Bạn trẻ làm gì để không "cháy túi"

03:08, 16/08/2019

Đã là sinh viên (SV) thì việc thiếu tiền, hết tiền là chuyện bình thường, nhất là với SV lên thành phố trọ học. Hàng tháng các bạn phải chi nào tiền ăn, tiền nhà, tiền gửi xe, giáo trình rồi tiêu vặt... Vậy làm sao để hạn chế tình trạng "cháy túi" và đâu là bí quyết phòng ngừa hiện trạng trên là quan tâm của không ít SV.

 

Đã là sinh viên (SV) thì việc thiếu tiền, hết tiền là chuyện bình thường, nhất là với SV lên thành phố trọ học. Hàng tháng các bạn phải chi nào tiền ăn, tiền nhà, tiền gửi xe, giáo trình rồi tiêu vặt... Vậy làm sao để hạn chế tình trạng “cháy túi” và đâu là bí quyết phòng ngừa hiện trạng trên là quan tâm của không ít SV.

Với nhiều khoản chi đòi hỏi các bạn sinh viên phải khéo léo, tiết kiệm thì mới không “cháy túi”. Ảnh minh họa
Với nhiều khoản chi đòi hỏi các bạn sinh viên phải khéo léo, tiết kiệm thì mới không “cháy túi”. Ảnh minh họa

1001 lý do “cháy túi”

Một ngày đẹp trời, Hoàng Phong- SV ngành công nghệ thực phẩm- đến phòng trọ của bạn cùng lớp trên đường Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long) với một khuôn mặt buồn so. Hỏi mới biết thì ra chàng SV này đang bị “viêm màng túi”.

Hàng tháng, gia đình gửi cho Hoàng Phong 3 triệu đồng. Nhưng theo Hoàng Phong, “không biết mình xài đi đâu mà thoáng cái 2-3 tuần đã hết sạch...”.

Không chỉ riêng Hoàng Phong mà chuyện “nhẵn túi” khi gần hết tháng là tình trạng phổ biến đối với hầu hết SV. Bạn Tín Vũ- SV ngành điện tử- cho biết, cứ gần hết tháng là y như rằng em và mấy bạn cùng phòng đều rơi vào tình trạng “hụt hơi” kinh niên và lắm lúc rơi vào túng quẫn.

Những ngày cạn tiền phải cầm cự bằng mì gói, đến cả giấy tờ xe, điện thoại cũng cầm cố luôn. “Đầu tháng thì ăn “sơn hào hải vị”, cuối tháng kiếm gói mì tôm cũng khó khăn... Đó là tình trạng chung của SV sống xa nhà mà”- Vũ cười hề hề.

Đa phần SV đi học xa gia đình đều được nhận khoản “viện trợ không hoàn lại” từ gia đình. Ngoài tiền phòng, điện, nước, ăn uống... các bạn còn phải chi nhiều khoản khác. Chưa kể những khoản chi bất ngờ như họp mặt bạn bè, bệnh tật,...

Các bạn trẻ cho rằng, giá cả ngày càng leo thang mà tiền gia đình cho thì có giới hạn chính là nguyên nhân dẫn đến “cháy túi”. Thế nhưng, cũng có không ít bạn trẻ thừa nhận: đôi khi tình trạng “viêm màng túi” còn xuất phát từ chính sự chủ quan. Chi hết cho các hoạt động đầu tháng, dẫn đến cuối tháng lâm vào “tiền khô cháy túi”.

Bạn Trúc Ly- SV ngành du lịch- nhẩm tính: Mỗi tháng gia đình chu cấp gần 4 triệu đồng nhưng nào tiền nhà trọ, tiền giáo trình, tiền chợ, tiền điện nước, tiền mua sắm lặt vặt đủ thứ. Cộng thêm cô nàng cũng thích mua sắm nên tháng nào cũng thiếu. Nhiều lúc cô nàng phải vay mượn tiền của bạn bè.

Chi tiền quá nhiều vào những việc không cần thiết cũng như không có kế hoạch tiết kiệm phù hợp là nguyên nhân dẫn đến mất kiểm soát trong việc chi tiêu.

Nhiều bạn tiêu xài hoang phí, “chi trước rồi mới tính sau” khiến cho tình hình tài chính “thiếu trước hụt sau”, đôi lúc túng quẫn ảnh hưởng đến tâm lý, chểnh mảng việc học.

Bạn Kim Chi- SV ngành luật- thừa nhận: “Cuối tháng là ám ảnh nhất của SV tụi em. Tiền hết mà dầu gội đầu cũng hết, rồi đến sữa tắm, dầu ăn, nước mắm, muối, đường cũng rủ nhau hết. Do chi tiêu không có kế hoạch và vung tay quá trán nên dẫn đến tình trạng cuối tháng “mồng tơi cũng không có để rớt”, ăn uống thất thường nhiều khi không có sức khỏe để học hành”.

Lập chi tiêu ngay khi có thể

Sử dụng tiền thế nào để không rơi vào tình trạng “đầu tháng ăn chơi xả láng, cuối tháng lảng vảng mì tôm” hay nghiêm trọng hơn nữa “túng quá hóa liều”... là bài toán khó đối với nhiều SV.

Bạn Thanh Thúy- SV ngành kế toán- nói về cách chi tiêu tài chính của mình: “Mỗi tháng, gia đình chu cấp cho mình khoảng 2 triệu đồng. Mình lập kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng tuần, từng ngày. Cái gì thật cần thiết mới mua và tự nấu ăn sẽ tiết kiệm hơn. Hàng tháng, còn trích ra một khoản nhỏ nếu có việc đột xuất thì dùng tới”.

“Nếu mình không có kế hoạch thì gia đình có cho bao nhiêu tiền cũng xài không đủ đâu. Mình thấy bị “cháy túi” hay không chủ yếu là do bản thân mỗi người chứ không có giới hạn hay quy định mỗi người phải chi xài bao nhiêu hết”- Thanh Thúy cho biết.

Đức Tiến- SV ngành cơ khí- chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Khéo léo săn hàng trên mạng cũng tiết kiệm được phần nào. Ngoài ra mình còn mượn giáo trình của các anh chị đi trước, rủ bạn học ở cùng phòng và cùng nấu ăn để tiết kiệm”.

Một số bạn trẻ còn đi làm thêm để không bị “hụt hơi” với mức chi tiêu ở đô thị, thậm chí có thể tiết kiệm để phòng lúc đau ốm, để học thêm hay mua laptop...

Trong một buổi nói chuyện với SV về “Hiểu chi tiêu, phòng cháy túi”, thầy Trần Hoàng Túy- Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và kết nối cộng đồng- đã cho rằng: Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng “cháy túi” của SV.

Có thể do các bạn tiêu xài hoang phí, “không biết nói không”, không theo dõi được tình hình chi tiêu, không biết ưu tiên cho các thứ tự chi tiêu và luôn giành trả tiền trong các cuộc vui chơi, mua sắm hay xài tiền vì cảm xúc chi phối…

Theo thầy thì SV phải hình thành cho mình thói quen chi tiêu tiết kiệm, rõ ràng và phải lập kế hoạch chi tiêu ngay khi có thể và phải thực hiện nghiêm kế hoạch này.

Các SV nên chia tiền trong tháng thành các khoản cần xài cố định, khoản dự phòng và khoản tiết kiệm... Ăn uống, chi tiêu mỗi thứ phải tiết kiệm một chút, bớt đi một chút. Việc tiết kiệm tiền “tích tiểu thành đại” không chỉ giúp các SV có một nguồn dự phòng khi cần thiết mà đây có thể là nguồn vốn hữu ích khi bạn muốn bắt đầu một công việc mới hay đầu tư cho ước mơ sau này.

Và dĩ nhiên, cần cái gì mới mua cái đó, nếu mượn được thì tốt và nhất là không mua cái chưa cần. “Để phòng “cháy túi”, SV hãy lên kế hoạch và lập chi tiêu ngay bây giờ. Khi nào có hành động khi đó có thành công”- thầy Trần Hoàng Túy chia sẻ.

Bạn Đặng Hoàng Phương- SV ngành kiến trúc:

SV còn sống phụ thuộc vào gia đình nên bản thân mỗi người phải tự giác chi tiêu hợp lý để không bị “viêm màng túi”. Bản thân mình luôn chia tiền thành những phần nhỏ và chi tiêu cho những mục đích khác nhau. Lúc nào mình cũng có một khoản tiết kiệm riêng để phòng khi ốm đau, chuyện đột xuất…

 

Bạn Kim Thị Thanh Xuân- SV ngành xây dựng:

Mỗi tháng mình đi làm thêm từ 2- 3 triệu đồng và mình dùng nó để trang trải cuộc sống. Mình luôn đề ra chi tiêu rõ ràng, mỗi ngày phải xài bao nhiêu, phải bỏ ống bao nhiêu. Nếu hôm nay có chuyện xài nhiều thì ngày mai phải xài ít lại. Tiền thuê phòng trọ luôn là một khoản chi phí không hề nhỏ và chiếm phần lớn sinh hoạt phí hàng tháng của SV. Do đó, để tiết kiệm khoản chi phí này, mình đã tìm nhà trọ “bình dân” và rủ bạn ở ghép.

 

 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh