Hãy sống có ý thức!

05:11, 08/11/2019

"Tụi trẻ bây giờ nhạy bén, học giỏi nhưng cũng có không ít em ý thức kém lắm"- nhiều người nhận xét như thế. Điều đó chẳng sai bởi xung quanh ta có không ít bạn trẻ đang dần bị "mất điểm" bởi những hành vi ứng xử "chưa đẹp".

“Tụi trẻ bây giờ nhạy bén, học giỏi nhưng cũng có không ít em ý thức kém lắm”- nhiều người nhận xét như thế. Điều đó chẳng sai bởi xung quanh ta có không ít bạn trẻ đang dần bị “mất điểm” bởi những hành vi ứng xử “chưa đẹp”.

Bạn trẻ xếp hàng đứng đợi vào thang máy.
Bạn trẻ xếp hàng đứng đợi vào thang máy.

Chuyện… ý thức kém

Ngồi cà phê với mấy người bạn, chị Nguyễn Hồng Ngọc (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho rằng: Hiện nay, trong khi nhiều người trẻ cố gắng phấn đấu học tập, làm việc thật tốt, ứng xử biết chừng mực thì vẫn có một bộ phận thanh niên ý thức còn rất kém.

Nhất là vào giờ đi làm hay tan tầm, ở một số giao lộ, rất dễ bắt gặp hình ảnh người trẻ không đi đúng làn đường của mình. Cứ chỗ nào trống là họ lấn tới, còn phóng nhanh vượt ẩu bất chấp đèn giao thông đã báo hiệu màu đỏ.

Hay ở các bệnh viện, bến xe, bến phà,… dù có biển cấm hút thuốc nhưng không ít người vẫn “phì phà” khói thuốc. Rồi việc xếp hàng để chờ tới lượt khám bệnh hay mua vé tại các rạp chiếu phim khi không có lực lượng bảo vệ cũng hay xảy ra tình trạng nhốn nháo tranh chỗ… 

“Những chuyện này không có gì mới trong bộ phận giới trẻ ngày nay. Phải chăng xã hội ngày càng hiện đại thì người trẻ càng sống hời hợt, bất chấp mọi người xung quanh nghĩ về mình như thế nào?”- chị trăn trở.

Chị Phạm Thanh Mai (Phường 9- TP Vĩnh Long) cũng cho biết: Hôm cuối tuần rồi, chị dắt con đi công viên chơi thì bắt gặp nhiều cặp đôi thản nhiên ôm nhau bày tỏ tình cảm nơi chốn đông người. Rồi chị kể mình cũng thường hay chứng kiến chuyện văng tục, chửi thề có vẻ như “không còn thuốc chữa” được thốt ra từ cửa miệng “đáng lẽ phải nói những lời hay, lẽ phải” của nhiều bạn trẻ.

Những lúc đi du lịch cùng gia đình thì cũng hay gặp cảnh người trẻ chen lấn để mua vé vào cổng, “đi sau nhưng vẫn muốn đến trước” để mua thức ăn, nước uống tại các quầy phục vụ…

Chị nói: “Những chuyện không đẹp như vậy đáng lẽ các bạn trẻ phải tự giác tránh xa, khắc phục chứ hổng lẽ đợi người khác nhắc nhở hoài. Bởi đó là hành vi văn hóa mà mỗi người nhất thiết cần phải có”.

Còn anh Trần Chí Trung (Trường An- TP Vĩnh Long) nhận xét: một số người trẻ giờ sao thiếu ý thức, thiếu văn hóa quá. Anh nhắc lại cảnh nhóm thanh niên mà anh từng thấy là vô tư “giải quyết nỗi buồn” sau những cuộc ăn nhậu nơi công cộng. Không chỉ thế mà nhóm thanh niên ấy còn hò hét, nói tục om sòm.

Theo anh, vấn đề đó không còn là chuyện lạ vì “thường gặp mà”. Thậm chí anh còn gặp những cô gái ăn mặc trông rất đẹp nhưng lại thản nhiên vứt rác bừa bãi trên đường phố, đậu xe vô ý thức trong bãi xe...

“Hiện đại, năng động, tiếp thu cái mới rất nhanh, rất giỏi là những đặc điểm dễ nhận biết của người trẻ. Thế nhưng, vẫn có không ít người trẻ thiếu ý thức quá. Điều đó thật đáng buồn”- anh bày tỏ.

Hãy sống có ý thức!

Người trẻ nên ý thức được những việc mình làm và có ý thức với mọi người xung quanh.
Người trẻ nên ý thức được những việc mình làm và có ý thức với mọi người xung quanh.

Sống có ý thức chính là phẩm chất cần có của những người trẻ hiện đại. Bởi vì khi đó, bạn trẻ sẽ có thái độ, hành vi chuẩn mực, hành xử đúng quy tắc với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các bạn sẽ cố gắng làm việc thật tốt, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ cần, biết bảo vệ môi trường… Điều đó sẽ góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Đối với sinh viên phải “tránh xa thói quen xấu và cố gắng làm thêm nhiều việc tốt, việc có ích”. Phải có ý thức vươn lên học thật tốt để không phụ lòng gia đình và thầy cô.

Chính vì suy nghĩ đó mà bạn Nguyễn Khánh Hoàng- sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- đã không ngừng nỗ lực để có thành tích tốt trong học tập. Không chỉ thế cô sinh viên này còn giúp đỡ bạn bè và tích cực tham gia các hoạt động tuổi trẻ.

Khánh Hoàng chia sẻ: Bạn trẻ hãy là một người sống có ý thức, có trách nhiệm, không chỉ với chính mình mà còn với mọi người, đừng thờ ơ cuộc sống xung quanh, như thế cuộc sống mới có ý nghĩa.

Với bạn Nguyễn Ngọc Bảo Trân- sinh viên ĐH Xây dựng Miền Tây- thì: Xung quanh ta hàng ngày, hàng giờ có biết bao sự việc diễn ra, rất nhiều người mà ta phải gặp gỡ, tiếp xúc. Vì thế, ý thức cao hay ý thức kém là do bản thân của mỗi người mà thôi.

Ở Nhật Bản không có chuyện người dân vứt rác ra ngoài đường, họ đem rác về nhà hoặc tới nơi cho phép đổ rác. Các trường học không thuê lao công mà chính học sinh là người dọn dẹp lớp học, sân trường.

Còn bất luận là đi đến chỗ nào, mua thứ gì, hay phải chờ đợi cái gì, họ cũng đều nghiêm túc xếp hàng, có ý thức không gây ồn ào cho đến khi tới lượt mình. Phục ở chỗ dù đang đói khát nhưng một đứa trẻ ở Nhật vẫn đứng xếp hàng đợi cứu trợ…

“Theo mình, bất kỳ đi đâu, làm việc gì chúng ta nên tuân thủ theo các quy định mà nơi chúng ta đến. Chẳng hạn như đi thư viện đọc sách thì không được nói lớn tiếng, làm ồn; đi siêu thị thì không được lựa đồ lung tung rồi bỏ vào không đúng vị trí; mua vé xem phim thì phải xếp hàng; còn đi chùa thì phải ăn mặc kín đáo,…”- Trân bày tỏ quan điểm.

Nói về chuyện ý thức của người trẻ, thầy Bùi Tiến Hưng cho rằng: Thực tế có nhiều bạn trẻ có ý thức rất cao.

Đó là những bạn trẻ sẵn sàng dành trọn ngày nghỉ cuối tuần để thu gom rác thải, trồng cây xanh làm sạch môi trường sống, những bạn dù khó khăn vẫn để dành tiền để ủng hộ cho hoàn cảnh đáng thương hơn mình, những bạn dù đi học muộn vẫn không bao giờ vượt đèn đỏ… 

Vì các bạn biết đó là những hành động, việc làm đúng và ý nghĩa. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn, văn minh hơn biết bao nếu như ai cũng hiểu, làm được điều đơn giản ấy và biến chúng trở thành thói quen.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ bạn trẻ nên tham gia giao thông đúng luật, vào công viên thì không được giẫm lên cỏ hay xả rác bừa bãi, đứng xếp hàng khi đi thang máy, không được hút thuốc, văng tục chửi thề nơi công cộng… Chúng ta hãy có ý thức ngay từ những việc làm đơn giản hàng ngày để tránh vương tiếng “thiếu ý thức” bạn nhé!

 Bài, ảnh: PHƯƠNG VY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh