Những năm qua, các phong trào tình nguyện của tổ chức Đoàn thanh niên với hàng loạt công trình, phần việc ý nghĩa như: tiếp sức mùa thi, hiến máu tình nguyện, ra quân làm đường, xây nhà nhân ái, trồng cây xanh… đã để lại dấu ấn rõ nét, khẳng định vai trò vị thế của Đoàn thanh niên trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh kịp thời.
Những năm qua, các phong trào tình nguyện của tổ chức Đoàn thanh niên với hàng loạt công trình, phần việc ý nghĩa như: tiếp sức mùa thi, hiến máu tình nguyện, ra quân làm đường, xây nhà nhân ái, trồng cây xanh… đã để lại dấu ấn rõ nét, khẳng định vai trò vị thế của Đoàn thanh niên trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh kịp thời.
Các hoạt động tình nguyện chỉ mang lại giá trị tích cực khi giải quyết được vấn đề cuộc sống đòi hỏi. |
Chạy theo bề nổi, thiếu tính bền vững
Hiệu quả của các phong trào tình nguyện là không thể phủ nhận nhưng hiện nay, hoạt động tình nguyện vẫn tồn tại hạn chế như còn “chạy theo mùa”, còn nặng về lao động chân tay, chưa chú trọng đến việc phát huy được tính sáng tạo, khả năng chuyên môn của đoàn viên thanh niên (ĐVTN)… Và nhất là tính bền vững của kết quả hoạt động tình nguyện chưa cao.
Có dịp về thăm các công trình trồng cây xanh, các tuyến kinh rạch đã được khơi thông, các công trình thanh niên ra quân thu gom rác mới thấy chúng… đã bị trở về trạng thái ban đầu. Hay có không ít tuyến đường thanh niên tự quản, tuyến đường xanh- sạch- đẹp nhưng vẫn có không ít rác thải nằm ngổn ngang, cây cỏ mọc “chưa đẹp”.
Phát huy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, một số cơ sở Đoàn tổ chức ra quân rầm rộ để cải tạo kinh mương bị ô nhiễm, trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh… nhưng sau một thời gian các công trình trở lại nguyên trạng ban đầu do không được giữ gìn cũng như duy trì thường xuyên hoạt động bảo vệ, cải tạo...
Nói về vấn đề này, anh Đức Tiến- một cán bộ Đoàn cơ sở- nhìn nhận: Thực tế các hoạt động tình nguyện như trồng cây xanh, thu gom rác thải sau khi ra quân thực hiện thì tốt, nhưng sau đó thì không ai chăm sóc, “bỏ ngỏ” trở về trạng thái chưa làm. Điều đó dẫn đến tình trạng “có làm mà cũng như chưa”.
Hay có một vài trường hợp ĐVTN về nguồn đến thăm, dọn dẹp nhà cho gia đình chính sách nhưng khi đến nhà dân thì lại “không báo trước”. Cũng có trường hợp, ĐVTN hỗ trợ đào hố rác tự hoại cho các hộ dân nhưng đào xong thì lại bị dân lấp lại vì không có nhu cầu…
Từ đó cho thấy một số “nhà tổ chức” các công trình, phần việc thanh niên còn tình trạng chạy theo chỉ tiêu mà chưa nắm sát được nhu cầu thực tế địa phương, cũng như chưa quan tâm nhiều đến công tác phối kết hợp với địa phương, sắp xếp phương tiện làm việc…
Đó là chưa kể ý thức trong các hoạt động tình nguyện của một số ĐVTN chưa cao, các bạn tham gia “cho vui”, có bạn chỉ vì “bị điều động nên phải tham gia”. Còn nhớ cách đây không lâu trong hoạt động ra quân làm cỏ, vệ sinh môi trường ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm), hàng chục bạn trẻ tham gia nhưng thực tế chỉ có vài bạn “xắn tay” vào làm trong khi những bạn trẻ khác thì lại đứng nhìn, vài nhóm khác lại tìm nơi tránh nắng.
Trong đợt ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tại huyện Trà Ôn cũng vậy. Hàng trăm bạn trẻ tham gia quét dọn, thu gom các bãi rác tự phát nhưng chỉ có một số bạn là xông xáo thực hiện mà thôi.
Lý giải vấn đề này, có bạn trẻ bảo “không có đủ dụng cụ”. Còn bạn trẻ khác dù có mang bao tay nhưng lại cho rằng “bao tay này mỏng quá nên làm không được”… Chính vì thế cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả và năng suất công việc.
Để phong trào tình nguyện thực sự là “thương hiệu” của tuổi trẻ
Làm thế nào để hoạt động tình nguyện ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa và thực sự là “thương hiệu” của tuổi trẻ? Hầu hết cán bộ Đoàn khi được hỏi đều đồng tình cho rằng: phải tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ, ĐVTN về vị trí, vai trò quan trọng của các hoạt động tình nguyện.
Song song với đó là chú trọng bố trí công việc tình nguyện gắn với chuyên môn, giúp họ phát huy vai trò, sức lực, trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, hoạt động tình nguyện phải thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế địa phương.
Phát huy hiệu quả phong trào tình nguyện, ở ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Đoàn trường luôn khảo sát và nhận “đặt hàng” của địa phương để tổ chức hoạt động tình nguyện.
Đoàn trường còn thành lập Đội công tác xã hội tập hợp các sinh viên đam mê các hoạt động thiện nguyện để kịp thời hỗ trợ các hoạt động tình nguyện khi cần. Còn ở ĐH Xây dựng Miền Tây thì Đoàn trường thành lập hẳn đội hình chuyên xây dựng để thu hút các sinh viên tham gia xây nhà nhân ái cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở.
Bạn Nguyễn Hoàng Manh- sinh viên ĐH Xây dựng Miền Tây chia sẻ: Đây là hoạt động vừa có ích cho địa phương lại vừa nâng cao tay nghề cho bản thân nên hễ trường có tổ chức hoạt động tình nguyện xây nhà là em tham gia.
Theo Bí thư Xã Đoàn Tân Thành- Nguyễn Hồng Thi, tình nguyện là không đợi mùa, không đợi dịp, mà cần dựa trên nhu cầu đòi hỏi thực tế của đời sống để đi vào thực chất. Ðó có thể là tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương như: đảm nhận trồng và chăm sóc tuyến đường hoa, thăm và tặng quà gia đình chính sách, làm sân chơi cho thiếu nhi hay vận động, giúp đỡ học sinh nghèo…
Chính vì thế cũng cần phải có sự tình nguyện, nhiệt huyết vào cuộc của ĐVTN. Tuy nhiên, cũng “cần có sự chung tay của địa phương và nhân dân thì hiệu quả hoạt động mới có thể duy trì và phát huy lâu dài”.
Tình nguyện vì cộng đồng là nét đẹp của tuổi trẻ nên cần phải được phát huy và tôn vinh. Ðể tiếp tục phát triển bền vững các hoạt động tình nguyện, thiết nghĩ Đoàn các cấp cần có cách làm mới và có chính sách để thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia các hoạt động tình nguyện.
Song song đó, hoạt động tình nguyện cần phải đề cao hiệu quả mà nó mang lại, tránh chạy theo chỉ tiêu, mang nặng hình thức. Mỗi hoạt động tình nguyện cần phải đi vào thực chất và tạo ra được giá trị, thành quả có ích cho cộng đồng, xã hội.
Nói như Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong: “Không đo tinh thần tình nguyện bằng thời gian ngắn hay dài, tham gia đông hay ít mà đo bằng hiệu quả công việc, giá trị đóng góp thiết thực. Các hoạt động tình nguyện chỉ mang lại giá trị tích cực khi giải quyết được những trường hợp cụ thể và giải quyết được vấn đề cuộc sống đòi hỏi”.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin