"Làm kinh tế hiệu quả không khó, có chăng là mỗi người phải có đam mê, quyết tâm và không nản lòng trước khó khăn". Đó là chia sẻ của anh Lê Minh Thư (xã Tân An Thạnh- Bình Tân).
“Làm kinh tế hiệu quả không khó, có chăng là mỗi người phải có đam mê, quyết tâm và không nản lòng trước khó khăn”. Đó là chia sẻ của anh Lê Minh Thư (xã Tân An Thạnh- Bình Tân).
Anh Thư cho biết: Thanh niên muốn làm kinh tế hiệu quả phải có quyết tâm. |
Chúng tôi đến tham quan trại trồng nấm bào ngư của gia đình anh Lê Minh Thư ở ấp An Thành. Đây là lần thứ 2 chúng tôi ghé thăm mô hình kinh tế của gia đình. So với trước đây, trang trại trồng nấm có quy mô lớn hơn, không khí lao động sôi động hơn, đông vui hơn...
Dù đang tất bật cùng mọi người làm phôi nấm, nhưng anh Thư vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Anh cho biết “trồng nấm bào ngư không dễ nhưng cũng không khó, chỉ cần mình chịu khó học hỏi và có quyết tâm thì sẽ thành công thôi”.
Rồi anh kể về quá trình mình “bén duyên” với nghề trồng nấm này. Anh cho hay: Học xong lớp 12, anh tham gia nghĩa vụ quân sự và sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, anh trở về địa phương. Khi đó, anh cũng loay hoay chưa xác định được hướng đi cho riêng mình. Thế là anh đi làm tài xế lái xe sau đó lại phụ trồng nấm bào ngư cho người quen ở Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh).
Nhận thấy việc trồng nấm cho hiệu quả kinh tế khá cao, anh quyết định vừa làm vừa học việc, tích lũy chút vốn và kinh nghiệm để gầy dựng trang trại nấm bào ngư trên mảnh vườn quê. 2 năm sau đó, anh quyết định về quê và bắt đầu hướng đi riêng cho tương lai.
Anh cười tươi: Chính nhờ thời gian phụ việc cùng những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình ấy mà tôi mới không bị bỡ ngỡ khi dấn thân vào nghề. “Hơn nữa, tôi may mắn được gia đình ủng hộ nên mới có được hôm nay”- anh phấn khởi nói.
Đưa chúng tôi tham quan mô hình cạnh hông sân nhà, anh giới thiệu: “Trồng nấm này không tốn diện tích, làm trại cũng không quá cầu kỳ. Trại có diện tích khoảng 280m2 với 30.000 phôi nấm được bố trí ngay ngắn, vệ sinh sạch sẽ”.
Theo anh thì: trồng nấm bào ngư cho thu hoạch nhanh, thời gian thu hoạch lại kéo dài nên có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, để nấm cho năng suất cao cần phải nắm vững kỹ thuật trồng. Trong đó, khâu chọn phôi là quan trọng nhất vì nó quyết định đến chất lượng thành phẩm. Thế nên “phôi phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo không bị nhiễm bệnh, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt”.
Thêm nữa, “sức khỏe” nấm cũng đỏng đảnh, nếu mình không chăm sóc tốt nấm có thể bị dịch bệnh đe dọa. Bệnh của nấm lại có tính lây lan rất cao, khi phát hiện một bịch nấm bị mốc thì cần nhanh chóng xử lý và cách ly. Nếu không, nó sẽ lây lan ra cả trại, khi ấy thiệt hại sẽ rất lớn. Vì thế, trước khi đưa phôi nấm vào trồng cần vệ sinh trại, đây cũng là khâu quan trọng để hạn chế bệnh trên nấm.
Anh chia sẻ: “Để thành công với cây nấm, trước tiên mình phải am hiểu đặc tính của nó và có đầy đủ kinh nghiệm trong khâu chăm sóc. Và tôi luôn nằm lòng cách để trồng nấm đạt hiệu quả nhất. Đó là lý do mà trại nấm của anh lúc nào phát triển tốt”.
Bên cạnh việc bán nấm, anh còn tự mình ủ phôi, lên men, đóng gói và cung cấp phôi giống cho bà con nông dân. Anh nhẩm tính: Mỗi phôi cho thu hoạch khoảng 300g nấm. Giá mỗi ký nấm khoảng 30.000đ. Cộng thêm cung cấp phôi giống, mỗi tháng tính ra lợi nhuận trên 20 triệu đồng.
Từ khi trồng nấm, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định và kinh tế ngày càng khấm khá hơn. Qua đó, cũng tạo việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương.
Anh cho biết thêm: Với đầu ra và giá cả khá ổn định như thế này, anh quyết định mở rộng quy mô lên 100.000 phôi trong thời gian tới.
Nghe hỏi bí quyết để khởi nghiệp thành công, anh đúc kết: “Thanh niên nông thôn muốn khởi nghiệp thành công thì đừng ngại thử sức mình. Khi làm bất kể công việc gì cũng vậy, phải có quyết tâm, kiên trì và phải biết tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Như thế mới có thể hái được trái ngọt”.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin