Nhiều người trẻ vẫn chưa hiểu đúng, còn lúng túng, chưa biết bắt đầu như thế nào để khởi nghiệp thành công.
Giảng đường ĐH cũng là nơi gieo mầm những mơ ước sáng tạo. |
Nhiều người trẻ vẫn chưa hiểu đúng, còn lúng túng, chưa biết bắt đầu như thế nào để khởi nghiệp thành công.
Hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên
Hỗ trợ sinh viên (SV) khởi nghiệp từ trong các trường ĐH, CĐ là một hoạt động vô cùng thiết thực để SV phát huy sự sáng tạo, thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình. Song, hiện nay các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ở các trường ĐH chưa nhiều.
Do đó, việc thông qua Đề án hỗ trợ SV khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2020, Bộ GD- ĐT hy vọng làn sóng khởi nghiệp sẽ được khơi dậy cho bạn trẻ ngay từ giảng đường đại học, cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào quá trình hiện thực hóa các ý tưởng của SV.
Đây là một cú hích quan trọng, bởi giảng đường ĐH không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà phải là nơi bắt đầu gieo mầm những mơ ước sáng tạo, những khát vọng thành công cho SV.
Tại cuộc thi Dynamic- sinh viên, nhà doanh nghiệp tương lai năm 2018, nhóm SV của ĐH Cần Thơ đạt giải nhất cấp khu vực ĐBSCL và giải ba toàn quốc với dự án “Nghiên cứu và thiết kế thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí”.
Em Cao Thanh Hùng- SV ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa- đồng tác giả của công trình- cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất luôn kéo theo nỗi lo về giá.
Theo đó, tuy tích hợp công nghệ hiện đại vượt trội, nhưng giá thành thiết bị của nhóm lại cao hơn khá nhiều so với các sản phẩm khác trên thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Vì thế, Thanh Hùng cho biết: “Nhóm em đang được thầy cô giúp đỡ để giới thiệu với công ty và các nhà đầu tư, để kêu gọi vốn đầu tư phát triển sản phẩm ra thị trường. Hy vọng sẽ được lãnh đạo thành phố hỗ trợ trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Em Tăng Hữu Thái- cựu SV Trường ĐH Cần Thơ, người sáng lập thương hiệu Gia Hảo chuyên kinh doanh những món ăn truyền thống Việt Nam qua các trang mạng xã hội- cho biết, việc áp dụng công nghệ Internet vào khâu giao dịch và phân phối đã giúp sản phẩm tiếp cận được với nhiều khách hàng trong cả nước với doanh thu ngày càng tăng cao.
Nhờ có sự trợ giúp của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên, với Dự án “Hệ sinh thái khởi nghiệp- Up Green Life” mà có không ít SV tự tin phát huy sự sáng tạo, kiên trì biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
Em Nguyễn Xuân Vinh- SV ngành Cơ- Điện tử (Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ), với sản phẩm “Thiết bị tích điện đường bộ”.
Thiết bị này có thể đặt ở đường giao thông, khi phương tiện giao thông chạy qua, thiết bị có thể tích điện vào bình ắc quy, đồng thời, có thể giúp thu thập thông tin số phương tiện lưu thông trên tuyến đường.
Hiện, Xuân Vinh và các cộng sự còn thiết kế ứng dụng trên điện thoại để dễ dàng theo dõi những thông tin mà thiết bị thu được. Nhờ dự án hỗ trợ, sản phẩm của nhóm được một doanh nghiệp xúc tiến đầu tư.
Bạn trẻ đừng “lủi thủi” khởi nghiệp một mình
Trong buổi tọa đàm “Làm gì để khởi nghiệp hiệu quả” do Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, có nhiều câu chuyện khởi nghiệp hay.
Theo ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, đối với người khởi nghiệp trẻ, thông thường có ý tưởng mới, có sáng kiến, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm...
Trong các trường kinh doanh người ta có dạy cái cách tư duy tâm lý đón nhận, xử lý vấn đề nêu trên rất tốt, trong khi đó, ở các trường ĐH thường không có.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Phương Lam, nên có một môn, chương trình dành cho SV năm cuối về khởi nghiệp.
Người thầy có thể dạy được những vấn đề cơ bản, còn những vấn đề về thị trường chỉ có doanh nghiệp hiểu và những người đã trải nghiệm mới giúp được cho các bạn khởi nghiệp đối đầu với vấn đề này.
Nhóm SV của ĐH Cần Thơ giới thiệu thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí. |
Theo PGS. TS Lê Nguyễn Đoan Khôi- Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, tâm thế khởi nghiệp là mỗi doanh nhân tự xây dựng cho bản thân một tư tưởng, thái độ tích cực để đương đầu với mọi nguy cơ, khó khăn có thể xảy ra trong quá trình lập nghiệp.
Khởi nghiệp luôn có tỷ lệ thành công rất thấp, nếu không có tâm thế chủ động, vững vàng để tìm cách khắc phục thì các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ rơi vào cảm giác bất an khi gặp những rào cản khó khăn, gây tác động tiêu cực lên việc kinh doanh, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi cho biết.
Bên cạnh đó, cần có sự chuyển đổi trong nhận thức về lĩnh vực khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ, không nên bó hẹp trong phạm vi nông nghiệp khởi nghiệp mà mở rộng ra những ngành, nghề đa dạng hơn; trong đó, ưu tiên tối ưu hóa việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp- cho rằng: Khởi nghiệp không thể mang tư duy nhiệm kỳ, làm theo phong trào. Chúng ta nên đi vào thực chất xem khởi nghiệp là yếu tố sống còn của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Các bạn trẻ không nên “lủi thủi” làm một mình, mà phải có sự hợp sức. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin