Nhìn về lịch sử để "viết tiếp tương lai"

11:07, 13/07/2019

Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho người trẻ biết trân quý hiện tại và vun đắp cho tương lai. Những bài học từ lịch sử còn giúp người trẻ tự đánh thức chính mình, càng thêm nồng nàn yêu Tổ quốc.

 

 

 Hành trình về nguồn hun đúc tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ.
Hành trình về nguồn hun đúc tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ.

Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho người trẻ biết trân quý hiện tại và vun đắp cho tương lai. Những bài học từ lịch sử còn giúp người trẻ tự đánh thức chính mình, càng thêm nồng nàn yêu Tổ quốc.

Tôi vẫn nhớ như in nét mặt đượm buồn của Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Út (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) khi nhắc đến chồng và đứa con ra đi mãi mãi không về.

Mẹ kể: Hồi xưa, gia đình có truyền thống cách mạng nên ngày tóc còn xanh, mẹ lãnh gạo nuôi bộ đội. Khi chồng theo cách mạng hy sinh, mẹ phải nén nỗi đau, tần tảo mò cua, bắt cá đổi gạo nuôi 10 đứa con. Nỗi đau chồng mất chưa vơi thì vài năm sau đó mẹ nhận được tin đứa con trai thứ tư “trốn nhà đi bộ đội” cũng hy sinh.

Ngày ấy khi hay tin con mất, dẫu đau đớn vô cùng nhưng mẹ vẫn cố nuốt nước mắt vào trong bởi “mẹ tự hào vì chồng, con đã hy sinh vì nghĩa lớn”.

Thế hệ chúng tôi may mắn vì không phải hứng mưa bom bão đạn, may mắn vì mở mắt ra đã thấy bình minh trên màu cờ Tổ quốc.

Dù không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong chiến tranh, nhưng chúng tôi hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay biết bao lớp người ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất lạnh.

Và đằng sau mỗi cuộc chiến luôn là những mất mát đau thương, những nỗi đau mà càng qua thời gian thì càng trở nên cào xé lòng người, gia đình ly tán và những niềm vui khác phải khép lại chỉ vì niềm vui chung của cả dân tộc…

Và càng may mắn hơn khi chúng tôi được đi nhiều nơi, được nghe về những năm tháng chiến tranh gian khổ, những tấm gương “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để càng thêm tự hào những gì mà cha ông đã dày công gìn giữ.

Một lần đến thăm Khu di tích Đền thờ Bác Hồ (huyện Cù Lao Dung- Sóc Trăng) chúng tôi hiểu thêm rất nhiều về giá trị của độc lập tự do được đổi bằng máu xương của bao thế hệ đi trước.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, người dân nơi đây không chỉ nuôi chứa, đùm bọc biết bao cán bộ cách mạng mà còn chịu biết bao gian lao khổ cực, đóng góp nhiều công sức, máu xương của mình cho sự nghiệp kháng chiến, góp phần đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Được nghe người dân kể về vùng đất từng là căn cứ địa của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Sóc Trăng cùng những câu chuyện “cổ tích” về Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Bác Hồ chúng tôi càng cảm nhận hết được ý chí quật cường của những chiến sĩ cách mạng thời khói lửa.

Trong hành trình tìm về cội nguồn dân tộc, chúng tôi không thể nào quên Côn Đảo- nơi lưu giữ những giá trị lịch sử cách mạng vô giá. Những cái tên trại tù Phú Hải, trại Phú Tường hay còn gọi chuồng cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò...

Rồi đến hình ảnh những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá ngột ngạt, chuồng cọp, hầm xay lúa... với những đòn tra tấn dã man, khiến ai một lần đến đây chứng kiến đều phải rùng mình, căm phẫn như: rắc vôi bột, tạt nước để thân thể người tù lở loét, đến cách thức tắm nước lạnh, dơ bẩn vào mùa đông…

Dù chịu khổ sai, nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ ngày này qua ngày khác, nhưng kẻ thù vẫn không khuất phục được ý chí của những chiến sĩ cách mạng yêu nước.

Và cũng chính trong chốn lao tù khổ sai ấy, những chiến sĩ cách mạng vẫn không hề mất niềm tin, họ biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện khí tiết của mình. Tự hào thay, từ “địa ngục trần gian” đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo sức mạnh và niềm tin vững chắc cho thế hệ chúng tôi hôm nay.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đất nước hôm nay đã có nhiều đổi mới, nhưng những ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình vẫn không ngừng chảy trong tim người dân yêu nước. Hòa cùng dòng chảy ấy, thế hệ trẻ chúng tôi luôn tự nhắc nhở mình đừng bao giờ quên lãng quá khứ thiêng liêng, oanh liệt và đừng bao giờ thờ ơ với thời cuộc.

Thế hệ trẻ cần cố gắng và nỗ lực viết tiếp tương lai bằng việc dùng sức trẻ, trí tuệ hòa nhập vào môi trường kiến thiết xây dựng đất nước đưa dân tộc ta vươn ra biển lớn, sánh vai cùng các nước năm châu. Tuổi trẻ phải không ngừng rèn luyện, cố gắng học tập, lao động tốt và làm nhiều việc tốt hơn, sống có ích hơn cho xã hội, cộng đồng…

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh