Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được tiếp thêm sức mạnh khi học sinh, sinh viên toàn thế giới cùng hòa chung tiếng nói nhằm thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới hành động để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được tiếp thêm sức mạnh khi học sinh, sinh viên toàn thế giới cùng hòa chung tiếng nói nhằm thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới hành động để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Hàng nghìn thanh niên Anh tuần hành vì khí hậu tại thủ đô London ngày 15/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
"Không có hành tinh B", "Biến đổi khí hậu còn tồi tệ hơn Voldemort" (chỉ Chúa tể Voldemort, phù thủy hắc ám và tàn ác nhất trong truyện Harry Potter), những khẩu hiệu được giới trẻ toàn cầu mang xuống đường trong làn sóng tuần hành của học sinh sinh viên khắp thế giới vì Trái Đất, diễn ra đồng loạt ngày 15/3.
Mở đầu ngày với các sự kiện ở Australia và New Zealand, theo vòng quay Trái Đất, hơn 1.000 cuộc tuần hành của học sinh, sinh viên diễn ra tại trên 100 quốc gia từ châu Đại Dương đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ… trong sự kiện hành động toàn cầu này, phản đối sự chậm chạp của các chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hàng chục nghìn học sinh, sinh viên trong ngày 15/3 tạm rời phòng học, tay trong tay, vai kề vai xuống đường phố ở thủ đô Wellington (New Zealand), ở thành phố Sydney (Australia), Bangkok (Thái Lan), Dhaka (Bangladesh) đến Durban (Nam Phi), London (Anh), Bogota (Colombia), Boston (Mỹ). Tất cả vì một mục tiêu chung: chúng ta chỉ có một hành tinh, chúng ta phải bảo vệ hành tinh trước "kẻ hắc ám" biến đổi khí hậu.
Ngày học sinh, sinh viên bãi khóa vì khí hậu đã được Greta Thunberg, một nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển, khởi xướng. Cách đây 6 tháng, cô bé Thunberg đã cắm trại bên ngoài trụ sở Quốc hội Thụy Điển cùng một tấm bảng viết tay "Bãi khóa vì khí hậu". Kể từ đó, Thunberg đã đi khắp thế giới, tạo ra một làn sóng những người trẻ tuổi thất vọng vì tiến độ chậm chạp của "những người trưởng thành" trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Thunberg đã được ba nhà lập pháp Na Uy đã đề cử giải Nobel Hòa bình 2019. Trong đề cử của mình, nghị sĩ Freddy Andre Ovstegard cho biết: "Greta Thunberg đã phát động một phong trào quần chúng mà tôi coi đó là sự đóng góp to lớn cho hòa bình".
Lời kêu gọi học sinh, sinh viên đứng lên chống biến đổi khí hậu đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Bà khẳng định thế hệ trẻ cần gửi đi một thông điệp: “Hãy lôi cuốn càng nhiều người càng tốt tham gia với các bạn vì đơn giản là chúng ta không thể một mình đi đến đích”. Và như một động thái nhằm ủng hộ hành động này của học sinh, sinh viên, bà Ardern đã cam kết chi 100 triệu đôla New Zealand (68 triệu USD) để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tròn 30 năm sau khi những cảnh báo về các tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu được đưa ra, tình trạng thải khí CO2 đã đạt đến những kỷ lục vào năm 2017 và 2018. Càng ngày người ta càng nghe thấy nhiều hơn những tin tức giật mình về đợt nắng nóng đến gần 50 độ C ở Australia, hay lên tới 41 độ C ở những xứ lạnh như Canada và Mỹ làm nhiều người tử vong, những trận siêu bão biến mọi thứ trở thành hoang tàn ở Philippines, Indonesia... hoặc những đợt cháy rừng khủng khiếp tàn phá Mỹ, Hy Lạp, Thụy Điển, Italy… và cả những đợt núi lửa phun trào, động đất, sóng thần ở nhiều nước châu Á… Dự báo đến năm 2100, những trận siêu bão như Sandy ở Mỹ sẽ lặp lại với tần suất thường xuyên hơn, có thể tới 17 lần/năm.
Năm 2018, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu rạn nứt. Các điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra đang cản trở những nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng như làm xói mòn những thành tựu đạt được trong lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Đáng lo ngại hơn, các chuyên gia đều đồng ý rằng việc thải ra bầu khí quyền lượng lớn CO2 như hiện nay sẽ khiến hành tinh của chúng ta không còn là nơi con người có thể sinh sống. Phát biểu tại Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1 vừa qua, nữ sinh Thunberg khẳng định: “Về biến đổi khí hậu, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã thất bại”.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan và các thảm họa thiên tai chính là sự cảnh báo có thật của thiên nhiên đối với con người. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 kêu gọi giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C, nhưng hành tinh của chúng ta hiện đang trên đà nóng lên gấp đôi con số này. Các tổ chức khí tượng và môi trường của LHQ dự báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm từ 3-5 độ C trong thế kỷ XXI, vượt xa so với mục tiêu hạn chế ở mức 1,5 - 2 độ C theo Hiệp định Paris.
Trong một diễn biến đáng mừng, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại Ba Lan cuối năm 2018 đã đạt đồng thuận về một bộ quy tắc chuẩn nhằm thực thi Hiệp định Paris, trong đó hướng dẫn các quốc gia cách thức báo cáo lượng khí thải nhà kính một cách minh bạch, cũng như nỗ lực cắt giảm khí thải. Tài liệu này được đánh giá là rất quan trọng trong việc thực thi Hiệp định Paris. Việc thực hiện hướng dẫn trong cuốn sách sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia, đặc biệt là quốc gia ven biển dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kết quả còn tùy vào ý chí, cam kết chính trị và nhất là hành động cụ thể của tất cả các quốc gia.
Ủy ban Khoa học khí hậu của Liên hợp quốc cảnh báo chỉ khi thay đổi hoàn toàn nền kinh tế và thói quen tiêu dùng ngày nay mới có thể ngăn chặn được một thảm họa khí hậu. Trên mạng xã hội Twitter, cô bé Thunberg bày tỏ tin tưởng rằng “sự thay đổi đang ở phía chân trời và mọi người sẽ đứng lên vì tương lai của chính mình". Đó là lý do mà thế hệ tương lai của hành tinh chung tay chống biến đổi khí hậu.
Theo Bạch Dương (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin