Khi teen "bỗng dưng... nổi loạn"

12:08, 18/08/2017

Tuổi teen là giai đoạn không còn con nít nhưng cũng chưa đủ để làm người lớn. Từ cậu con trai, cô con gái bình thường hết sức dễ thương, ngoan ngoãn bỗng nhiên "nổi loạn" khiến cho nhiều bậc phụ huynh và thầy cô giáo không khỏi ngỡ ngàng.

 

Tuổi teen là giai đoạn không còn con nít nhưng cũng chưa đủ để làm người lớn. Từ cậu con trai, cô con gái bình thường hết sức dễ thương, ngoan ngoãn bỗng nhiên “nổi loạn” khiến cho nhiều bậc phụ huynh và thầy cô giáo không khỏi ngỡ ngàng.

Tuổi teen rất cần chỗ dựa tinh thần, cần sự quan tâm và chia sẻ.  Trong ảnh: TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trò chuyện với các bạn trẻ tỉnh nhà.
Tuổi teen rất cần chỗ dựa tinh thần, cần sự quan tâm và chia sẻ. Trong ảnh: TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trò chuyện với các bạn trẻ tỉnh nhà.

Teen... trở chứng

Ngày còn học THCS, Quốc Thắng- học sinh lớp 11 ở xã Trường An (TP Vĩnh Long) được mọi người khen là con ngoan, trò giỏi. Ở lớp Thắng luôn chăm ngoan còn về nhà thì thường hay phụ cha mẹ quét nhà, nấu cơm.

Vậy mà khi lên THCS, Thắng đã thay đổi hẳn. Cậu theo bạn bè tụ tập ăn chơi, thường xuyên đi sớm về trễ, học hành sa sút thấy rõ. Thắng còn kiên quyết nghỉ học, theo bạn bè đi làm xa kiếm tiền. Mọi lời khuyên Thắng đều bỏ ngoài tai.

Cậu học trò này tâm sự với bạn bè rằng: “Từ ngày có thêm em thì cha mẹ ít quan tâm mình hơn, cũng không còn hỏi han chuyện học hành, bè bạn như trước. Với lại mình đã lớn rồi, giờ muốn làm gì mà chẳng được”.

Còn Ngọc Thương- học sinh lớp 9 ở Phường 9 (TP Vĩnh Long) lại luôn có cảm giác bị bỏ rơi, không được quan tâm vì cha mẹ em luôn bận rộn chuyện làm ăn, không có thời gian gần gũi.

Lần đầu tiên thấy “hiện tượng bất thường” của con gái, Thương rất lo lắng, sợ sệt nhưng lại không được người thân an ủi, giải thích. Và kể từ đó, Thương bỗng trở nên sống khép kín mặc dù còn những “thắc mắc mập mờ của tuổi mới lớn” cần được tỏ bày, tâm sự.

Dạo gần đây, Thương gia nhập nhóm bạn “không tốt” và bị cha mẹ ngăn cản, cấm đoán. Có lần, cô nàng còn bị cha mẹ mắng ngay trước mặt bạn vì đi học về trễ mà không cần hỏi nguyên do.

Tự ái và xấu hổ, Thương đã cãi lại mẹ và bỏ nhà “đi bụi” mấy ngày. Thương ấm ức: “Trong mắt của cha mẹ, em là đứa hư hỏng chứ không biết em rất cần được chăm sóc, hỏi han. Nhiều lúc em chỉ muốn đi thật xa”.

Sự “bộc phát” của các “teen” đôi khi khiến cho nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu, thậm chí cảm thấy bất lực.

Tức giận vì cậu con trai liên tục trốn học đi chơi, thậm chí còn mượn tiền bạn chơi games, anh Thanh Phong (Tam Bình) dọa đuổi con ra khỏi nhà, thì nhận được lời thách thức: “Cha đuổi con thì sau này cha ở với ai cho biết”. Nghe xong lời con nói, anh choáng váng: “Tôi không hiểu sao nhiều trẻ bây giờ lại hư hỏng, khó dạy đến thế?”

Nhiều bậc phụ huynh cũng than vãn vì đứa con tuổi teen trở nên ngỗ nghịch, ngang bướng. Chị Hồng Thu (Long Hồ) kể: Con gái mới học lớp 9 mà đua đòi theo bạn bè, thích ăn diện, toàn những mốt te tua, tóc hết vàng, xanh rồi đỏ. Chị la mắng thì con gái lại càng thách thức, không thèm nghe, bỏ vào phòng đóng sầm cửa lại.

Lắng nghe tuổi teen nói

Có rất nhiều nguyên nhân khiến “teen” bỗng nhiên trở chứng. Bởi theo các nhà tâm lý, giai đoạn này còn gọi là dậy thì, thời kỳ phát triển nhanh về mặt thể lực, thay đổi lớn về mặt thần kinh, nội tiết dẫn đến một loạt những biến chuyển về tâm lý, tình cảm.

Chính vì vậy, các em có nhu cầu được chia sẻ, hỗ trợ từ việc xung đột với cha mẹ dẫn tới áp lực tâm lý đến những khúc mắc trong vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, những bất đồng trong quan hệ với bạn bè, thầy cô hay khó khăn trong việc khẳng định bản thân, lựa chọn mục tiêu...

TS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng: Tuổi dậy thì thường có những bất ổn về sinh lý, tâm lý cũng như trong các mối quan hệ xã hội. Đây là giai đoạn khó khăn với những “vấp váp” đầu đời.

Cộng với việc thiếu kỹ năng sống nên chỉ cần những lý do nhỏ nhặt cũng khiến nhiều bạn trẻ rơi vào chiếc hố sâu của sự tuyệt vọng mà không thể tự giải thoát được. Thực tế thời gian qua, có khi một lời phê bình của thầy cô cũng đủ để học sinh lớp 9 nhảy lầu tự tử.

Chỉ vì buồn chán chuyện gia đình, trường lớp, một nhóm học sinh đã cột tay nhau nhảy xuống sông. Và cũng có không ít học sinh đã hành động dại dột khi trượt ĐH... Chính vì vậy, các em rất cần được cha mẹ lắng nghe, thầy cô chỉ bảo.

Rất nhiều bạn ở tuổi “ô mai” đứng trước câu hỏi lớn không hiểu mình là ai và những hiểu biết lệch lạc của các em thường dẫn đến những hành động chệch hướng và dễ rơi vào các cạm bẫy xã hội.

Giống như trường hợp của H.- học sinh lớp 7 ở Long Hồ, từ một học sinh ngoan hiền, H. bị dụ dỗ trở thành con nghiện. Và chuyện học hành dang dở, tương lai mờ mịt là không thể tránh khỏi.

Xã hội hiện đại, các bạn trẻ phát triển sớm hơn, yêu sớm và thoáng hơn, muốn khẳng định bản thân nhiều hơn. Không chỉ thế, các bạn có điều kiện tiếp xúc nhiều với các trang mạng xã hội không lành mạnh...

Đó cũng là nguyên nhân khiến “teen” trở nên lầm đường lạc lối. Vì thế theo chị Phan Hồng Hạnh- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, phụ huynh không nên la mắng, dọa nạt mà phải luôn là người bạn lắng nghe, cảm thông và chia sẻ để giúp con dễ dàng vượt qua khó khăn.

Còn nhà trường, nên có tổ tư vấn tâm lý- nơi các em có thể giãi bày những vướng mắc, áp lực.

Về phía Tỉnh Đoàn cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề có liên quan đến tuổi teen để định hướng những giới hạn cần thiết, dạy các em biết cách tự bảo vệ mình, tránh xa những trang mạng, sách báo không lành mạnh, sống có lý tưởng... như thế, tuổi teen các em mới trôi qua một cách bình yên và đầy kỷ niệm ngọt ngào.

“Teen nổi loạn vì muốn được người khác hiểu mình nhiều hơn. Vì vậy, không nên để “teen” rơi vào tình trạng chơi vơi, hụt hẫng khi “nỗi lòng chẳng biết kể cùng ai” vì khi không được đáp ứng kịp thời các em hay có biểu hiện tiêu cực”- chị Hạnh cho biết.

  • Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh