Chuyện thanh niên Khá "bảnh" hay "thánh chửi" Dương Minh Tuyền được nhiều bạn trẻ "săn đón", chia sẻ trên các trang mạng xã hội làm nóng dư luận trong những ngày qua. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Rốt cuộc giới trẻ cuồng nhân vật này vì điều gì? Phải chăng họ quá dễ dãi khi thần tượng một ai đó?
Chuyện thanh niên Khá “bảnh” hay “thánh chửi” Dương Minh Tuyền được nhiều bạn trẻ “săn đón”, chia sẻ trên các trang mạng xã hội làm nóng dư luận trong những ngày qua. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Rốt cuộc giới trẻ cuồng nhân vật này vì điều gì? Phải chăng họ quá dễ dãi khi thần tượng một ai đó?
Tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh cũng là giải pháp giúp các bạn trẻ không sa đà vào mạng xã hội. |
Dậy sóng vì…“giang hồ mạng”
Bức ảnh Khá “bảnh” cùng một nhóm thanh niên dàn hàng trên đường cao tốc gây cản trở giao thông nhận hàng chục ngàn bình luận, chia sẻ.
Những clip giang hồ thanh toán lẫn nhau, có những yếu tố xã hội đen, sử dụng lời lẽ tục tĩu, hình ảnh bạo lực hay điệu múa xòe quạt trên nền nhạc “vinahouse” của thanh niên này thu hút hàng triệu like…
Còn Dương Minh Tuyền cũng nổi tiếng vì thường đăng tải lên mạng những clip bình luận về các sự kiện, nhân vật bằng lời lẽ thô tục. Facebook cá nhân và các clip mà “thánh chửi” này tung lên thu hút cả triệu lượt xem.
Nổi tiếng bởi những “giá trị lệch lạc” nhưng không hiểu sao, những hiện tượng mới trên mạng xã hội này lại được rất đông người trẻ “thần tượng”.
Ngoài đời thì những cô cậu học sinh THPT ùa nhau ra đón Khá “bảnh”, chụp ảnh cùng thần tượng, biểu diễn múa quạt” tập thể… giống như fan cuồng Kpop. Còn trên “mạng ảo” thì không ít bạn trẻ thường xuyên theo dõi, bình luận và chia sẻ những thông tin có liên quan đến “thần tượng giang hồ”.
Nếu tính ra số lượt theo dõi, chia sẻ có khi còn vượt xa hơn cả các ngôi sao, nghệ sĩ mới nổi. Thậm chí, nhiều học sinh còn tự hào khoe ảnh chụp selfie với nhân vật này, bên dưới là hàng trăm bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ của bè bạn…
Bạn Nguyễn Quốc Vinh- học sinh lớp 11 (TP Vĩnh Long)- cho rằng: “Mình thấy Khá “bảnh” có điệu nhảy hay, bài hát vui vui nên mình theo dõi thôi, còn ủng hộ mình nghĩ là không.
Và mình nghĩ việc tung hô của giới trẻ đối với những “hiện tượng mạng” như Khá “bảnh” có ảnh hưởng thực sự không tốt”.
Còn bạn Phạm Thị Mỹ Duyên- học sinh lớp 12 (TP Vĩnh Long)- thì cho biết: “Nhiều bạn ở trường cũng nói về hiện tượng Khá “bảnh” với sự ngưỡng mộ, nhưng em không tò mò xem trên Youtube vì cũng nghe nhiều người đã cảnh báo về sự nhố nhăng và tác hại của những clip dạng này”.
Không chỉ riêng Khá “bảnh” hay “thánh chửi” Dương Minh Tuyền mà dạo một vòng Youtube nhiều tài khoản “anh em cùng hội cùng thuyền” như: “Huấn hoa hồng”, Phú Lê, Ngân Trọc Official,… thấy cũng thu hút hàng trăm ngàn lượt người đăng ký theo dõi…
Điều này khiến không ít phụ huynh phải lo lắng trước hiện tượng cuồng thần tượng một cách lệch lạc, kịch cỡm của người trẻ ngày nay. “Hết người để thần tượng rồi sao? Học sinh không lo tập trung học hành lại đi mê giang hồ mạng”- chị Trần Thanh Hường (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho hay.
Không nên thần tượng lệch lạc
Bạn Nguyễn Hoài Nhân- sinh viên năm 3 ngành Xây dựng- cho rằng: “Chúng ta thần tượng một người nào đó vì họ có những điều chúng ta mong muốn nhưng không có được.
Chẳng hạn như, thần tượng ca sĩ, diễn viên vì họ diễn xuất tốt, hát hay. Thần tượng cầu thủ bóng đá vì anh ta chơi fairplay, đẹp trai… Thần tượng một ai đó cũng là động lực, cảm hứng để chúng ta phấn đấu rèn luyện, học tập, vươn lên trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, cả Khá “bảnh” và Dương Minh Tuyền đều không có những điều để khiến chúng ta cảm thấy phải thần tượng, phải đáng để học theo.
“Nếu mình thần tượng họ chẳng khác nào mình lại a dua cho những thành tích tù tội, những phát ngôn ngông cuồng hay những lời chửi bới thiếu văn hóa trên mạng xã hội này sao? Thật quá lệch lạc”- cậu sinh viên này cho biết.
Cũng đồng quan điểm bất mãn với sự “thần tượng giang hồ mạng” của một bộ phận giới trẻ, bạn Phan Thị Mỹ Hạnh- sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh- chia sẻ: Thần tượng ai là chuyện riêng của mỗi người, nhưng hâm mộ ai đó một cách thái quá, đặc biệt là với những người không có hình ảnh tốt thì có thể mang lại những điều tiêu cực, dẫn tới những lệch lạc trong suy nghĩ và hành động.
“Bạn trẻ chỉ nên thần tượng một cách có chuẩn mực và người mình thần tượng phải mang lại giá trị, ảnh hưởng tốt đến xã hội.
Em thì thần tượng Hoa hậu H’Hen Niê vì cô ấy có nghị lực phi thường, dám ước mơ và làm được điều mình mơ ước. Hâm mộ cầu thủ Quang Hải- Quả bóng vàng của Việt Nam- vì vừa đá bóng tốt lại còn đẹp trai”- Mỹ Hạnh nói vui.
Giới trẻ thích tìm hiểu, thích sự khác biệt và thần tượng kiểu a dua theo tâm lý đám đông nên rất dễ ảnh hưởng bởi trào lưu hoặc một hiện tượng nào đó mới nổi lên…
Từ chuyện mạng xã hội dậy sóng bởi những “giang hồ mạng”, nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi lệch chuẩn, cần phải bị loại bỏ ngay. Cũng có ý kiến cho rằng “hiện tượng mạng” ào ào đến rồi lại ào đi, cũng trôi vào quên lãng. Những giá trị ảo sẽ bị đào thải cùng thời gian.
Khá “bảnh” rồi sẽ bị cơ quan chức năng xử lý thích đáng vì có hành vi vi phạm pháp luật thế nhưng vấn đề cần quan tâm là định hướng, tuyên truyền cho bạn trẻ nhận biết đúng sai và sử dụng Internet an toàn.
Cùng với đó là tạo môi trường lành mạnh để người trẻ học tập, vui chơi, hạn chế sa đà vào mạng xã hội. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm khắc nhằm ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu độc hại.
“Bạn trẻ phải tự bảo vệ mình bằng cách đề kháng trước những thông tin, hình ảnh, trào lưu xấu. Hãy để mạng xã hội tràn đầy và lan tỏa những tin tốt đẹp”- chị Lưu Như Ngọc- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cho biết.
Ai cũng có quyền ngưỡng mộ thần tượng nhưng “cuồng thái quá thần tượng xấu” lại là thảm họa. Giới trẻ cũng cần có những chuẩn mực đúng đắn về thần tượng, để không phải lãng phí thời gian vào những hiện tượng mạng xã hội như Khá “bảnh”, bạn nhé!
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin