bún dưa hấu và bánh tráng thanh long.
Anh Lê Duy Toàn (32 tuổi) – người sáng tạo bánh tráng, bún, phở độc đáo từ dưa hấu và thanh long. Ảnh: N.V |
“Cách đây 2 tuần, khi thấy dưa hấu của người dân phải kêu gọi “giải cứu” tràn lan, tôi đã mua về cho nhân viên ăn để ủng hộ bà con, nhưng nhận thấy nếu ăn thế này không giúp được bao nhiêu mà cũng không giải quyết được bài toán đầu ra cho nông sản.
Sau đó, tôi chợt loé lên ý tưởng kết hợp bánh tráng, bún, phở với dưa hấu, thanh long và bắt tay vào thực hiện hoá ý tưởng đó”, anh Toàn chia sẻ.
Bao bì sản phẩm bún dưa hấu khá mới lạ và bắt mắt. Ảnh: D.A |
Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm các công thức khác nhau diễn ra trong một tuần. Trong những lần đầu thử nghiệm, do công thức chưa chuẩn hoặc nhiệt độ sấy chưa phù hợp nên thành phẩm không như mong đợi, sợi bún cứng, màu luộc bị nhạt, ăn không ngon. Phải trải qua 7-8 lần điều chỉnh, công ty mới cho ra được sản phẩm bắt mắt như hiện tại.
Chia sẻ công thức chế biến, anh Toàn cho biết, sợi bún từ công ty Duy Anh sẽ được thay thế bằng nước ép dưa hấu. Bột gạo được trộn đều với 40% nước ép dưa hấu nguyên chất và sau đó được ép thành từng sợi bún tươi.
Bún tươi được để qua đêm rồi đem rửa lại để tách sợi và tránh dính. Sau đó được mang đi sấy khô trong vòng 4 tiếng và cuối cùng được đặt vào phòng làm mát để đóng gói.
Bún khô dưa hấu có màu vàng cam đẹp mắt, khi ăn bún có vị ngọt tự nhiên đến từ dưa hấu. Ảnh: D.A |
Theo anh Toàn, dự kiến giá bán cho thị trường nội địa sẽ ở mức chia sẻ: bún dưa hấu 10.000-12.000 đồng/gói 200g và bánh tráng thanh long là 15.000 đồng/gói 200g, cao hơn loại bình thường (chỉ dùng bột gạo) 5.000 đồng/gói. Việc cho ra dòng sản phẩm mới này vẫn chưa tính đến chuyện lời lỗ của doanh nghiệp mà chỉ mong hỗ trợ được nông dân nên giá thành rất rẻ và phù hợp với người tiêu dùng.
Được biết, ngay sau khi sản phẩm bún dưa hấu và bánh tráng thanh long ra mắt, chỉ qua một lần chào hàng, 2 sản phẩm này đã được khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc chấp nhận.
“Công ty vừa xuất lô bún dưa hấu đầu tiên đi Hàn Quốc khoảng 4 tấn, khách hàng ở Nhật Bản cũng vừa ký đơn 3,5 tấn và khả năng xuất đi Úc 2,5-3 tấn bún dưa hấu, bánh tráng thanh long”, anh Toàn nói.
Sản phẩm bánh tráng thanh long để cuốn được khách Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Ảnh: D.A |
Là đơn vị có thâm niên trong lĩnh vực sản xuất bún, phở, bánh tráng, anh Toàn cho rằng việc sáng tạo trong chế biến nông sản để gia tăng giá trị là rất cần thiết bởi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp và nhiều rau quả phải "giải cứu", khách hàng rất chuộng những sản phẩm mới lạ.
Trước đó, công ty Duy Anh đã có kinh nghiệm kết hợp nhiều loại nguyên liệu như khoai lang, củ dền, cải bó xôi để sản xuất bánh tráng, bún, phở, riêng dưa hấu và thanh long thì chưa.
Theo anh Toàn, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng thêm các sản phẩm tương tự. Riêng mì, phở, bánh tráng sử dụng nguyên liệu dưa hấu, thanh long sẽ đưa vào thành sản phẩm chính của công ty, thay vì chỉ làm để "giải cứu".
Bên trong xưởng làm bún dưa hấu của công ty Duy Anh. Ảnh: D.A |
Hiện nay công ty tiêu thụ 1-1,2 tấn dưa hấu và 300kg thanh long nguyên liệu mỗi ngày, nếu thị trường tốt, thời gian tới dự kiến có thể nâng lên 4 tấn dưa hấu và hơn 1 tấn thanh long. Ông chủ 8x vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để làm mì, bánh hỏi, bún bò Huế bằng dưa hấu.
Bên cạnh đó, kết hợp thêm nhiều dòng nông sản khác để gia tăng giá trị nông sản Việt Nam, giúp người nông dân có đầu ra ổn định cho nông sản.
Mới đây, “vua bánh mì” Kao Siêu Lực với sản phẩm bánh mì thanh long cũng gây được tiếng vang lớn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu nghiên cứu sản phẩm làm từ trái cây để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùa dịch.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin