Sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo

03:11, 17/11/2017

Giảng đường ĐH, CĐ không phải là "trường THPT cấp 4", môi trường này đòi hỏi sinh viên (SV) ngoài tiếp thu những kiến thức trên lớp phải biết tìm hiểu, tự học để học tốt và làm tốt hơn sau khi ra trường.

 

Giảng đường ĐH, CĐ không phải là “trường THPT cấp 4”, môi trường này đòi hỏi sinh viên (SV) ngoài tiếp thu những kiến thức trên lớp phải biết tìm hiểu, tự học để học tốt và làm tốt hơn sau khi ra trường.

Tham gia những cuộc thi phù hợp chuyên ngành là cách để rèn luyện.
Tham gia những cuộc thi phù hợp chuyên ngành là cách để rèn luyện.

“Ngọc không mài không sáng”

Đối với những người trẻ- nhất là SV, tự học là điều cần thiết. Cùng với kiến thức tích lũy từ giảng đường, việc tự học, tự đào sâu nghiên cứu sẽ giúp các bạn bồi đắp tri thức, vững vàng hơn khi lựa chọn hướng đi cho tương lai. Tự học phụ thuộc ở ý thức của mỗi người và đó là quá trình dài rèn luyện.

Bạn Trần Đình Dương (SV năm 3 Khoa Công nghệ tự động- Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) vừa đến Vĩnh Long tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Bạn cho biết mỗi lần lớp tổ chức các hoạt động ngoại khóa hay các trường khác tổ chức hội thi là liền tham gia. Dương nói: “Chỉ học ở trường là chưa đủ, khi bắt tay vào thực hành, SV nào cũng sẽ bối rối vì kiến thức còn rất hạn chế.

Lúc này, em sẽ “cầu cứu” thầy cô, các anh chị khóa trước hay tìm hiểu thêm trên Internet. Sau những lần “vật vã” tìm mua vật liệu và tìm được chỗ cắt vật liệu rồi chạy thử nghiệm, những lần thực hành dần trở nên dễ dàng hơn.

Đã 3 lần tham gia cuộc thi robocon nên Dương cùng các bạn thuần thục, tự tin tranh tài lập trình đua xe tự động.

SV có ý thức tự học tốt phải là người sắp xếp hợp lý thời gian học tập trên lớp, tự nghiên cứu, thực hành, vui chơi giải trí, học từ bạn bè, thư viện, học qua mạng… Đó là những gì mà Lê Phước Lộc (SV năm thứ 4 ngành điện- điện tử- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) đã và đang làm. Lộc không chỉ học giỏi mà còn là SV “thực học, thực làm”.

Từ năm học thứ 2, Lộc đã đi làm thêm cùng chuyên ngành và học được rất nhiều từ công việc. “Đọc sách, nghiên cứu tài liệu, không hiểu thì hỏi thầy và học từ bạn”- Lộc chia sẻ.

Ngay trong lúc đang bận rộn chuẩn bị cho đề tài tốt nghiệp thì Lộc vẫn vào trường giúp các SV khóa sau làm robocon. Lộc cười: “Nghiên cứu xe tự động là sở thích của em, em có thể giải trí và rèn luyện các kỹ năng luôn”.

Cần những “phiên bản” cao hơn

Học theo kiểu “sao chép” là thói quen của nhiều học sinh THPT và rất khó để thay đổi trong năm học ĐH đầu tiên. Ths. Nguyễn Nhu Liễu- Phó trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm- cho rằng: “Việc rèn cách học đúng, tức là kỹ năng nghe để hiểu và chọn lọc thông tin cho SV năm nhất là rất khó”.

Và không ít SV năm nhất than phiền kiểu cô nói nhanh quá em chép không kịp. Trong khi đó, giảng viên chỉ muốn SV hiểu và nắm nội dung cốt lõi để tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Việc “mài giũa” để trở thành những “viên ngọc sáng” cũng có nhiều cách khác nhau: học nhóm, tự học ở thư viện, tham gia các hội thi đúng chuyên môn,...

Trần Đức Duy (SV ngành điện- điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) cho biết sau giờ học trên lớp, nhóm bạn 6 người của Duy thường rủ nhau đi học nhóm.

Duy nói: “Học nhóm rất có ích vì tụi em san sẻ kiến thức cùng nhau. Mỗi người có một điểm mạnh, học hỏi nhau nên cùng tiến bộ”.

Sinh viên phải tự nghiên cứu, rèn luyện để tích lũy kiến thức cho bản thân.
Sinh viên phải tự nghiên cứu, rèn luyện để tích lũy kiến thức cho bản thân.

Duy cho biết, nhóm nhiều người nên cũng có tranh cãi xảy ra. Để bảo vệ ý kiến của mình, mỗi người phải tự tìm tòi và rút kinh nghiệm nếu nó chưa đúng. Nói về cuộc thi robot sumo giữa các trường ĐH vừa mới được tổ chức tháng 11 tại trường mình, Duy nói:

“Cả nhóm thức trắng đêm trước ngày đi thi để hoàn thành robot. Tham gia cuộc thi, tụi em có cơ hội làm ra sản phẩm đúng chuyên ngành mình học, lại được giao lưu học hỏi với nhiều bạn khác”- Duy vui vẻ chia sẻ. Nỗ lực của các bạn được đền đáp xứng đáng khi robot của nhóm giành giải nhất trong phần thi robot sumo.

Nguyễn Quốc Việt (SV năm 3 ngành công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) đã có ước mơ tự tay làm ra một con robot cho riêng mình từ khi học THPT. Việt nói: “Đến nay, em mới biến ước mơ đó thành hiện thực”.

Việt nâng niu con robot VRC trên tay như “đứa con” tinh thần. “Đứa con” mà nhiều đêm bạn không ngủ được chỉ vì nó bị trục trặc ở một khâu nào đó. Để hoàn thành robot tự dò đường này, đã có lúc Việt nổi nóng đến “muốn đập nó một cái” nhưng rồi bạn cũng đã làm ra được một “robot ngon lành”.

Tự tìm hiểu, học hỏi và sáng tạo đã giúp SV trưởng thành hơn vì qua đó các bạn không chỉ rèn tính tự lập mà còn tích lũy kiến thức. Tự tay làm ra những sản phẩm riêng sẽ giúp SV tỉ mỉ và thuần thục hơn trong các thao tác. Đây là cách “tự mài giũa” bản thân để trở thành những “viên ngọc sáng”.

Việc học tín chỉ với số tiết học được rút ngắn cũng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Theo các giảng viên ĐH thì một tín chỉ trên lớp (15 tiết) tương đương với 3 tín chỉ tự học (khoảng 45 tiết).

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh