Hơn tháng nay, hình thức "live stream" (phát video trực tuyến) gần như "chiếm lĩnh" trên các trang mạng xã hội. Với hình thức này mọi kết nối, giao lưu, buôn bán,…sẽ trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều người còn lợi dụng vào hình thức này để câu "view" hay phục vụ cho những mục đích khác,…
Hơn tháng nay, hình thức “live stream” (phát video trực tuyến) gần như “chiếm lĩnh” trên các trang mạng xã hội. Với hình thức này mọi kết nối, giao lưu, buôn bán,…sẽ trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều người còn lợi dụng vào hình thức này để câu “view” hay phục vụ cho những mục đích khác,…
“Live stream” để kinh doanh đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trên mạng xã hội. |
Trước đây, “live stream” vốn chỉ phổ biến trên youtube, bigo, thì gần đây nó lại trở nên rầm rộ trên facebook.
Với hình thức này người dùng mạng xã hội chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng có kết nối internet, rồi nhấp vào ứng dụng trên màn hình là có thể “live stream” mọi lúc, mọi nơi. Điều hấp dẫn nhất ở ứng dụng này là người “live stream”, người xem, có thể bình luận trực tiếp và nhanh chóng được hồi đáp. Khi kết thúc, video sẽ được lưu trên “dòng thời gian”.
Chính vì sự tiện dụng trên mà trào lưu “live stream” đã được nhiều người sử dụng. Người ta “live stream” với nhiều mục đích khác nhau, thành phần tham gia cũng hết sức đa dạng, người nổi tiếng có, chủ các cửa hàng kinh doanh có, thành phần câu “view” cũng có…
Sự thay đổi rõ nhất, cho thấy sự “lấn sân” của việc “live stream” được thể hiện trên các trang bán hàng online. Thay vì các hình tĩnh kèm giá và thông số, nhiều chủ cửa hàng online đã phát video trực tuyến để bán hàng. Người bán bày sản phẩm, thuyết trình về công dụng hay mặc thử quần áo. Người xem có thể hỏi những gì mình thắc mắc. Thông thường, mỗi trang bán hàng như vậy có tới vài trăm đến vài ngàn lượt xem.
Bạn Huỳnh Trâm (TP. Hồ Chí Minh) cho hay, từ khi bán hàng thông qua video trực tuyến,Trâm bán được nhiều hàng hơn.
“Để bán hàng mình chỉ cần một bạn mặc thử đồ cho khách xem, một chiếc điện thoại thông minh để quay và một máy laptop để cập nhật thông tin. Xem trực tiếp vậy người ta tin tưởng hơn vì được nhìn thấy, nếu thích thì để lại bình luận, thông tin cá nhân. Mình chốt hàng rồi giao thôi”- Trâm vui vẻ nói. Sau mỗi đợt “live stream”, có khi Trâm bán được hơn 100 đơn hàng.
Hay vào trang cá nhân của một số người nổi tiếng, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những đoạn video phát trực tiếp. Thay vì tổ chức “offline”, người nổi tiếng sẽ trò chuyện với “fan” trực tuyến. Em Hồng Thắm- sinh viên Trường ĐH Xây dựng miền Tây phấn khởi: “Em rất thích chú Hoài Linh, nào giờ toàn xem chú trên tivi. Giờ coi chú trên video trực tuyến, được chú gọi tên, nghe chú kể chuyện em thấy rất gần gũi”.
Còn với Hữu Hiệp- sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, “khi rảnh rỗi, em có thể vô một số trang cá nhân của những anh chị khác để xem “live stream” về kỹ thuật photoshop, hay hướng dẫn sử dụng phần mềm cũng rất hữu ích”.
Bên cạnh các lợi ích thiết thực đã được khẳng định, chức năng “live stream” đã bị các đối tượng xấu lợi dụng nhằm phục vụ những mục đích cá nhân.
“Mua đồ mà được xem trực tuyến mình cũng yên tâm. Có điều nhiều người cùng xem rồi cùng mua nên có phần… rắc rối. Nhiều khi chưa kịp xem kỹ là phải quyết ngay chứ không người khác mua mất. Có lần mình đặt mua trực tuyến 2 cái áo, tới khi giao lại đến 3 cái, mình gọi điện bảo nhầm thì bị cự lại”- Thúy Hằng (ngụ Phường 8, TP Vĩnh Long) bức xúc.
Một số bạn trẻ nghĩ ra “lắm chiêu trò” nhằm “câu view” trên các trang mạng xã hội. Bạn Thành Tín (ngụ Phường 9, TP Vĩnh Long) kể về trang facebook của một cô gái tự xưng là “T.N”. Theo lời Tín thì trước khi “live stream” cô gái này thông báo cách đó vài tiếng. Tò mò nên Tín cũng vô xem. Lúc mới đầu Tín nghe có tiếng nhạc rất sôi động, sau đó cô gái gương mặt rất xinh xắn xuất hiện với bộ đồ “khoét đủ chỗ”, nhảy nhót đủ kiểu.
Khi hơn 1.000 lượt xem cô này bắt đầu đọc số thể cào điện thoại cho mọi người nạp, cách 10 phút lại có một thẻ 50.000đ được đọc mã số. Được chừng 2.000 lượt xem cô này lột phăng cái áo, cứ thế lột luôn… váy. “Chưa dừng lại ở đó “T.N” còn bảo đủ 10k em sẽ… lột hết. Sau 45 phút lượt xem vẫn chưa đủ 10k cô này bùi ngùi tắt video và hẹn lại lần sau”- Tín nhớ lại.
Công nghệ phát triển theo thời đại. Có thể khẳng định rằng, bản chất của công nghệ, cũng như những ứng dụng ấy không xấu, nhưng sản phẩm nào cũng có thể có 2 mặt. Sử dụng như thế nào, mục đích gì thì còn tùy thuộc vào mỗi người. Bên cạnh nỗ lực hạn chế tiêu cực từ nhà cung cấp dịch vụ, ý thức của người dùng chính là yếu tố quyết định.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin