Người trẻ: Nhìn về lịch sử để sống tốt

08:08, 12/08/2016

Chiến tranh đã đi qua nhưng những mất mát đau thương dường như vẫn còn hằn sâu trong ký ức của người ở lại. Chúng tôi may mắn được đi, được gặp gỡ nhiều "nhân chứng sống lịch sử". 

Chiến tranh đã đi qua nhưng những mất mát đau thương dường như vẫn còn hằn sâu trong ký ức của người ở lại. Chúng tôi may mắn được đi, được gặp gỡ nhiều “nhân chứng sống lịch sử”.
 
Được nghe về những năm tháng chiến tranh gian khổ, những tấm gương “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, càng thêm tự hào, trân quý những gì mà cha ông đã dày công gìn giữ.

 

Thăm và tặng quà gia đình có công cách mạng để thế hệ trẻ thêm yêu đất nước.
Thăm và tặng quà gia đình có công cách mạng để thế hệ trẻ thêm yêu đất nước.

Thế hệ trẻ hôm nay may mắn sống trong hòa bình. Dù không tận mắt chứng kiến những đau thương, tang tóc trong chiến tranh, nhưng chúng tôi hiểu rằng cái giá của cuộc sống hòa bình hôm nay là biết bao lớp người ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất lạnh.

Có lẽ không mất mát nào có thể sánh được nỗi đau của những người mẹ lần lượt tiễn chồng, con ra đi và không bao giờ trở lại.

Tôi vẫn nhớ như in nét mặt đượm buồn của bà Nguyễn Thị Chưởng (xã Bình Phước- Mang Thít) khi nhắc đến đứa con ra đi vĩnh viễn chẳng về với mẹ.

Hôm tôi tháp tùng theo Đoàn Thanh niên đến thăm bà, qua lời kể của ông Ngô Hùng Nhân- Bí thư Đảng ủy xã- chúng tôi mới biết bà sống một mình mặc dù đã ngoài 90 tuổi.

Con trai lớn của bà là Mai Văn Ký- cán bộ Đoàn khi đi tập huấn bị giặc bắn chết. Các con khác thì vì khó khăn phải đi xa mưu sinh.

Trong căn nhà hiu quạnh, bà kể lại: Ngày ấy khi hay tin con mất, dẫu rất đau nhưng bà vẫn cố gạt nước mắt vì “con mình đi làm nhiệm vụ hy sinh mà”.

Nói thì nói vậy nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi nhớ con chưa bao giờ nguôi trong lòng bà dẫu thời gian đã đi qua mấy chục năm trời.

Bởi khi trò chuyện, bà hay ngước nhìn di ảnh trên bàn thờ và nhắc tên anh Ký như thể anh còn đâu đó vậy.

Đất nước lâm nguy, mẹ trở thành người lính, bao chuyến đò mẹ đưa bộ đội sang sông, bao đêm ròng mẹ thức đủ năm canh đào hầm nuôi giấu cán bộ...

Thật giản dị mà kiên cường khi mẹ cũng nghĩ rằng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Móm mém nhai trầu bà Mai Hồng Vân (má Vân) ở xã Tân Hội (TP Vĩnh Long) kể cho chúng tôi nghe về cái thời lửa đạn.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, nên mới 13 tuổi má đã tham gia cách mạng và làm giao liên.

Cô bé giao liên biết bao lần đưa đón, dẫn đường cho cán bộ đi làm nhiệm vụ “trót lọt” bằng sự dũng cảm, mưu trí và gan dạ. Chỉ duy nhất lần chở đồng chí Trịnh Văn Lâu (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long) đi họp thì bị địch phát hiện và bắt giữ.

“Mặc dù bị tra tấn dã man, trấn nước, nhốt vào khám tối nhưng má thà chết chứ không khai. Vì má không thể phản bội các cô chú, đồng đội và quê hương mình được”.

Nghe đến đây thôi, cả nhóm thanh niên chúng tôi đều không giấu được xúc động. Ôi! Tấm lòng của má đối với Đảng và cách mạng thật sắc son. Sống dưới mưa bom, lửa đạn quân thù, má vẫn hiên ngang, bền dạ...

Sau những lần thăm Mẹ Việt Nam anh hùng hay gia đình có công cách mạng, chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà các bạn trẻ đều có chung niềm xúc động và trỗi dậy tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.

Thật khâm phục biết bao thế hệ cha anh đã hiến dâng cả máu xương cho đất nước hòa bình, bao người mẹ “thà mất con chứ không chịu mất nước”...

Thế hệ trẻ chúng ta- những người đang hưởng hạnh phúc trong hòa bình, đừng bao giờ quên lãng quá khứ thiêng liêng và oanh liệt! Hãy thắp sáng ngọn lửa truyền thống, cố gắng làm những việc tốt hơn, sống tốt hơn!

Hay chỉ đơn giản là học tập, lao động tốt, biết trân trọng lịch sử và tin vào tương lai đất nước... Mỗi người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh