Kỹ năng giao tiếp ứng xử chính là nền tảng cho sự thành công trong tương lai của bạn trẻ. Nói như diễn giả Bùi Tiến Hưng- Giám đốc Công ty Thiên Niên Kỷ (TP Hồ Chí Minh), kiến thức, kỹ năng và "thái độ giao tiếp" đều quan trọng như nhau, mà ở đó "thái độ giao tiếp" là yếu tố hàng đầu
Kỹ năng giao tiếp ứng xử chính là nền tảng cho sự thành công trong tương lai của bạn trẻ. Nói như diễn giả Bùi Tiến Hưng- Giám đốc Công ty Thiên Niên Kỷ (TP Hồ Chí Minh), kiến thức, kỹ năng và “thái độ giao tiếp” đều quan trọng như nhau, mà ở đó “thái độ giao tiếp” là yếu tố hàng đầu. Bởi nếu giao tiếp tốt bạn trẻ sẽ dễ dàng tạo thiện cảm, nhận “điểm cộng” và gặp thuận lợi hơn trong công việc lẫn cuộc sống.
Tham gia các hoạt động tập thể, tình nguyện cũng là cách để bạn trẻ trang bị kỹ năng giao tiếp. |
Yếu kỹ năng giao tiếp
“Mình năm nay đã là sinh viên năm 2 rồi nhưng mình rất nhút nhát, không dám đứng phát biểu trước đông người, rất e ngại khi phải đến nơi nhiều người, tiệc tùng, nói chuyện không dám nhìn thẳng vào người khác…
Mình phải làm sao? Mình không thể nào thay đổi được bản thân, làm sao để hết nhút nhát đây”- bạn Thùy Trang- sinh viên ngành thông tin- thư viện cho biết.
Không chỉ riêng Thùy Trang mà trong cuộc sống vẫn có không ít bạn trẻ bị bệnh nhút nhát, không dám nói chuyện với người khác, thiếu tự tin về bản thân, ngại ngùng… nguyên nhân là do thiếu kỹ năng giao tiếp. Bạn Thanh Phương- sinh viên năm cuối ngành xây dựng- cũng thừa nhận: “Bản thân em sống khá khép kín nên ngại giao lưu”.
Dù là một sinh viên giỏi nhưng chàng sinh viên này không có được một người bạn thân. Nhiều lúc khiến Thanh Phương cũng cảm thấy rất chán nản, bởi không phải không muốn nói chuyện với người khác mà vì Phương không biết diễn đạt những ý tưởng trong đầu mình như thế nào và bắt đầu câu chuyện ra sao.
“Em tự thấy đó là một điểm yếu cần phải khắc phục thì mới có cơ hội việc làm cao. Bởi ngày nay nhà tuyển dụng nào cũng đòi hỏi nhân viên phải năng động, giao tiếp tốt”- Phương cho hay.
Việc quá chú trọng vào chuyên môn học tập của mình khiến tính năng động trong môi trường giao tiếp còn yếu, rất nhiều các bạn trẻ không biết cách bắt đầu một câu chuyện dù là đơn giản nhất.
Còn khi giao tiếp với mọi người xung quanh, không ít bạn trẻ cũng đang thiếu hẳn những câu thưa gởi hay những lời “cảm ơn” và thường sử dụng câu thiếu chủ ngữ…
Đó là chưa kể nhiều bạn trẻ còn “ngại nói” và không dám mở lời vì sợ sai, sợ người khác cười, cho là “vô duyên”. Dễ thấy nhất là trong giờ học. Khi giáo viên giảng bài thì không ít bạn trẻ ngồi phía sau nói chuyện riêng, còn khi thầy cô cho thảo luận, đặt câu hỏi thì các bạn lại ngồi im, không phát biểu ý kiến.
“Mỗi lần đứng lên phát biểu là em cứ lắp ba lắp bắp, không thể diễn đạt được ra câu rõ ràng. Không phải em sợ giáo viên cũng không phải không biết trả lời mà là em không tự tin, không có thói quen phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm”- bạn Thùy An học sinh lớp 12 (TP Vĩnh Long) bày tỏ.
Có không ít bạn trẻ chia sẻ rằng: Bản thân rất ngại trò chuyện với người lớn, cũng không biết cách hòa giải những vấn đề xung đột với bạn bè hay không dám nhắc bạn bè khi làm điều không tốt… vì sợ “mất lòng”.
“Đó là do em không có kỹ năng giao tiếp, ứng xử tình huống tốt. Nhưng làm thế nào mới có được những kỹ năng này?”- bạn Nguyễn Phước Lộc học lớp 11 (TP Vĩnh Long) băn khoăn.
Hành trang không thể thiếu
Thực tế, bên cạnh những bạn trẻ ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp và luôn rèn luyện, học hỏi, thậm chí tham gia các khóa đào tạo bên ngoài trường về kỹ năng giao tiếp thì một bộ phận không nhỏ các bạn hầu như chưa chú tâm để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chưa chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết trong cuộc sống.
Anh Trần Quốc Anh- cán bộ nhân sự của một doanh nghiệp- cho biết: “Tôi rất bức xúc khi thấy không ít bạn sinh viên thực tập hoặc sinh viên mới ra trường, dù đã được huấn luyện trước, nhưng hình như không có ý thức nở một nụ cười và lời chào thân thiện khi gặp những anh chị đồng nghiệp đi trước trong công ty”.
Điều này cho thấy kỹ năng giao tiếp đóng một vai trò không nhỏ cho đường đến thành công và thiếu kỹ năng giao tiếp đã làm cho bạn trẻ “mất điểm” trước nhà tuyển dụng dù kiến thức chuyên môn có thật sự vững vàng.
Bạn Phan Hoàng Tín, sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nhìn nhận: Đúng là giao tiếp rất quan trọng và đem lại sự thành công cho công việc.
Bởi lẽ muốn có một công việc tốt sau khi ra trường để làm điểm xuất phát tiến thân thì không chỉ cần có kiến thức sâu rộng về chuyên môn mà còn phải trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm.
Với Tín, tất cả các kỹ năng mềm đều quan trọng, nhưng có một kỹ năng quan trọng hơn, được Tín xem như “kim chỉ nam” là kỹ năng giao tiếp.
“Giao tiếp với phong thái lịch lãm, tự tin sẽ giúp ta “ghi điểm” ngay trong lần đầu với người mình tiếp xúc. Biết thật lòng lắng nghe và chân thành chia sẻ cũng tạo thiện cảm với người đối diện, khiến cho họ cảm nhận rằng họ thật sự hạnh phúc khi có người chia sẻ và góp ý vấn đề đó”- Tín chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ cho rằng nếu suốt ngày cắm đầu vào mạng và chỉ cập nhật trạng thái trên facebook, tán gẫu qua chat, mail mà không có sự tiếp xúc, trao đổi mặt đối mặt trực tiếp, thì chính mình tự làm cho kỹ năng giao tiếp của mình trở nên thui chột.
Vì thế, các bạn trẻ hãy bắt đầu ngay bây giờ, bạn trẻ nên trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp và nên xem đó là hành tranh không thể thiếu.
Theo diễn giả Bùi Tiến Hưng, có nhiều cách để bạn trẻ trang bị kỹ năng giao tiếp. Trước tiên, bạn trẻ cần phải sống thật tử tế, đàng hoàng, phải biết “cúi đầu” trước người khác.
Cùng với đó là bạn trẻ phải thoát khỏi “vỏ bọc” của bản thân tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để có cơ hội gặp gỡ nhiều người trau dồi vốn từ cho riêng mình; đọc thật nhiều sách báo và “đọc phải đi đôi với thực hành”.
Đặc biệt, các bạn phải sống hết mình, phải lắng nghe, tiếp nhận thông tin và học hỏi kỹ năng giao tiếp hay từ người thân, thầy cô, bè bạn… “Hãy bắt đầu thay đổi thái độ sống của mình từ hôm nay. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như nở nụ cười thân thiện với mọi người…”.
Nói về sự thành đạt của mỗi người trong cuộc sống hôm nay, các nhà xã hội học cho rằng nó được quyết định bởi 25% kỹ thuật chuyên ngành + 75% những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế. Đặc biệt, một học giả người Mỹ còn đẩy sự quan trọng của vế sau lên cao khi đưa ra “công thức”: 15% + 85%. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin