Ươm hạt mầm sáng tạo

05:09, 27/09/2017

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng là sân chơi bổ ích dành cho học sinh. Trải qua 6 lần tổ chức, có thể nói đây là những cuộc thi để ươm mầm những ước mơ sáng tạo cho các em…

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng là sân chơi bổ ích dành cho học sinh. Trải qua 6 lần tổ chức, có thể nói đây là những cuộc thi để ươm mầm những ước mơ sáng tạo cho các em…

Nhiều học sinh bậc tiểu học, THCS đạt giải trong cuộc thi lần thứ 6.
Nhiều học sinh bậc tiểu học, THCS đạt giải trong cuộc thi lần thứ 6.

Nâng chất sản phẩm dự thi

Cuộc thi lần thứ 6 năm 2016- 2017 được triển khai sâu rộng ở các trường, địa phương để thu hút nhiều đối tượng học sinh tham gia, từ bậc tiểu học đến THPT.

Ở mỗi lần triển khai, BTC đã theo sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ. Từ đó, thu hút được nhiều học sinh, sản phẩm tham gia.

Theo BTC, cuộc thi lần này đã thu hút được 7.777 sản phẩm tham gia, tuy ít hơn lần thi trước nhưng chất lượng sản phẩm dự thi cao hơn, nhất là những sản phẩm mang tính phục vụ cao trong đời sống.

Cuộc thi lần này bao gồm 5 lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; mô hình, thiết bị bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Qua đó, bậc THPT có 515 sản phẩm, bậc THCS có 2.589 sản phẩm, bậc tiểu học có 4.673 sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Phạm Văn Hồng, cuộc thi đã có sự lan tỏa từ nhà trường đến xã hội và phụ huynh học sinh.

Chất lượng sản phẩm dự thi ngày càng được nâng lên: “Một trong những mục tiêu đề ra là không vì thành tích mà phải có chất lượng thật sự.

Sản phẩm làm ra là phải do các em lên ý tưởng và thực hiện, không có sự làm thay từ cha mẹ, giáo viên”.

Cũng theo ông Phạm Văn Hồng, cuộc thi năm nay đã khuyến khích tối đa sự sáng tạo của các em, hạn chế hiện tượng sao chép ý tưởng hoặc dựa vào những sản phẩm đã có từ trước.

Theo ông Hà Văn Sơn- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật, tiếp nối thành công, cuộc thi lần thứ 7 năm 2017- 2018 sẽ được tổ chức sâu rộng cho tất cả học sinh các trường: “Đây là cơ hội để tạo ra sự lan tỏa rộng rãi phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong cộng đồng, tạo điều kiện cho các học sinh thành thị, nông thôn và cả vùng đồng bào dân tộc tham gia, thể hiện ý tưởng của bản thân.

Qua đó, sẽ phát hiện, bồi dưỡng và ươm mầm sáng tạo cho học sinh, để tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao vào việc học tập và thực tiễn đời sống, sinh hoạt hàng ngày”.

Ươm mầm sáng tạo

Điều khá thú vị ở cuộc thi lần này là nhiều sản phẩm đạt giải cao của học sinh bậc tiểu học và THCS. Trong 33 giải, đã có 1 giải nhất duy nhất của học sinh THCS, 5/6 giải nhì là của học sinh tiểu học, THCS. Điều đó cho thấy ý tưởng sáng tạo của các em đã hình thành từ rất sớm, là điều kiện để vun bồi sau này.

Em Võ Minh Thông- học sinh lớp 7/2 (Trường THCS Đông Thạnh, TX Bình Minh)- đã xuất sắc giành giải nhất với sản phẩm “Thiết bị bơm nước tự động trên tàu, ghe”.

Thông cho biết, do thực tế ở nhà đã có ghe bị chìm và cha em may mắn thoát nạn. Không muốn để xảy ra tai nạn lần thứ 2, em đã lên ý tưởng và sáng tạo ra sản phẩm này.

“Thiết bị này vừa có thể báo hiệu được mực nước nguy hiểm trên tàu, ghe, vừa có thể tự động bơm nước ra ngoài để chủ phương tiện có thể yên tâm hơn khi lưu thông trên sông nước”- Thông cho biết.

Nhìn lại các sản phẩm đạt giải, hầu hết đều có tính ứng dụng cao trong đời sống, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của các em như: mô hình xe phân loại rác, mặt nạ chống độc, mô hình xay xát thức ăn gia súc, máy hút bụi…

Em Lê Ngọc Thiên Ngôn- học sinh lớp 1/2, Trường Tiểu học Mỹ Lộc (Tam Bình) quan sát thực tế cha mẹ phun thuốc bảo vệ thực vật ở nhà mà không có thiết bị bảo vệ nên đã suy nghĩ và chế tạo chiếc mặt nạ chống độc.

Sản phẩm của em rất đơn giản nhưng hiệu quả, có tính ứng dụng cao nên được BTC chấm giải nhì.

Em Lê Ngọc Thiên Ngôn cùng mẹ trong lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi vừa mới tổ chức.
Em Lê Ngọc Thiên Ngôn cùng mẹ trong lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi vừa mới tổ chức.

Chị Châu Ngọc Yến- mẹ của Thiên Ngôn- cho biết: Ở nhà, em rất năng động, hay tìm hiểu và sáng tạo những thiết bị gần với cuộc sống.

“Ví dụ như cháu thấy bà nội chẻ củi mệt quá, cháu nghĩ ngay đến dụng cụ chẻ củi tự động, hay như đạp xe mệt, thì em nghĩ làm thế nào để bàn chân khi đạp không còn cảm giác mỏi…

Tuy mới dừng lại ý tưởng nhưng chúng tôi rất tự hào về cháu”- chị Yến chia sẻ.

Trong khi đó, anh Võ Văn Quới- cha của em Võ Minh Thông- cho biết, từ khi được nghe phát động cuộc thi thì Thông đã rất hào hứng lên ý tưởng và thực hiện.

“Cuộc thi đã giúp cho những ý tưởng của con tôi trở thành hiện thực. Đây là điều kiện để cháu tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình.

Riêng bản thân và gia đình tôi cũng sẽ tạo mọi điều kiện để Thông thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo”- anh Quới cho biết.

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Phạm Văn Hồng nhấn mạnh: Để cuộc thi tiếp tục được tổ chức thành công, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc ngành giáo dục cần tích cực tham gia phong trào, hỗ trợ học sinh nâng cao cả số lượng và chất lượng sản phẩm.

Nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của việc tham gia phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật, chú trọng tính tự lực và sáng tạo của học sinh. Đồng thời tạo ra sản phẩm vừa mang tính sáng tạo, vừa sát với thực tiễn, có khả năng áp dụng cao…

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Long lần thứ 7, năm 2017- 2018 sẽ có 5 lĩnh vực gồm: đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, mô hình, thiết bị bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Thời gian tổ chức cuộc thi từ tháng 8/2017 đến tháng 9/2018. Hạn cuối nhận hồ sơ dự thi cấp tỉnh trước ngày 30/4/2018.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh