Được đào tạo kiến thức bài bản cộng với tinh thần ham học hỏi và chí thú làm ăn, anh Phạm Hoàng Lộc- cử nhân Sinh học (huyện Châu Thành- Hậu Giang) thu về tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cam sành.
Được đào tạo kiến thức bài bản cộng với tinh thần ham học hỏi và chí thú làm ăn, anh Phạm Hoàng Lộc- cử nhân Sinh học (huyện Châu Thành- Hậu Giang) thu về tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cam sành. Rồi một kỹ sư điện từ nghề “tay trái” để cải thiện thu nhập, nay trở thành chủ trang trại mô hình trồng nấm sạch lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Đứng dậy sau thất bại, anh Hữu (trái) thành công với nghề “tay trái” trồng nấm sạch. |
Với sự năng động và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, những chàng trai này đã thành công khi tìm hướng đi hiệu quả cho riêng mình.
Tỷ phú cam sành
Sau khi tốt nghiệp ngành sinh học, Trường ĐH Cần Thơ, Lộc quyết định về quê trồng cam sành. Chỉ sau vài năm làm vườn, Lộc đã trở thành ông chủ vườn cam sành với thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Nghe chuyện làm giàu của chàng trai trẻ này, nhiều người “mắc ham”, nhưng thật ra đó là thành quả của cả quá trình học tập, tìm tòi, lao động vất vả.
Anh cho biết gia đình có 1ha đất trồng cam sành, xen bưởi Năm Roi nhưng “trồng bỏ đó” bán chẳng được bao nhiêu. Có lúc, anh phải theo cha mẹ bán củi kiếm sống.
Việc anh đậu ĐH khiến gia đình rất vui, nghĩ rằng con sẽ thoát khỏi nghề nông chân lấm, tay bùn. Thế nhưng cha mẹ không ngờ chính vì mong ước vực dậy kinh tế gia đình mà anh đã chọn ngành này.
Theo anh, học để trang bị kiến thức cơ bản, có tầm nhìn để tìm ra hướng đi đúng, thích hợp.
Anh kể: Vì muốn thứ sức mình nên đang học năm 2, anh đã “lén” gia đình vay mượn 25 triệu đồng hùn hạp với bạn mua gần 6.000m2 vườn cam lá (cam chưa cho trái) để đầu tư kiếm lời.
Sau một năm cần cù chăm sóc, áp dụng các kỹ thuật bón phân hợp lý, nhóm của Lộc bán lại vườn cam với giá 200 triệu đồng, thu lợi trên 100 triệu đồng. “Cũng từ đó, tôi bắt đầu mê... cây cam sành và quyết tâm làm giàu từ loại cây này”- anh tâm sự.
Sang năm học thứ ba, anh tiếp tục rủ bạn bè cùng nhau hùn tiền mua 15.000m2 cam lá. Năm kế tiếp, vườn cam sành vừa trúng mùa, vừa được giá, cả nhóm thu lời gần 900 triệu đồng.
Từ những thành công đó, năm 2011 tốt nghiệp ra trường, anh quyết định trở về quê hương và kiên định với nghề trồng cam.
Từ số vốn tích lũy được thời sinh viên, anh mạnh dạn vay thêm tiền để cải tạo 1ha đất nhà và thuê thêm 1ha đất trồng cam sành.
Ngoài việc tìm mua cây giống tốt, anh còn áp dụng kinh nghiệm từ thực tế trước đây vào vườn cam của mình. Với kỹ thuật vững chắc, vườn cam anh Lộc luôn xanh tốt, trái sai oằn nhánh.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam trĩu quả, Lộc cho biết: Kỹ thuật trồng cam sành cũng không đơn giản, phải chú ý phòng ngừa nhiễm bệnh.
Mật độ trồng vừa phải, bón phân, tưới nước nghiêm ngặt thì vườn cam mới sai trái. Thông thường, trồng khoảng 4 năm cây bị hư nhưng nếu chăm sóc kỹ, đúng kỹ thuật có thể “ăn” tới hơn 10 năm.
Và “để có được kỹ thuật trồng cam như hiện nay, tôi không nhớ mình đã đọc qua bao nhiêu tài liệu về khí hậu, đất đai, chọn giống, các loại sâu bệnh”- anh cho biết thêm.
Có thất bại mới thành công
Chủ nhân trại nấm sạch Châu Trọng Hữu chia sẻ như thế khi dẫn chúng tôi tham quan mô hình kinh tế của mình.
Trại nấm sạch nằm trên đường Võ Văn Kiệt (phường Bình Thủy- TP Cần Thơ), dù quy mô chưa lớn song lại là điểm đến tham quan, học hỏi hiệu quả. Anh cho biết, đây là trại nấm thứ 3 được anh thuê mấy tháng nay.
Hiện tại, các trại nấm đều ra đẹp và bắt mắt. “Để được như vậy, tôi phải nhiều lần trắng tay”- anh Hữu nói.
Theo anh, trồng nấm chỉ là nghề “tay trái”. Bởi vì hiện tại anh đang làm kỹ sư thi công điện dân dụng công nghiệp. Anh kể: dù là dân kỹ thuật nhưng anh rất “mê” nấm.
Trước khi bắt đầu nghề này anh đã tự tìm hiểu về kỹ thuật và thuê căn phòng nhỏ trồng thử nghiệm nấm bào ngư, linh chi. Thử nghiệm thành công, anh mới rủ người bạn cùng thời ĐH thuê 400m2 cùng làm nấm sạch để kiếm thêm thu nhập.
Thế nhưng làm chơi thì dễ nhưng làm thiệt lại khó. Thuận lợi thì ít mà khó khăn chồng chất. Không biết sao nấm lúc đó ra ít, năng suất không cao, bệnh tật nhiều. Anh nói: “2 vụ đầu tụi tôi thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.
“Thất bại thì phải gầy dựng vươn lên chứ tôi không bỏ cuộc”- anh khẳng định như thế khi chúng tôi hỏi khi thất bại anh có nản không. Rồi anh lên Đồng Nai tham quan, học hỏi cách người dân trồng nấm hiệu quả.
“Tuy nhiên, người ta rất ngại dạy bí quyết cho mình, nên phần lớn là mình phải tự học trên mạng, sách vở”- anh Hữu nói.
Và anh rút ra kinh nghiệm: nấm rất dễ bị mốc chính vì thế tất cả phải được khử trùng. Muốn nấm lên đều, đẹp mắt thì giống phải đảm bảo chất lượng, phải đảm bảo độ ẩm nhưng không được tưới nước trực tiếp lên phôi nấm...
Và thế là những vụ kế tiếp, nấm với số lượng lớn đã được tung ra thị trường. Hiện tại, kết quả kinh doanh ngày càng tốt, sản phẩm làm ra không đủ để bán.
Với giá hiện nay, nấm bào ngư 30.000 đ/kg, linh chi 800.000 đ/kg, mỗi năm anh thu nhập trên 1 tỷ đồng. Trừ chi phí, anh bỏ túi trên 400 triệu đồng/năm.
Hiện tại, ngoài bán nấm thương phẩm, anh Hữu còn làm rượu nấm, kiểng nấm từ nấm linh chi.
Bởi “làm nông nghiệp ở thành phố đòi hỏi mình phải nghiên cứu để phát triển mô hình không cần nhiều đất đai nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao”. “Thanh niên muốn khởi nghiệp đừng sợ thất bại. Vì nó là bài học quý dẫn đến thành công”- anh chia sẻ.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho 30 hộ dân làm nấm. Bởi anh mong muốn “cùng người dân góp sức xây dựng địa phương”.
Qua những câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên miền Tây đã thể hiện bản lĩnh, nghị lực và khẳng định ý thức sống có trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Họ đã và đang tiếp thêm động lực, niềm tin, hun đúc khát vọng khởi nghiệp chính đáng của thanh niên.
Ông Lương Văn Tự- nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN cho rằng: “Đất nước ta văn minh và giàu mạnh hay không là dựa vào phần lớn đóng góp của thanh niên. Thanh niên phải không ngại khó, không chấp nhận thất bại mà phải kiên trì, sáng tạo và biến ý tưởng thành hiện thực để vươn lên làm giàu cho bản thân và quê hương”. |
Bài, ảnh: Cẩm Huệ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin