Các bạn là những sinh viên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long vừa đạt giải nhất, nhì ở kỳ thi Tay nghề quốc gia 2018. Giải thưởng không là tất cả nhưng nó đã đánh dấu, minh chứng cho con đường chọn nghề của những công dân "9x".
Các bạn là những sinh viên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long vừa đạt giải nhất, nhì ở kỳ thi Tay nghề quốc gia 2018. Giải thưởng không là tất cả nhưng nó đã đánh dấu, minh chứng cho con đường chọn nghề của những công dân “9x”.
Nguyễn Tấn Toàn-giải nhất Lắp cáp mạng thông tin
Sinh viên Nguyễn Tấn Toàn- ngành Công nghệ thông tin, năm 4- quê ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh). Toàn lớn lên bên những thiết bị điện tử mà cha là thợ sửa chữa, nên được tiếp xúc nhiều và có niềm đam mê với máy móc. Từ những năm học phổ thông, Toàn đã biết học pascal, sửa chữa cơ bản,… từ cha.
Nguyễn Tấn Toàn trong giờ thực hành ở trường. |
Dự thi nghề lắp cáp mạng thông tin, Toàn cũng có chút áp lực, bởi “anh Hoàng Anh vừa giành Huy chương bạc Nghề ASEAN năm trước”. Tuy nhiên, Toàn bước vào cuộc thi với suy nghĩ “cố gắng hết sức mình, các thầy cũng khuyên không xem trọng giải thưởng”.
Ấn tượng với Toàn là trông chững chạc hơn những sinh viên năm cuối. Cách nói chuyện chậm mà chắc, không kém phần hóm hỉnh. Mỗi ngày, Toàn dành hơn 10 giờ cho máy tính, nhưng thị lực vẫn 10/10. Toàn cười: “Em cũng ngạc nhiên về điều đó, các bạn em đã đeo kính rất nhiều, rất lâu rồi”.
Mỗi khi đôi mắt bị quá tải, Toàn rời máy “cho mắt nghỉ ngơi” và cả những khi “bế tắc” trước một bài tập, một mô đun như “đi lạc giữa đường”, Toàn liền chọn cách giải trí: nghe nhạc, chơi game và chơi đá bóng. Toàn nói nhỏ: “Em từng có 2 năm làm game thủ nhưng sau đó thoát ra khỏi thế giới ảo mới có hôm nay”.
Toàn được chọn và đến với môn thi Lắp cáp mạng thông tin là một cái duyên vì “em không học giỏi nhất lớp” mà chỉ là đứa hay tìm tòi, cẩn thận. Toàn cho rằng: “Nếu bạn nào muốn chọn ngành công nghệ thông tin thì nên nghiên cứu kỹ xem mình có thích hợp ngồi trên máy tính với những con số suốt hay không, nếu đã hiểu biết trước thì việc học nhẹ nhàng hơn nhiều”.
Sắp tới, Toàn sẽ đại diện Việt Nam dự thi Tay nghề ASEAN tại Thái Lan. “Rút kinh nghiệm lần thi trước, chuẩn bị cẩn thận hơn từ sức khỏe đến tinh thần”- Toàn cười.
Trần Thanh Trường- giải nhì Cơ điện tử
Trần Thanh Trường là sinh viên năm 3 ngành cơ điện tử. Trường là con duy nhất trong gia đình ở xã Tường Lộc (Tam Bình). Như đa số cậu bé khác, từ nhỏ Trường đã mê robot và các thiết bị điện tử nhưng mãi đến khi chọn ngành học, Trường mới biết chọn Cơ điện tử thì mình sẽ được học gì và học như thế nào.
Trần Thanh Trường và bạn thi đồng hành Nguyễn Quang Huy- đoàn kết tạo nên sức mạnh. |
Niềm đam mê của em được các thầy cô nhen nhóm thêm và những anh chị khóa trước cũng hướng dẫn rất nhiều. “Em thấy hứng thú với việc viết các chương trình, làm xe tự động”- Trường nói.
Tham gia kỳ thi Tay nghề quốc gia vừa qua, Trường còn hơi tiếc vì mình để 15 phút đầu trôi qua thật chậm chạp bởi “còn lúng túng, hơi run trước kỳ thi lớn và những đối thủ nặng ký”.
Em học được bản lĩnh, sự chuyên nghiệp, sự tự tin của các bạn sinh viên tham gia cuộc thi và hiểu rằng các bạn cũng có kỹ năng như mình nhưng bình tĩnh hơn, bình tĩnh thì cẩn thận và cũng nhanh nhẹn hơn.
Bí quyết học tốt của Trường là trong mỗi buổi học, nhất là giờ học thực hành thì không thể lơ là. “Thực hành càng nhiều thì càng thuần thục các thao tác và làm nhanh hơn, đồng thời phải tỉ mỉ. Ngoài ra, phải tìm thêm tư liệu, học trên mạng,…”- Trường chia sẻ. Có nhiều khi gặp những vấn đề “không lối ra” thì phải chịu khó “mài”.
“Đối với những bạn muốn chọn nghề thì xem mình có đủ sức khỏe, đam mê với nghề không. Học nghề thì không sung sướng và không thể học theo kiểu cỡi ngựa xem hoa được. Tỷ lệ rơi rụng vì chọn sai ngành là rất nhiều”.
Nguyễn Thành Phát-giải nhì Bảo trì máy CNC
Nguyễn Thành Phát học ngành Cơ khí năm 3, là lớp phó học tập cũng là một đảng viên trẻ của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, quê ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).
“Khi đi thi thì em hơi áp lực vì là lớp phó, đảng viên nên lúc nào cũng cố gắng học tập làm gương cho các bạn”- Phát chia sẻ. Phát càng không muốn phụ lòng các thầy cô đã tạo mọi điều kiện tốt nhất trong suốt quá trình ôn thi và thi.
Nổi bật trong các anh chàng giỏi nghề, Phát không chỉ thạo phần thực hành mà còn là sinh viên có kết quả học tập xuất sắc (điểm bình quân 3,7/4).
Sinh viên Nguyễn Thành Phát (áo sậm) bên máy CNC. |
Đam mê, kiên nhẫn, tỉ mỉ vững tinh thần là những gì mà Phát học được. Đảng viên trẻ này còn là người kiên định và luôn xem sức mạnh tập thể là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định chiến thắng. “Bạn Nguyễn Tấn Phát thi cùng em là một nửa không thể thiếu bởi môn thi này cần 2 người. Bọn em phải hiểu ý nhau, phải đoàn kết, không ganh tỵ thì mới có thể làm tốt phần thi của mình”.
Nghề bảo trì máy CNC cần 2 thí sinh dự thi và theo Phát thì “nhiều đội có kỹ năng nhưng do mất đoàn kết nên không hoàn thành phần thi”.
Phát luôn băn khoăn về lập trường tư tưởng của một số sinh viên do tác động của mạng xã hội. “Một số bạn dễ bị sa vào cái bẫy của mạng xã hội, như những vấn đề mà đúng ra phải suy nghĩ kỹ trước khi like hoặc comment”.
Ngay cả việc chọn nghề cho mình thì nhiều bạn vẫn chưa tự quyết định được, nhiều bạn chọn lệch ngành đến độ “học không nổi, phải bỏ học”. Lớp em có hơn chục bạn bỏ học kiểu như vậy. Như vậy, không chỉ phí thời gian của mình mà còn lãng phí tiền của cha mẹ”- Phát nói.
Chọn học nghề, có thể là con đường vất vả bởi những tiết thực hành hàng 5 giờ liền, quần áo dính đầy dầu nhớt… Nhưng không có con đường đến thành công nào chỉ trải toàn hoa hồng. Vấn đề là các bạn có đủ bản lĩnh, đủ đam mê để gắn bó và phát triển với nghề không?
ThS Nguyễn Tấn Nó- giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, người theo sát nhóm sinh viên trong quá trình ôn và dự thi- cho biết: Trước khi tổ chức kỳ thi, chúng tôi đã có sự ngắm nghía, chọn lọc sinh viên từ một năm trước. Đối tượng là các em từ năm thứ 3 trở đi, rồi từ đó chọn lựa một nhóm thích hợp, từ nhóm 12 chọn 6 rồi tiếp tục ôn và sơ tuyển để chọn 2 sinh viên xuất sắc nhất. Thí sinh dự thi là vừa có tác phong tốt, kỹ năng nhanh nhẹn, đoàn kết (nếu là môn thi 2 người), thái độ nghiêm túc, đúng giờ. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin