Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, thế hệ trẻ đã và đang ra sức học tập, lao động để cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Qua đó, có nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu đã luôn nỗ lực vượt lên chính mình, dám nghĩ dám làm, khát khao cống hiến cho xã hội.
Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, thế hệ trẻ đã và đang ra sức học tập, lao động để cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Qua đó, có nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu đã luôn nỗ lực vượt lên chính mình, dám nghĩ dám làm, khát khao cống hiến cho xã hội.
Người truyền lửa đam mê nghiên cứu kỹ thuật cho sinh viên
Thầy Nguyễn Tấn Nó ( thứ ba từ trái sang) luôn mong muốn truyền lửa đam mê học và nghiên cứu kỹ thuật cho sinh viên. |
Chúng tôi gặp thầy Nguyễn Tấn Nó- giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, khi thầy đang ở phòng thực hành Khoa Cơ khí chế tạo máy.
Thầy Nguyễn Văn Tám- Trưởng khoa cho biết: “Ngoài giờ lên lớp, thầy Nó thường có mặt ở phòng thực hành để hướng dẫn cho sinh viên thêm”.
Thầy Nguyễn Tấn Nó cười tươi nói về quyết định của mình về phục vụ quê nhà sau khi tốt nghiệp là chuyện đã tính trước.
Thầy còn nhớ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” lên TP Hồ Chí Minh nhập học với điểm trúng tuyển “nhờ điểm vùng mới đậu”.
Nhưng rồi chương trình học mới, đặt người học làm trung tâm và người thầy có nhiệm vụ khơi nguồn càng làm cho thầy hứng thú. Vậy là năm nào thầy cũng được lãnh học bổng.
Theo thầy, điểm đầu vào tuy khá quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định, bởi nếu được “khơi đúng nguồn” người học sẽ tiếp thu rất tốt.
Ngay trong buổi báo cáo luận văn tốt nghiệp, thầy đã được công ty chuyên cung cấp thiết bị dạy nghề mời làm việc với mức lương khá cao. Nhờ đó, thầy càng hiểu hơn về việc học của sinh viên đồng bằng và quyết định nghỉ việc để “về truyền đam mê nghiên cứu về kỹ thuật cho các em”.
Thầy học cao học ở Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh song song với việc xin làm giảng viên ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh để có thêm kinh nghiệm thực tế.
Thầy chia sẻ: “Tôi có nói dự định tích lũy thêm kiến thức sau đó sẽ về phục vụ đồng bằng cho các thầy nghe, các thầy đều ủng hộ”.
Vậy là, mỗi ngày 90 phút đi về giữa 2 trường ĐH để đảm bảo vừa dạy vừa làm, có những ngày tôi phải đi lại 4 lần”.
Nói là làm, tốt nghiệp thạc sĩ thầy Nguyễn Tấn Nó xin về quê, bỏ mức lương cao hơn, bỏ vị trí là ước mơ của nhiều người. Thầy nói thêm: “Tôi tìm hiểu kỹ lịch sử, điều kiện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và thấy mình thích hợp vì đây cũng là trường kỹ thuật”.
Thầy Nguyễn Tấn Nó luôn đam mê sáng tạo với nghề, nên “có những khi thức suốt đêm vì một mạch điện chưa hoàn thành”.
Và người thầy ấy luôn mong muốn thắp những ngọn lửa đam mê cho học trò của mình vì “chỉ có đam mê mới học và làm tốt được”.
Hơn 2 năm công tác tại trường, thầy Nguyễn Tấn Nó đã hướng dẫn cho 2 sinh viên đạt giải nhì Hội thi tay nghề quốc gia, có thiết bị dạy học đạt giải quốc gia.
Và trong ánh mắt sáng ngời của thầy giáo 29 tuổi, chúng tôi thấy còn đó nhiều công trình trong tương lai mà thầy quyết tâm làm cho
bằng được.
Nữ thủ lĩnh Đoàn năng động, nhiệt huyết
Chị Trần Võ Ngọc Thủy Tiên ( bìa trái) luôn năng nổ, nhiệt huyết và hết lòng với công việc và phong trào Đoàn. |
Hôm gặp chị Trần Võ Ngọc Thủy Tiên- Phó Bí thư Chi đoàn Văn phòng UBND tỉnh, cùng các bạn trẻ đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Liên ở xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long), chị nói: Cán bộ Đoàn phải xông xáo trong mọi hoạt động mới gần gũi và hiểu được đoàn viên (ĐV).
Nữ thủ lĩnh Đoàn cho biết, ngày mới vào cơ quan, chị luôn được các cô chú, anh chị đồng nghiệp chỉ bảo tận tình, chính vì vậy mà chị thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Lên sẵn cho mình thời gian biểu làm việc hàng tháng, hàng năm, những công việc ưu tiên được chị ghi chép vào sổ riêng, nhờ vậy mà lúc nào chị cũng hoàn thành trôi chảy. Chị cho rằng: Công việc nào cũng có yêu cầu riêng, quan trọng là mình phải chủ động, làm việc có kế hoạch.
Trong công tác Đoàn cũng vậy, chị luôn biết cách để dung hòa với công tác chuyên môn. Bên cạnh vận động ĐV hoàn thành công việc, chị còn đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để ĐV tham gia hoạt động Đoàn tự nguyện với tinh thần thoải mái.
Chị khẳng định: Để làm được điều đó, cán bộ Đoàn phải sáng tạo, biết lắng nghe để điều chỉnh phù hợp và “đừng nói những điều mà ĐV đã biết mà hãy có cách làm mới “chạm” vào trái tim họ”.
Đó là, mỗi kỳ họp chị đều chuẩn bị tiết mục trình chiếu slide ý nghĩa hay trò chơi giải đáp ô chữ có quà... để ĐV thêm yêu biển đảo quê hương, nhiệt huyết với các hoạt động vì cộng đồng.
Chị mong muốn đây là dịp để ĐV học hỏi, chia sẻ về quan điểm sống cũng như tham gia các hoạt động tình nguyện chứ không phải “họp theo hình thức, lối mòn”.
Không chỉ vậy, chị còn cùng BCH chi đoàn tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực để ĐV rèn luyện và cống hiến.
Như, tổ chức các buổi rèn luyện kỹ năng xã hội; đảm nhận phần việc thanh niên văn hóa công sở và tiết kiệm như gắn biển hướng dẫn nơi đậu xe trật tự, tiết kiệm điện nước; thăm và chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng…
Hết lòng với phong trào Đoàn, bởi chị Thủy Tiên luôn “khát khao được phát huy sức trẻ, được rèn luyện và học hỏi thêm những kinh nghiệm sống từ chính các hoạt động thực tiễn ấy”.
PGS.TS. Cao Hùng Phi từng giới thiệu: Khi nhận được hồ sơ xin việc của thầy Nguyễn Tấn Nó, tôi đã muốn nhận ngay, vì tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc và là á khoa của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh loại giỏi… |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- CẨM HUỆ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin