Những năm qua, phong trào thanh niên (TN) làm kinh tế giỏi, làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thực sự lan tỏa rộng khắp. Nhiều TN nhạy bén, chí thú làm ăn vươn lên từ đôi bàn tay trắng; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Những năm qua, phong trào thanh niên (TN) làm kinh tế giỏi, làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thực sự lan tỏa rộng khắp. Nhiều TN nhạy bén, chí thú làm ăn vươn lên từ đôi bàn tay trắng; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Về xã Tân An Hội (Mang Thít), chúng tôi được nghe chuyện làm giàu của những nhà nông trẻ. TN ở xã hầu như ai cũng có mô hình kinh tế “không lớn thì nhỏ”. Có thể kể đến trang trại nuôi rắn ri voi ở ấp Tân An, mô hình nuôi thỏ ở ấp Tân Quy, nuôi bò, bồ câu, nuôi dê, ươm cây giống ở ấp Tân Thắng...
Anh Nguyễn Nhựt Quang (phải) cho biết rắn ri voi dễ nuôi mà giá lại cao. |
Đang làm cán bộ truyền thanh tại địa phương nhưng anh Nguyễn Nhựt Quang vẫn tranh thủ thời gian để làm kinh tế. Những ngày đầu anh cũng gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi như nhiều TN khác.
Thế nhưng với tính cần cù lại có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn thông tin, anh quyết tâm đưa thu nhập gia đình đi lên. Lúc đầu anh thuê đất trồng nấm rơm, rồi sau đó nuôi thêm bò nái. Chưa dừng lại, gần năm nay anh còn nuôi thêm rắn ri voi.
Anh cho biết: Nhờ những mô hình này, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Chỉ cần chịu khó, mạnh dạn làm ăn thì sẽ có kết quả. Làm giàu cho bản thân, gia đình là cùng góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Anh Bùi Minh Quân (phải) giới thiệu vườn lan của mình. |
Cách đó không xa là mô hình trồng lan của anh Bùi Minh Quân. Khi chúng tôi đến cũng vừa lúc anh bán lan từ chợ về. Đưa chúng tôi dạo quanh vườn, anh cho biết: đây là lan dendro, vanda, cattleya, hồ điệp rồi đến đặc tính, màu sắc, giá trị từng loại...
Nghe giới thiệu chúng tôi cảm nhận được sự đam mê của chàng thanh niên ấy dành cho loài hoa này rất nhiều. Anh vui vẻ nói: Đây là công việc bản thân yêu thích nên dù đang làm giám sát công trình ở Cần Thơ nhưng mỗi tuần tôi đều dành 3- 4 ngày để về nhà chăm sóc lan rồi đem ra chợ bán.
Theo tính toán, trừ tất cả chi phí, mỗi năm anh cũng thu lợi hàng chục triệu đồng. Đó là chưa kể anh còn nhận nuôi 500 con gà gia công “vì nhà có chuồng trại sẵn, bỏ không thì phí lắm”.
“Mình còn trẻ, còn sức khỏe thì phải lao động. Thêm nữa, TN phải dám nghĩ, dám làm và góp phần xây dựng quê hương bằng việc làm thiết thực”- anh bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Nhẫn (phải) thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cà na Thái. |
Hiện nay, rất nhiều TN ly hương đi làm ăn xa, thế nhưng cũng có không ít TN lựa chọn làm kinh tế ngay tại mảnh đất quê nhà. Và họ đều có chung khát vọng “làm giàu trên mảnh đất quê”.
Chúng tôi đến thăm vườn cà na của anh Nguyễn Văn Nhẫn (xã Hòa Ninh- Long Hồ) cũng vừa đúng dịp anh đang khẩn trương thu hoạch trái cho thương lái xuất sang Campuchia.
Vừa hái cà na thoăn thoắt dưới tán cây xanh um, anh Nhẫn phấn khởi cho biết, trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học chưa hết cấp 2, đã phải nghỉ học đi làm thuê phụ giúp gia đình.
Từ việc được người quen cho 3 cây cà na Thái và đem về trồng hiệu quả, anh đã mạnh dạn chuyển đổi 4 công đất trồng nhãn sang trồng giống cây này.
Theo anh, cây cà na Thái phát triển rất mạnh, chịu hạn rất tốt, ít bị sâu bệnh nên hạn chế được tối đa lượng phân thuốc. Chỉ sau 1,5 năm cây đã cho trái rất sai. Cà na Thái cho trái quanh năm, trái to, bóng, không chát nên rất được thị trường ưa chuộng.
Hiện tại, mỗi ngày anh hái khoảng 100kg trái với giá trung bình 25.000 đ/kg. Không chỉ vậy anh còn thu mua thêm cà na tươi và chiết nhánh để bán cây giống kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, với mô hình kinh tế này, anh thu nhập trên 450 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Nhẫn còn hỗ trợ cây giống cho hơn 20 TN khác địa phương có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tạo ra thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Anh nói: TN muốn làm ăn hiệu quả phải chịu khó, không ngại khổ cực. Đâu cần đi đâu xa, chỉ cần ở địa phương mình cũng có thể làm giàu được.
Với ý chí tự lực tự cường, sự chí thú làm ăn, nhiều TN được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế. Từ đó, họ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn ngành nghề phù hợp với các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả khả quan như nuôi lươn, trồng dưa lưới, nhãn ido, cam sành...
Ra riêng chỉ có đôi bàn tay trắng, khi đó tài sản duy nhất của anh Võ Tuấn Kiệt (xã Chánh Hội- Mang Thít) chỉ vỏn vẹn 1 công vườn. Rồi khi được địa phương hỗ trợ vay vốn cộng khát khao vượt qua khó khăn, anh bắt đầu hành trình phát triển kinh tế của mình.
Anh nuôi chim trĩ bán thịt, rồi tự đầu tư lồng ấp trứng để bán con giống. Cùng với đó, anh cũng tận dụng lồng ấp trứng chim trĩ để tự ấp trứng gà và bán gà con.
Ngoài ra, anh còn trồng thêm 100 gốc thanh long vì “để đất đẻ ra tiền”. Mỗi dịp xuân về, anh còn trồng hoa vạn thọ, hoa mào gà để bán... Với mô hình kinh tế này, mỗi năm anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Phong trào TN làm kinh tế giỏi đã thu hút hàng hàng TN tham gia vào các tổ, CLB hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế. Có rất nhiều mô hình kinh tế của TN đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho không ít TN, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn- Nguyễn Minh Thiện: Thời gian qua, TN- nhất là ở nông thôn- đã không ngừng phấn đấu làm kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đồng hành cùng ĐVTN, Đoàn- Hội sẽ tăng cường hỗ trợ nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, cây, con giống, tạo điều kiện để TN có thêm điều kiện sản xuất.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin