Khởi nghiệp vì đam mê, phục vụ cộng đồng

10:11, 23/11/2018

Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm, sản xuất- chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo tím thảo dược VH1, nuôi cấy trai ghép trai nước ngọt lấy ngọc, chú nông dân robot và bình xịt năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp... là những ý tưởng xuất sắc tham gia cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn" lần thứ I, được tổ chức tại TP Cần Thơ.

 

BTC trao giải nhất cuộc thi cho Dự án Green Blessing “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm”- Hoàng Thị Hảo (Hà Giang).
BTC trao giải nhất cuộc thi cho Dự án Green Blessing “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm”- Hoàng Thị Hảo (Hà Giang).

Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm, sản xuất- chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo tím thảo dược VH1, nuôi cấy trai ghép trai nước ngọt lấy ngọc, chú nông dân robot và bình xịt năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp... là những ý tưởng xuất sắc tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn” lần thứ I, được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp hay

Mặc dù là giáo viên nhưng anh Trần Trung Hiếu (tỉnh An Giang) luôn ấp ủ các ý tưởng sáng tạo các máy móc thiết bị giúp công việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng hơn. Và đó chính là lý do ra đời của “bình xịt năng lượng mặt trời”.

Theo anh, “bình xịt năng lượng mặt trời” có thể không phải là những ý tưởng quá mới mẻ trong phong trào sáng tạo khoa học- kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đó là sự khác biệt ở công nghệ, sự vận hành bằng nguồn năng lượng mặt trời.

Hiệu quả cho thấy, một lao động khi sử dụng bình có thể phun xịt đến 30 bình/ngày, ngày ít nắng có thể xịt từ 10-15 bình/ngày. “Dùng bình xịt năng lượng mặt trời tiết kiệm được thời gian, chi phí, hạn chế ảnh hưởng thuốc đến sức khỏe con người và góp phần bảo vệ môi trường”- anh Hiếu chia sẻ.

Vừa tốt nghiệp ĐH, bạn Nguyễn Ngọc Ngân (tỉnh Sóc Trăng) quyết định về quê khởi nghiệp. Ngân cho biết: Xuất phát từ thực tế trồng và tiêu thụ sản phẩm năn- sản phẩm đặc trưng của vùng quê Ngã Năm.

Mặc dù cây năn rất được ưa chuộng trên thị trường nhưng việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn. Những hộ trồng năn cũng gặp khó trong việc tìm kiếm thương lái thu mua sản phẩm.

Đa số năn được thu hoạch và sơ chế tại chỗ và bán cho thương lái với mức giá không cao và nguồn cung ứng cho các trung tâm thành phố, đô thị không được thường xuyên. Chính vì vậy, Ngân và nhóm đã hình thành và thực hiện ý tưởng “Phát triển chuỗi cung ứng năn từ nông thôn đến thành thị, tạo thương hiệu cho quê hương đất Sóc”.

Hiện tại, nhóm của Ngân đã làm ra 2 sản phẩm dưa năn và cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh, với mức doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng.

Cô nàng chia sẻ: Ý tưởng này hướng đến việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng năn nhằm vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong khu vực thành phố và vừa liên kết, đảm bảo đầu ra, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, cũng chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng này của một vùng quê thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Cùng trăn trở tìm hướng đi mới cho nông sản của địa phương, cô giáo Nguyễn Anh Thy (tỉnh Đồng Tháp) đã cho ra đời ý tưởng sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu.

Anh Thy cho hay: Ấu là loại thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng. Tại các địa phương trồng nhiều, người dân chế biến nhiều món ăn ngon như: chè củ ấu, vịt nấu củ ấu, heo quay nấu củ ấu, củ ấu hầm xương, củ ấu chiên bột, dưa chua củ ấu… Nhưng đa phần người tiêu dùng chỉ biết đến món luộc, bày bán ven đường như món quà quê dân dã và giá cả cũng thấp.

Thế là cô Anh Thy bắt đầu tìm hiểu nghề tách vỏ ấu, tìm nhân công, nghiên cứu cách bảo quản, đóng gói. Dù thời gian đầu có nhiều khó khăn nhưng nhờ kiên trì, đến nay, củ ấu tách vỏ đã có khách hàng quen và đã chào hàng thành công vào hệ thống Vinmart.

Sắp tới, công ty sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới từ ấu như sữa ấu, snack ấu. “Những hoạt động tích cực này sẽ làm tăng nhu cầu củ ấu tươi, tạo đầu ra tốt cho người dân trồng ấu. Mình cũng tự hào vì đóng góp một phần nào đó cho địa phương”- cô Thy tâm sự.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động từ tháng 3/2018.

Cuộc thi này cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế khu vực nông thôn của thanh niên và tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đồng thời phát huy vai trò thanh niên trong phát triển kinh tế tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Theo BTC, kết thúc vòng 1, đã có 179 bài dự thi hợp lệ từ các thí sinh, nhóm thí sinh từ 51 tỉnh- thành trên cả nước gửi về tham dự, với các ý tưởng, đề án sản xuất kinh doanh các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp…

BTC đã lựa chọn 60 ý tưởng khởi nghiệp đảm bảo tính sáng tạo, thiết thực, hiệu quả để tham gia vòng 2 cuộc thi. Và từ 60 ý tưởng, Ban giám khảo đã chấm điểm để lựa chọn 10 đề án, ý tưởng tiêu biểu nhất tham gia vòng chung kết cuộc thi.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- thành viên Ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi- đánh giá: 10 đề án, ý tưởng dự thi này đều là những đề án, ý tưởng độc đáo, có tính khả thi cao, đồng thời còn thể hiện được sự đam mê, quyết tâm, sáng tạo của các bạn trẻ. Các bạn đã tâm huyết và đặt trọn “trái tim” của mình vào trong dự án, ý tưởng.

Đặc biệt, các ý tưởng còn hướng đến cộng đồng, mang ý nghĩa xã hội như: chăm sóc sức khỏe, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch địa phương…

Tham gia cuộc thi, anh Huỳnh Trọng Long- Dự án Hợp tác xã Thanh niên TP Thái Bình với các mô hình tạo ra chuỗi giá trị phục vụ cộng đồng (tỉnh Thái Bình) cho biết: Đây là cơ hội để đoàn viên thanh niên học hỏi các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, kiến thức về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, là cơ hội để trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.

“Tôi cũng mong muốn dự án của mình sẽ được “tiếp thêm lửa” để có thể tiếp tục phục vụ thực phẩm an toàn cũng như tư vấn, cung cấp sách, đồ dùng học tập cho học sinh, người dân…”- anh Long nói.

Kết thúc cuộc thi, BTC đã trao 10 giải cho các đề án, ý tưởng tham gia. Theo đó, Dự án Green Blessing “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm”- Hoàng Thị Hảo (Hà Giang) đạt giải nhất; ý tưởng Sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu- Nguyễn Anh Thy (Đồng Tháp) và Sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo tím thảo dược- Phạm Văn Nam (Thanh Hóa) đạt giải nhì. BTC cũng trao 3 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh