Chuyện "sống ảo" của giới trẻ

05:06, 10/06/2017

"Sống ảo" trên mạng xã hội là điều không còn xa lạ với giới trẻ ngày nay, với rất nhiều trào lưu từ đăng ảnh, status câu like rồi đến "đủ like là làm", livestream hay "dậy thì thành công"... 

“Sống ảo” trên mạng xã hội là điều không còn xa lạ với giới trẻ ngày nay, với rất nhiều trào lưu từ đăng ảnh, status câu like rồi đến “đủ like là làm”, livestream hay “dậy thì thành công”...

Nhiều bạn trẻ cho rằng: tìm được niềm vui từ những trào lưu đó, thế nhưng nếu mãi đắm chìm vào những giá trị không thực sẽ không tốt thậm chí còn gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Nhiều bạn trẻ thích selfie, nghiện câu like trên mạng xã hội.
Nhiều bạn trẻ thích selfie, nghiện câu like trên mạng xã hội.

“Sống ảo” trong thế giới ảo

Bạn Nguyễn Ngọc Trang- học sinh lớp 12 ở TP Vĩnh Long- cho biết: “Em cũng hay sử dụng các trang mạng xã hội để đọc tin tức, trò chuyện với bạn bè. Mỗi lần vào Facebook, Zalo, thấy nhiều bạn cứ liên tục chia sẻ những hình ảnh ăn mặc hở hang, khoe thân khoe dáng chuẩn, khoe sự giàu có... thì thấy bức xúc lắm, vì trong khi thực tế ngoài đời lại khác xa so với những bức hình trên mạng. Không chỉ vậy có nhiều người còn nghiện selfie “cảnh nóng” với mục đích thu hút người khác vào xem, chia sẻ, bình luận để trở thành trang cá nhân có đông người theo dõi.

Đó là một trong những biểu hiện “sống ảo” và dường như nó đã trở thành “món ăn tinh thần” của giới trẻ ngày nay. Nhiều “tín đồ” cho rằng: thế giới ảo trên mạng xã hội là cánh cửa “vạn năng” khi mở ra có thể cung cấp nhiều thông tin, giao lưu bạn bè hay giải trí.

Chính vì thế mà nhiều bạn trẻ ban đầu chỉ sử dụng với mục đích xả stress, dần dần rồi bị “ghiền” luôn lúc nào chẳng biết. Chị Nguyễn Thị Như Ý nhân viên kinh doanh (xã Phú Quới- Long Hồ) ngày nào cũng lên Facebook để giới thiệu sản phẩm hay trò chuyện với người thân khi ở xa nhà.

Chị cũng thường chia sẻ hình ảnh khi họp, hội thảo hay đi “phượt”. Chị Ý cho rằng: nếu một ngày mà không bước vào “thế giới ảo” ấy chắc buồn lắm.

“Đôi khi sống ảo cũng hay vì sau những giây phút căng thẳng, mỏi mệt cũng cần một góc “ảo” cho mình để giải trí thì cũng chẳng sao”- chị khẳng định thế.

Điều đó sẽ chẳng có gì đáng nói vì có không ít trường hợp chọn “sống ảo” chỉ mong muốn được người khác chú ý, được trở thành “tâm điểm”.

Chỉ cần 5 phút dạo quanh các trang mạng xã hội, là có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người trẻ thích tung hình “tự sướng” bằng camera 360 để câu like, đưa hình thời “trẻ trâu” để “xin tấm vé về tuổi thơ”, hay viết bình luận than thở để chờ comment của cộng đồng mạng.

Thậm chí có nhiều người còn đưa ra những lời thách thức bất chấp nguy hiểm, livestream những nội dung không lành mạnh.

Bạn Trịnh Thị Tú Hoa- sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long dẫn chứng: Cách đây không lâu có tên “N.T. - Việt Nam nói là làm” thách thức đủ 100.000 like sẽ tẩm xăng tự thiêu và nhảy cầu hay đủ 30.000 like sẽ đâm dao vào người.

Gần đây là chuyện hotgirl tự photoshop cảnh thân mật với sao nam để tạo scandal... “Nhiều người trẻ làm những việc rất kệch cỡm rồi phát tán lên mạng. Tôi xem chẳng thấy gì là hay chỉ thấy tội cho họ bị người khác chê cười mà không hề hay biết”- Hoa nói.

Hãy là chính mình

Việc lạm dụng mạng xã hội hay “sống ảo” trong thế giới ấy sẽ gây ra nhiều hệ lụy không lường. Điều dễ thấy nhất là lãng phí thời gian.

Nhiều bạn trẻ cho rằng: một khi đã “ghiền” thế giới ảo thì khó mà tập trung tinh thần để học tập, hay làm việc được “vì tư tưởng lúc nào cũng nghĩ đến việc mở điện thoại để xem có bao nhiêu lượt like, comment ủng hộ hay “ném đá”- bạn Nguyễn Thanh Nhàn- sinh viên ngành xây dựng năm 4 ĐH Cần Thơ thổ lộ.

Chàng sinh viên này cũng cho biết: Chính lý do này khiến cho việc học của em bị sa sút mấy học kỳ. Vì vậy, “em quyết tâm và đã “cai” được mấy tháng nay rồi”.

Đã có rất nhiều trường hợp người trẻ quá coi trọng việc sống ảo nên mọi thứ đăng tải trên trang cá nhân đều được các bạn chỉnh sửa đến mức “không tỳ vết” hoặc cũng có thể xem như đẹp hoàn mỹ.

“Nhiều bạn cứ thản nhiên cho rằng điều đó chẳng ảnh hưởng đến ai, mình thích thì mình làm thôi. Nhưng thật ra dễ dẫn đến hậu quả thiếu tự tin, bi quan, chán nản khi đối diện với cuộc sống thực.

Theo thầy giáo trẻ Thế Phương (xã Trường An- TP Vĩnh Long), chính vì điều đó mà người trẻ dần đánh mất giá trị của bản thân.

Họ cứ nhìn mãi vào cái bóng khổng lồ của mình được thổi phồng trên tường, ảo tưởng về chính giá trị và vị trí của bản thân mà không hay biết mình thật bé nhỏ và chẳng làm được điều gì cho cuộc sống cả. Cũng theo thầy giáo trẻ này thì:

Việc sống ảo của giới trẻ còn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn như đủ like sẽ đánh nhau, tự thiêu, nhảy cầu và có thể dễ dàng bị kẻ xấu xúi giục...

“Người trẻ nên tìm cho mình những sân chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoài xã hội cũng như học cách trực tiếp chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình cho người thân hoặc một ai đó, không nên tìm đến thế giới ảo”- thầy Phương nói.

Sống ảo có thể coi là một căn bệnh khó chữa. Nó gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ.

Vì thế, ngay từ bây giờ người trẻ nên sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, đừng sa đà vào thế giới ảo một cách vô bổ. Hãy dành thời gian cho những việc có ích, sống hòa đồng, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh.

Bạn Lê Hồng Sơn- sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long

Sống ảo là việc sống xa rời thực tế. Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân hay muốn bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế nên sống ảo. Không nên đổ lỗi rằng mạng xã hội đã tạo nên một thế hệ chỉ biết sống ảo, bởi ảo hay thực là do chính các bạn quyết định. Đừng để những giá trị ảo hoàn toàn thay thế và làm chủ cuộc sống thật của bạn.

Bạn Phạm Thị Ngọc Trâm- học sinh Trường THPT Nguyễn Thông

Nhiều lúc mình cũng hay lên Facebok để chia sẻ hình ảnh, “chat” với bạn bè. Mình thấy mạng xã hội sẽ là “con dao hai lưỡi” khi chúng ta không sử dụng đúng mục đích. Người trẻ nên học tập, rèn luyện để trở thành người có ích, khẳng định mình bằng những giá trị đích thực của bản thân chứ đừng chạy theo “giá trị ảo”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh