Kỳ 2: Quyết tâm cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê

07:09, 17/09/2017

Có thực tế cơ sở mới thấy hết tinh thần vươn lên lập thân, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn.

 

Anh Nguyễn Xuân Phong (người ngồi) với mô hình du lịch sinh thái vườn lúc nào cũng có trái cây “bao bụng”.
Anh Nguyễn Xuân Phong (người ngồi) với mô hình du lịch sinh thái vườn lúc nào cũng có trái cây “bao bụng”.

Có thực tế cơ sở mới thấy hết tinh thần vươn lên lập thân, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn.

Nhạy bén, cần cù chịu khó, chấp nhận thất bại để có thành công… tự ĐVTN đã viết nên câu chuyện của chính mình mà chẳng cần tô vẽ.

So với nhiều mô hình khác, có thể mô hình kinh tế của họ chưa cao, song cũng góp phần không nhỏ trong thực hiện tiêu chí thu nhập và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

 

Điểm sáng trong lập thân, lập nghiệp

Chúng tôi theo chân anh Đỗ Văn Chí Phước- Bí thư Xã Đoàn An Bình- đến tham quan mô hình kinh tế của anh Nguyễn Xuân Phong ở ấp An Thới. Đón chúng tôi tại vườn với đủ loại trái cây: ổi, chôm chôm, xoài, nhãn, ông chủ hiếu khách đon đả mời khách dùng đặc sản “cây nhà lá vườn”.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn mát mẻ, có nhà mát và lúc nào cũng có trái cây “bao bụng”, anh giới thiệu: “Mình làm du lịch sinh thái vườn với mong muốn khách đến đây sẽ được hòa mình với vườn cây trái, có không gian ngồi trò chuyện với người thân và đặc biệt là thưởng thức những đặc sản quê”.

Dám nghĩ, dám làm lại biết vận dụng lợi thế đất vườn sẵn có, anh bắt tay thực hiện mô hình với quyết tâm “thành bại do mình”.

Anh đảm nhận quy hoạch, chăm sóc vườn kiêm luôn hướng dẫn khách. Anh chia sẻ: “Mình phải nhã nhặn và trực tiếp dẫn khách tham quan. Được thấy tận mắt, được hái tận tay và thưởng thức món ăn dân dã thì du khách sẽ nhớ đến vườn mình.Cũng nhờ vậy mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.

Với lợi thế miệt cù lao sông nước nên xã An Bình có nhiều mô hình ĐVTN làm kinh tế. Bí thư Xã Đoàn liệt kê: Địa phương có mô hình nuôi cá bột, nuôi cá giống, nhãn xuồng vàng, du lịch sinh thái thời vụ,…

Đồng lòng xây dựng quê hương, ĐVTN tỉnh nhà đã vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê. Huyện Vũng Liêm là điểm sáng với 100% chi đoàn ấp- khóm đều có ít nhất 1 mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả. Còn TX Bình Minh với rất nhiều mô hình do ĐVTN làm chủ như: trồng mít Thái kết hợp với chăn nuôi, trồng rau diếp cá, cải xà lách xoong, mận xanh đường,…

Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi ếch của anh Phan Phát Truyển (xã Đông Bình). Anh Truyển từ bỏ công việc ở công ty với mức thu nhập gần chục triệu đồng/tháng với quyết tâm về quê “tìm hướng phát triển kinh tế mới cho bản thân”.

Theo anh thì: Ban đầu nuôi ếch cũng “trầy trật” lắm, có khi phá huề nhưng “có thất bại mới thành công”.

Sau gần 2 năm về địa phương, anh gầy dựng được mô hình nuôi ếch khép kín với hàng trăm con ếch thịt và ếch giống… với thu nhập kha khá. Chỉ tay hướng về mấy chiếc vèo có hàng ngàn chú ếch con đang ngoi đầu trên mặt nước, anh cười tươi: “Thanh niên phải tự làm chủ kinh tế mới có thể làm giàu cho bản thân và xã hội được”.

Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế 1 vụ lúa, 2 vụ khoai và nuôi heo rừng mà anh Trí (bên phải) có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế 1 vụ lúa, 2 vụ khoai và nuôi heo rừng mà anh Trí (bên phải) có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Phát triển kinh tế gia đình cũng là góp phần vào phát triển kinh tế chung xã nhà, chính vì vậy mà anh Lê Thanh Trí (xã Thành Trung- Bình Tân) đã chuyển đổi sang mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới trên cơ sở phù hợp với đặc thù địa phương.

Trước đây kinh tế gia đình gặp khó khăn, từ khi anh mạnh dạn chuyển đổi canh tác đất trồng lúa sang 1 vụ lúa- 2 vụ khoai, cộng với nuôi heo rừng thì mỗi năm gia đình anh bỏ túi rủng rỉnh gần 300 triệu đồng.

Anh cho rằng: “ĐVTN phải dám nghĩ, dám làm và góp phần xây dựng quê hương bằng việc làm thiết thực”.

Hỗ trợ ĐVTN thoát nghèo và làm giàu chính đáng

Đến huyện Bình Tân vào một ngày đầu hè, cái nắng gắt hanh hao chẳng hề ảnh hưởng gì đến bức tranh nông thôn mới nơi đây.

Tinh thần giúp nhau, ý chí vươn lên làm giàu của ĐVTN cùng diện mạo khởi sắc của địa phương chắc sẽ làm không ít người ngạc nhiên khi lâu ngày trở lại.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Bình Tân Thái Vĩnh Bảo, để giảm hộ nghèo trong ĐVTN, Huyện Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn đăng ký thực hiện.

Bằng cách tìm hiểu nguyên nhân ĐVTN nghèo để có cách giúp đỡ hiệu quả như hỗ trợ vốn vay không lãi suất làm ăn hay hỗ trợ xây nhà… 2 năm qua, đã giảm được 28 hộ nghèo thanh niên làm chủ hộ hay có thanh niên trong hộ nghèo.

Không có đất canh tác lại thiếu vốn sản xuất, anh Chế Văn Hải (xã Tân Quới) rơi vào diện hộ nghèo của địa phương.

Nhưng đó là những năm trước, chứ giờ khác rồi. Nhờ vốn hỗ trợ không lãi suất của Huyện Đoàn, anh mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi cá lóc kết hợp với nuôi bò vỗ béo. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Thực tế cho thấy, chính việc quan tâm sâu sát đến đời sống ĐVTN để có giải pháp hỗ trợ kịp thời là một trong những cách làm thiết thực, hiệu quả thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Chạy dọc trên tuyến đường láng nhựa, chúng tôi đến nhà anh Phạm Văn Tân- Chủ nhiệm CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi huyện Long Hồ ở ấp Phước Bình B (xã Phú Quới- Long Hồ).

Từ vườn trở về vừa kịp đón chúng tôi như đã hẹn, anh cho biết mình ít có thời gian rảnh lắm, khi thì ngoài trang trại heo, khi chăm sóc vườn cây ăn trái, lúc đi hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho bà con… Ấy vậy mà anh vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN.

Anh Tân (trái)- Chủ nhiệm CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi huyện Long Hồ- đến thăm các mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN.
Anh Tân (trái)- Chủ nhiệm CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi huyện Long Hồ- đến thăm các mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN.

Anh cho biết: Xã có 9 ĐVTN tham gia CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện. Vào CLB này, ĐVTN được tiếp cận khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn và cây con giống mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

“Hầu hết ĐVTN đều chí thú làm ăn và có mô hình kinh tế hiệu quả. Riêng bản thân tôi sau khi tốt nghiệp trung cấp thú y đã về địa phương khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi heo”- anh vui vẻ giới thiệu.

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Mai Hoàng Anh (ấp Phước Bình B)- triệu phú nông dân từ nuôi heo trong khi chưa hề biết chăn nuôi như thế nào.

Dù kiệm lời nhưng anh chia sẻ rất chân thành: “Chính sự hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chuồng trại, cách thức điều trị bệnh trong chăn nuôi heo, nuôi cá của “thầy” Tân mà tui mới có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi như hôm nay”.

Cách đó không xa, anh Phan Hùng Vũ cũng được hỗ trợ 300 con gà lông màu nuôi đệm lót sinh học.

Còn anh Lư Thái Quan cũng được hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay và đang chờ hỗ trợ giống heo mới… Nhờ tinh thần hỗ trợ nhau lập nghiệp mà ĐVTN nơi đây có thêm điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy kinh tế chung ở địa phương.

Từ phong trào ĐVTN xung kích tham gia phát triển kinh tế cho thấy tinh thần lập thân lập nghiệp “không ngại thất bại” của tuổi trẻ đang ngày càng lan tỏa sâu rộng. Những mô hình kinh tế của ĐVTN đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

5 năm qua, toàn tỉnh có 292 tổ tiết kiệm và vay vốn với 8.216 hộ ĐVTN vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập với tổng dư nợ trên 120 tỷ đồng; có 502 tổ, CLB hỗ trợ giúp nhau lập nghiệp, sản xuất kinh doanh với 6.870 ĐVTN tham gia

>> K cuối: Thủ lĩnh tiên phong- thanh niên đồng lòng góp sức

  • Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh