Với chiến tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà, những ngày qua, khắp nơi trong cả nước tràn ngập một "không khí U.23 Việt Nam".
Với chiến tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà, những ngày qua, khắp nơi trong cả nước tràn ngập một “không khí U.23 Việt Nam”.
Đô thị Vĩnh Long cũng không nằm ngoài “vùng phủ sóng” của niềm vui, niềm tự hào dân tộc. Tuy nhiên, sau khi “đi bão”- xuống đường ăn mừng, trong lòng những người ở “vùng tâm bão” đọng lại đôi điều suy ngẫm…
Không khí xem đá bóng tươi vui, trật tự ở Quảng trường TP Vĩnh Long trong trận chung kết U.23 Việt Nam- U.23 Uzbekistan vừa qua cần khuyến khích. |
“Bão đêm” ở đô thị
Sau chiến tích đầy tự hào của thầy trò Park Hang-seo trước Qatar, hàng ngàn người dân trong tỉnh đổ về trung tâm TP Vĩnh Long, tiếng kèn trống rộn vang khắp nơi, cùng tiếng hò reo “Việt Nam vô địch” khiến người người lâng lâng
sung sướng.
Niềm vui kéo dài đến khi diễn ra trận tranh ngôi vô địch Châu Á giữa Việt Nam và Uzbekistan. Hình ảnh cờ đỏ sao vàng xuất hiện khắp nơi, nhân viên các cửa hàng điện máy, quán nước cũng… mặc “đồng phục” cờ đỏ, sao vàng, các chuyến xe đò, xe hơi, xe giao hàng… cũng treo hoặc dán quốc kỳ.
Trên khuôn mặt nhiều người còn dán các dòng chữ cổ vũ, vẽ hình lá cờ để cổ vũ đội bóng nước nhà. Thời điểm trực tiếp trận đấu, Quảng trường TP Vĩnh Long đậm đặc một không khí U.23 Việt Nam, tất cả hòa cùng một nhịp đập.
Ông Nguyễn Hòa Đàm- cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin TP Vĩnh Long, tổ trưởng tổ bảo vệ Quảng trường- cho biết, có khoảng 2.000 người tập trung ở đây để xem trận đấu lịch sử này.
Khi trận đấu kết thúc, tuy kết quả ĐT U.23 Việt Nam chỉ về nhì nhưng “cơn bão” này còn mạnh hơn trận Việt Nam thắng Qatar trước đó.
Từ Quảng trường, chúng tôi hòa theo dòng người nhích từng chút một đổ ra vòng xoay ngã ba Cần Thơ (Long Châu), đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng tung bay.
Xe cộ phải đi với tốc độ như rùa bò, không cần biết quen hay lạ, mỗi khi có một tiếng ai đó hô vang “Việt Nam”, cả rừng người xung quanh sẽ đồng thanh “vô địch”.
Chút gợi buồn khi chỉ cách chức vô địch một bước giờ tan biến mà thay bằng niềm vui sướng, tự hào bởi trong lòng người hâm mộ lúc này U.23 của chúng ta không khác nào nhà vô địch.
Người dân ven đường cũng hào hứng không kém, ngoài tiếng cổ vũ, hò hét, nhiều người còn mở nhạc hay đánh trống, thổi kèn.
Thậm chí, một số người còn mang vật dụng như thùng vòi sen, ghế ngồi, nồi cơm, nắp nồi, thùng nước, chai nước,… miễn sao đập ra thành tiếng.
Bên cạnh, nhiều hàng quán, nhà dân còn bày ra vỉa hè để vừa ăn mừng vừa reo hò với dòng xe cộ đi qua… “Cơn bão” đêm kéo về, cả đô thị lúc này như vỡ òa cảm xúc, chung một màu cờ sắc áo.
Lạnh gáy trong đêm “bão”
Ông Nguyễn Hòa Đàm tâm sự, các cổ động viên, đặc biệt là những bạn trẻ đã tỏ ra rất văn minh khi xem trực tiếp tại quảng trường trận đấu tranh giải vô địch Châu Á giữa Việt Nam và Uzbekistan, như: chia áo, chia băng rôn cho nhau; cổ vũ văn minh lịch sự, thu dọn sạch sẽ “không để lại rác” sau khi trận đấu kết thúc…
Một số người quá khích đứng tràn ra giữa đường phất cờ, nhảy nhót, bất chấp nguy hiểm cho mình và người khác. |
Trong khi đó, trên các tuyến đường nội ô lại diễn ra những cảnh tượng hoàn toàn khác. Tại các ngã ba, ngã tư, các chiến sĩ công an có mặt để đảm bảo trật tự và điều khiển giao thông.
Tuy vậy, chúng tôi không ít lần sởn gai ốc khi chứng kiến màn ăn mừng của nhiều “quái xế”, bất chấp nguy hiểm cho tính mạng của mình và người khác.
Khoảng thời gian từ 19- 20 giờ là thời điểm người dân xuống đường đông nhất. Trong dòng xe cộ san sát, phút chốc lại xuất hiện một vài tay lái kéo tay ga, nẹt pô và luồn lách đến chóng mặt, không màng sự va chạm hay nguy hiểm.
Và chúng tôi đã chứng kiến nhiều màn biểu diễn rồi ngã xe máy liên hoàn, nhiều bạn nữ đi chung các tay lái này khóc sưng cả mặt, đi không nổi,...
Chưa hết, tầm 23 giờ, người đi ăn mừng còn thót tim khi trước mặt có một nhóm xe máy tăng tốc, bấm còi rồi nhấn ga, bất kể chạy ngược chiều, lên lề,...
Chứng kiến cảnh này, nhiều người lặng lẽ rút vô quán nước ven đường. Không chỉ vậy, nhiều cổ động viên quá khích còn đứng giữa đường phất cờ dù xe máy, ô tô hay xe tải đang lưu thông trên đường.
Ngồi bên góc đường Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long), chúng tôi còn chứng kiến hơn chục người đứng tràn ra giữa lộ nhảy theo điệu nhạc, khi quá phấn khích họ dang tay choán hết con đường, bắt tay, thậm chí ôm người nào đó chạy xe máy ngang qua…
Đáng lo nhất là khi một chiếc xe chạy tới với “tốc độ bàn thờ”, họ vẫn đứng như không có chuyện gì, người này buộc phải thắng gấp, khiến chiếc xe và người té nhào xuống đường, rất may người này chỉ bị thương nhẹ. Sau vài lần lực lượng chức năng nhắc nhở và dùng biện pháp nghiệp vụ thì nhóm người này mới chịu nép vào lề…
Rạng sáng khoảng 1 giờ hôm sau, lúc này các chiến sĩ công an giao thông đã mạnh tay hơn, nhiều xe vi phạm bị đưa về. Tuy nhiên, vẫn còn 2 tốp “đi bão”, mỗi tốp khoảng vài chục xe.
Chúng tôi thấy họ tụ tập tại ngã ba Cần Thơ, gọi điện, bàn tán gì đó. Một người chủ quán nước tâm tư: “Rồi, lại một đêm không ngủ của các anh công an…”
Thiết nghĩ, sau cơn “bão” này có thể sẽ có những cơn “bão” khác kéo đến trong những kỳ thi đấu tiếp theo của đội bóng thân yêu.
Người dân rất cần sự vào cuộc mạnh hơn của các chiến sĩ công an, để giảm thiểu những hành động “cổ vũ quá khích”. Về phía người hâm mộ, cũng cần giữ chừng mực, tuân thủ luật lệ, đừng vì quá vui mà trở thành quá khích.
Từ chuyện “bão” nghĩ đến các hoạt động lễ hội Ông Nguyễn Hòa Đàm cho biết, nhờ các “cơn bão” từ U.23 Việt Nam mang lại mà người dân ở phố như xích lại gần, vui vẻ, xởi lởi với nhau hơn. Theo ông, ngành hữu quan, các đơn vị chức năng cần tổ chức nhiều chương trình lễ hội, sinh hoạt cộng đồng để tạo sự gắn kết, không khí tươi vui, phấn khởi, thúc đẩy mua bán, kinh doanh… Theo đó, khâu tổ chức cần chu đáo, đồng thời, cần định hướng, hướng dẫn người dân tham gia các hoạt động lễ hội, sinh hoạt cộng đồng sao cho tươi vui, bổ ích và văn hóa. |
Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin