Những bạn trẻ ấy có đam mê thật lạ: thích múa lân sư rồng và làm nên sản phẩm để duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Đam mê ấy giúp các bạn vượt qua được những khó khăn để sống trọn với lựa chọn của mình. Và họ chính là thành viên của đoàn lân nghệ thuật Hiền Anh Đường (TP Vĩnh Long).
Những bạn trẻ ấy có đam mê thật lạ: thích múa lân sư rồng và làm nên sản phẩm để duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Đam mê ấy giúp các bạn vượt qua được những khó khăn để sống trọn với lựa chọn của mình. Và họ chính là thành viên của đoàn lân nghệ thuật Hiền Anh Đường (TP Vĩnh Long).
Đội lân ráo riết luyện tập để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến. |
Say mê với nghề
Mấy tháng nay, cứ tầm 4 giờ rưỡi chiều ngôi nhà anh Nguyễn Phan Tánh Anh- người sáng lập đoàn lân nghệ thuật Hiền Anh Đường (Khóm 2, Phường 8- TP Vĩnh Long) lại rộn ràng tiếng trống múa lân sư rồng. Nhất là những ngày giáp tết, các bạn càng hăng say, ráo riết luyện tập để có thể mang đến những tiết mục hấp dẫn, đặc sắc phục vụ nhân dân dịp tết đến xuân về.
Có mặt trong một buổi tập của đoàn, mới thấm thía phần nào những khó nhọc của những bạn trẻ. Các tiết mục trống hội, múa rồng, song lân, lân lên mai hoa thung được các bạn trẻ thực hiện bài bản. Ấn tượng nhất là lân leo cột hái lộc, dù mạo hiểm đến “thót tim” nhưng chú lân vẫn biểu diễn rất thành thục.
Anh Tánh Anh cho hay: Múa lân sư rồng kết hợp nhịp nhàng những tiếng trống, tiếng thanh la lúc khoan, lúc dồn dập phù hợp với các bộ pháp. Pha trộn trong cái thần thái của lân là vẻ tinh nghịch khi chớp mắt hay sự mạnh mẽ trong bộ tấn pháp qua những động tác nhào lộn, bật cao…
Theo anh Tánh Anh, để có được một tiết mục biểu diễn rực rỡ sắc màu trên sân khấu, đoàn phải tự biên đạo, làm sao để những nội dung phù hợp với từng sự kiện. Tiết mục múa cho rằm Trung thu, Tết Nguyên đán hay các sự kiện khai trương, cưới hỏi đều phải được thể hiện theo màu sắc riêng.
Khó nhất khi múa lân sư rồng là các thành viên phải cùng phối hợp nhịp nhàng và tập trung cao độ mới tạo ra những động tác uyển chuyển, đẹp mắt. Vì những đòi hỏi khắt khe đó nên các thành viên tập luyện rất vất vả.
Để có được 15, 20 phút biểu diễn, họ phải mất cả mấy tháng trời để tập luyện. Mồ hôi, nước mắt đã rơi bởi với những động tác khó, nhiều lúc còn xảy ra chấn thương. Người múa phải có một sức khỏe dẻo dai, có năng khiếu mới thực hiện những động tác leo trèo, bay nhảy, đặc biệt cần có sự kiên trì để thực hành điêu luyện những động tác khó.
Với họ, nếu chỉ đơn giản là đam mê thôi thì chưa đủ, mà nói như anh Tánh Anh thì khi “tình yêu múa lân sư rồng đã thấm sâu vào máu thịt” mới giúp các bạn vượt qua những thách thức mà thôi.
Tham gia múa lân sư rồng tại đoàn hơn 4 năm, bạn Phạm Thanh Nguyên (Phường 3- TP Vĩnh Long) bộc bạch rằng, đã không ít lần cậu bị chấn thương, nhất là những động tác lộn nhào ra sau. Thế nhưng theo Nguyên, luyện tập vất vả, thậm chí là nguy hiểm là thế nhưng chưa bao giờ Nguyên có ý định từ bỏ niềm đam mê của mình. Bởi “đây là môn nghệ thuật đặc biệt, khi xuất hiện ở đâu nó cũng mang đến sự rộn rã, mang niềm vui và nụ cười cho mọi người”.
Còn bạn Lê Minh Tân (Phường 8- TP Vĩnh Long) cười bảo “chỉ cần mỗi khi biểu diễn, được nhìn thấy những ánh mắt háo hức, say mê của khán giả, nhất là các bạn nhỏ thì mọi khó nhọc đều tan biến cả”.
Giữ lửa môn nghệ thuật lân sư rồng
Không chỉ say mê biểu diễn mà đoàn còn kiêm luôn sản xuất đầu lân, đầu rồng tiêu thụ ra thị trường. Nói về nghề này, anh Tánh Anh trải lòng: Do đam mê với nghệ thuật lân sư rồng nên 3 năm trước, anh và các anh em trong đoàn cùng nhau tự nghiên cứu, mày mò làm cho bằng được được chiếc đầu lân của đoàn mình.
Khi đó, phải hơn 2 tháng, mới cho ra được sản phẩm đầu tiên nhưng chưa được đẹp. Qua thời gian, nghề làm đầu lân của các bạn trẻ càng được nâng lên. Khoảng 2 ngày là “cho ra lò” sản phẩm hoàn chỉnh vừa theo chuẩn thi đấu vừa đẹp mắt. Và từ đó, đoàn nhận được các đơn đặt hàng từ các đoàn lân bạn.
Nói thì đơn giản vậy nhưng thật ra theo anh Tánh Anh để chế tác ra được đầu lân, đầu rồng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là làm khung, kế đến là ốp vải, sau đó dán giấy, đề can, phủ sơn để vẽ họa tiết và trang trí các vật dụng khác.
Để các chi tiết trên đầu lân chuyển động nhịp nhàng, dễ điều khiển và thuận tiện khi thực hiện các động tác khó, bên cạnh một khung lân chắc chắn, đúng tỷ lệ thì các chi tiết dây điều khiển, mắt, tai, mũi... cũng phải được tính toán rất chi tiết, tỉ mỉ. “Điều quan trọng để làm đầu lân, đầu rồng tinh xảo, đẹp mắt, có hồn của con linh vật, đòi hỏi người làm lân phải có cái tâm, biết bố trí màu sắc và phải có hoa tay”- anh Tánh Anh cho biết.
Theo anh Tánh Anh làm đầu lân trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cái tâm của nghệ nhân. |
Phụ trách công đoạn dán đề can, em Lê Hữu Tài (Phường 8- TP Vĩnh Long) hớn hở cho hay: Được đầu lân rất thích, vừa tiết kiệm kinh phí cho đội lại vừa thỏa được đam mê. Tham gia biểu diễn lân sư rồng hơn năm nay nhưng em Trần Võ Quang Huy (xã Phước Hậu- Long Hồ) chỉ mới biết làm khung lân khoảng vài tháng gần đây. “Làm nghề này rất thú vị và vui. Thêm nữa, nhờ nghề mới này mà em cùng các bạn cũng có thêm chút ít tiền để trang trải việc học và vui chơi”- Quang Huy nói.
Múa lân sư rồng và chế tác ra các đầu lân, đầu rồng vừa phục vụ tết cho người dân, vừa kiếm thêm thu nhập cũng là cách để các bạn trẻ giữ gìn môn nghệ thuật dân gian khi tết đến. Tùng tùng tùng, cắc cắc... Tiếng trống múa lân dồn dập, rộn ràng được vang lên như báo hiệu một mùa xuân mới an lành.
Khi không khí tết đang len lỏi khắp con đường, ngõ hẻm cũng là thời gian mà các bạn trẻ vừa sản xuất vừa ráo riết luyện tập nên công suất làm việc của mỗi thành viên phải gấp đôi so với ngày thường. Tất bật là thế nhưng các bạn trẻ vẫn tỉ mỉ trau chuốt từng công đoạn và luôn giữ lửa say mê cháy bỏng với nghề.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin