Đến Khu di tích Đá Chông ngưỡng vọng Bác Hồ

03:08, 30/08/2019

Một sáng đầu thu Hà Nội, chúng tôi đến Khu di tích Đá Chông- còn gọi là Khu di tích K9- ở Ba Vì (Hà Nội). Màu áo xanh rợp bóng trên con đường xanh mát. Nơi đây, Bác Hồ từng sống và làm việc. Nơi đây, từng gìn giữ thi hài Bác trong 6 năm (1969- 1975), nơi để chúng con- những thanh niên Việt Nam- ngưỡng vọng về Người.

Một sáng đầu thu Hà Nội, chúng tôi đến Khu di tích Đá Chông- còn gọi là Khu di tích K9- ở Ba Vì (Hà Nội). Màu áo xanh rợp bóng trên con đường xanh mát. Nơi đây, Bác Hồ từng sống và làm việc. Nơi đây, từng gìn giữ thi hài Bác trong 6 năm (1969- 1975), nơi để chúng con- những thanh niên Việt Nam- ngưỡng vọng về Người.

Nhà làm việc của Bác Hồ.
Nhà làm việc của Bác Hồ.

Khu căn cứ Trung ương

6 giờ sáng, chúng tôi lên xe chuẩn bị cho chuyến hành trình hơn 30km từ Thủ đô Hà Nội về Khu di tích Đá Chông, nằm trong hệ thống vùng đất đồi gò (Ba Vì), trước đây thuộc tỉnh Hà Tây nay nhập về Thủ đô Hà Nội.

Khu di tích Đá Chông là địa điểm lý tưởng có phong cảnh đẹp, mát mẻ, giao thông thuận lợi và theo Bác thì đây là địa điểm kín đáo vì có nhiều cây che phủ, thuận tiện giữ bí mật cho tăng gia sản xuất để nuôi bộ đội.

Thuyết minh viên Đoàn Văn Tuyền có 16 năm làm việc ở Khu di tích Đá Chông cung cấp chúng tôi những thông tin mới mẻ về cách làm việc, cách sống và con người Bác.

Năm 1957, trong một lần thăm Sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông.

Bác chúng ta còn là một người am hiểu phong thủy, thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc.

Điểm nhấn trong khu di tích là ngôi nhà làm việc của Bác Hồ. Một ngôi nhà một trệt một lầu đơn giản nhưng kiên cố.

Thấy chúng tôi ở miền Nam ra, anh Tuyền giới thiệu thêm: “Cửa sổ phòng làm việc của Bác trên lầu hướng ra cây vú sữa đó, đây là cây vú sữa của nhân dân miền Nam gửi ra, đại diện cho nhân dân miền Nam”. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố.

Con đường và xung quanh nhà làm việc trải sỏi.
Con đường và xung quanh nhà làm việc trải sỏi.

Bác chỉ đạo rải sỏi trắng chứ không lót gạch vì để chống trơn trợt và đồng thời sân sỏi sẽ phát ra âm thanh khi có người muốn tiếp cận nhà làm việc. Bên phải nhà làm việc là hầm công sự chắc chắn, được xây kiên cố phòng trường hợp có bom, đạn.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước ta chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Thuyết minh viên cho biết: Đường lúc đó rất khó đi, các nhà khoa học đã tính toán độ rung, lắc của xe và không thể giữ nguyên thi hài Bác với con đường như vậy.

Vậy là bên cạnh xây công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ, nhân dân còn làm đường cho xe bon bon chạy. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được di chuyển đến đây một cách an toàn.

6 năm gìn giữ thi hài Bác

Những chiếc xe chở thi hài Bác và cán bộ cấp cao được giữ gìn tại Khu di tích.
Những chiếc xe chở thi hài Bác và cán bộ cấp cao được giữ gìn tại Khu di tích.

6 năm gìn giữ thi hài Bác, Khu di tích Đá Chông cũng gặp không ít khó khăn vì phải chuyển đi, chuyển lại 3 đợt. Thi hài Bác được giữ gìn bảo quản tại đây 3 lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày.

Tại sao không giữ thi hài Bác tại Thủ đô Hà Nội?- Ngay khi Bác đi xa thì Trung ương xác định là bảo quản thi hài Bác ở căn cứ K9 an toàn hơn ở Hà Nội.

Cuối năm 1970, do Mỹ tập kích bằng máy bay trực thăng xuống một vị trí ở gần nơi giữ thi hài Bác, cho nên thi hài Bác lại được chuyển về Viện Quân y 108.

Đợt mưa lũ năm 1971, miền Bắc mưa to liên tục trong 10 ngày, nước sông Hồng dâng cao có nguy cơ vỡ đê, nên thi hài Bác lại được đưa trở về bảo quản tại khu căn cứ này.

Một ấn tượng khác, là khi chúng tôi được xem những chiếc xe từng chở thi hài Bác. Để thực hiện được nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã điều động 3 chiếc xe đặc biệt đủ khả năng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình di chuyển. Cả 3 chiếc xe ấy đang được trưng bày tại Khu di tích Đá Chông.

Đến Khu di tích Đá Chông, chúng con nhớ những bài học về một con người vĩ đại luôn quên mình vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Giữa những bom đạn của chiến tranh, thi hài Bác vẹn nguyên, bằng tình yêu của những người anh em đồng chí, của nhân dân. Để hôm nay, chúng ta vẫn được nhìn thấy Bác “nằm trong Lăng giấc ngủ bình yên”, ngưỡng vọng về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc!

Việc di chuyển thi hài Bác phải đảm bảo nhiều yếu tố, đặc biệt phải tuyệt đối chống rung xóc. Có 3 phương án: đường không, đường thủy và đường bộ. Sau khi phân tích, phương án di chuyển bằng đường bộ được lựa chọn. Khi đó, chiếc xe ZIL 175 “3 cầu” được giao nhiệm vụ quan trọng này vì có đủ độ lớn, khỏe và độ xóc ít hơn các loại xe khác. Để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm gìn giữ thi hài trong quá trình di chuyển, phương án dùng nước đá thay cho máy điều hòa đã được lựa chọn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh