Hoạt động trải nghiệm (tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (THCS, THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, những điểm mới của chương trình hoạt động trải nghiệm ở chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gắn liền với nhu cầu thực tế của học sinh, cũng như bắt kịp xu hướng xã hội ngày càng phát triển…
Hoạt động trải nghiệm (tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (THCS, THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, những điểm mới của chương trình hoạt động trải nghiệm ở chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gắn liền với nhu cầu thực tế của học sinh, cũng như bắt kịp xu hướng xã hội ngày càng phát triển…
Mô hình sản xuất rau thủy canh giúp các em học sinh THPT Vĩnh Long tiếp thu nhiều kiến thức. |
Định hướng cá nhân và hướng nghiệp
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, mục tiêu của hoạt động trải nghiệm là xây dựng theo cách tiếp cận phát triển năng lực, thể hiện rõ vai trò của hoạt động trải nghiệm trong việc hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi thông qua các thành phần như: thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.
Theo chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm- PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa thì các năng lực đã được cụ thể hóa thành các yêu cầu cần đạt về hành vi với các mức độ khác nhau thông qua việc mô tả các yêu cầu cần đạt.
Nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm không dừng lại ở các chủ đề mang tính chính trị xã hội như trong chương trình hiện hành mà còn chú trọng vào các hoạt động phát triển cá nhân, lao động và đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp.
Theo nội dung chương trình, các hoạt động gồm: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp được giao dần cho học sinh làm chủ và thực hiện được cả các nội dung giáo dục theo chủ đề.
Hoạt động giáo dục theo chủ đề được triển khai theo 2 hướng là giáo dục thường xuyên và giáo dục định kỳ. Tổ chức cần bảo đảm lựa chọn những hình thức đại diện từ cả 4 nhóm: khám phá, thể nghiệm- tương tác, cống hiến, nghiên cứu.
Về đánh giá kết quả hoạt động, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh, đây là khâu đột phá của chương trình.
Đánh giá kết quả hoạt động được thực hiện theo tiếp cận năng lực (đánh giá quá trình thông qua quan sát, sản phẩm, hồ sơ,…). các lực lượng tham gia giáo dục đều có trách nhiệm tham gia vào quá trình đánh giá. Kết quả đánh giá hoạt động trải nghiệm được ghi vào hồ sơ học tập của học sinh.
Còn theo Bộ GD- ĐT, các hoạt động trải nghiệm được tổ chức ngoài lớp học, ngoài trường học khuyến khích cha mẹ học sinh và yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia tổ chức và quản lý cùng giáo viên chủ nhiệm lớp và nhà trường.
Trải nghiệm để học nhiều hơn
Trong những năm gần đây, hoạt động trải nghiệm trong trường học ở các bậc học ở tỉnh Vĩnh Long dần được chú ý và xuất hiện nhiều mô hình hay.
Qua đó giúp học sinh học tập và ứng dụng nhiều hơn vào thực tế cuộc sống. Trong đó, nổi bật là các chương trình, mô hình và các chuyến đi trải nghiệm thực tế ở Trường THPT Vĩnh Long.
Cô Huỳnh Lê Thu Thủy- Chủ nhiệm CLB Trải nghiệm và Sinh học- cho biết, các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, giúp các em nắm sâu và tốt hơn.
Đồng thời cũng rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh. “Các buổi sinh hoạt trải nghiệm của trường đều gắn liền với các kiến thức mà học sinh đã học trên ghế nhà trường, nhất là các môn Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý,…”- cô Thủy chia sẻ.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm hiệu quả, hiện Trường THPT Vĩnh Long cũng đã xây dựng được 2 mô hình là trồng rau thủy canh và vườn hồng.
“Trong mô hình đó, học sinh được thực hành tại trường, tham gia sản xuất cũng như vận dụng kiến thức trong chính mô hình của mình. Đây cũng là kết quả mà phụ huynh học sinh đã quan tâm và có sự đầu tư đúng mức để học sinh- chính con em mình tham gia trải nghiệm hiệu quả”- cô Thủy cho biết.
Em Hồ Thanh Minh Thư- lớp 12ĐA (THPT Vĩnh Long) cho biết, mình vừa tham gia hoạt động trải nghiệm đến cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên- Kiên Giang) cũng như một số di tích lịch sử trên địa bàn.
“Thông qua đó, chúng em được trải nghiệm thực tế để thêm yêu Tổ quốc, quê hương. Đồng thời giúp chúng em có những phút giây vui tươi, hào hứng.
Nhờ chuyến đi mà các thành viên trong lớp trở nên đoàn kết và gắn bó với nhau hơn. Chuyến đi cũng giúp chúng em tích luỹ kiến thức hữu ích từ sự quan sát và lắng nghe thực tế”- Minh Thư cho biết.
Trong khi đó, cô Thu Thủy cho biết, hiện nay, nhất là đối với giới trẻ, kỹ năng sống của các em vẫn còn nhiều hạn chế và hoạt động trải nghiệm thực chất đã và đang góp phần bổ sung những cái thiếu cho các em.
“Nếu quan tâm đúng mức, các hoạt động trải nghiệm sẽ góp phần rất nhiều đến việc học tập của các em trên ghế nhà trường, nâng cao chất lượng toàn diện trong GD-ĐT. Qua đó cũng mong muốn sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo nhà trường và gia đình, xã hội…”- cô Thủy chia sẻ.
Trong hoạt động trải nghiệm thời gian tới, Sở GD- ĐT sẽ xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình và hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm; sắp xếp giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm hợp lý; đảm bảo tất cả giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm được tham gia tập huấn về nội dung chương trình, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý về công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức hoạt động trải nghiệm, thực hiện tích hợp nội dung giáo dục địa phương trong tổ chức hoạt động trải nghiệm. Đồng thời sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai hoạt động trải nghiệm trên địa bàn… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin