Bạn Nguyễn Nhật Minh- sinh viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh kể đã không ít lần trông thấy bọn móc túi đang hành nghề "hai ngón" trên xe buýt nhưng không dám lên tiếng...
Bạn Nguyễn Nhật Minh- sinh viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh kể đã không ít lần trông thấy bọn móc túi đang hành nghề “hai ngón” trên xe buýt nhưng không dám lên tiếng... Bởi vì sợ “rước họa vào thân” nên Minh xem như “không nghe, không thấy, không biết”... Đó là trường hợp điển hình của căn bệnh vô cảm ở giới trẻ hiện nay.
Bạn trẻ nói không với bệnh vô cảm bằng việc sống có trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. |
Thờ ơ trước sự việc xung quanh
Anh Nguyễn Chí Thiện (TP Vĩnh Long) vẫn còn ấn tượng về cô gái ngồi cạnh mình trong chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long. Làm sao quên được cô gái vẻ bề ngoài sang trọng nhưng lại “kém duyên”.
Bởi cô ấy đem câu chuyện một người bạn đi làm thêm bị tai nạn giao thông kể lể và bàn tán. Không cảm thông, thương xót với hoàn cảnh éo le của bạn mình, cô ấy còn chì chiết anh bạn nọ đi đứng không thèm nhìn trước ngó sau, giờ nằm đấy chỉ khổ cha khổ mẹ, sao không chết đi cho rảnh nợ.
“Giá như cô gái ấy biết chia sẻ, động viên bạn mình vượt qua khó khăn thì hay biết mấy. Đằng này... thật vô tâm quá!”- anh Thiện ngao ngán nói.
Cô Nguyễn Thị Thùy- giáo viên một trường THCS- cho biết chị thực sự thấy bức xúc trước thái độ vô cảm của một số học sinh hiện nay.
Chị kể: Cách đây không lâu, trên đường đi dạy về, chị tận mắt chứng kiến cảnh học sinh đang xúm vào đôi co, đánh một bạn nữ. Nhiều em tụ tập lại xem rất đông nhưng trong số đó không có ai đứng ra can ngăn. Thậm chí có mấy em còn giơ điện thoại quay phim, chụp ảnh.
Giận quá, chị ghé lại lớn tiếng la các em dừng lại. “Hỏi ra mới biết vì một chút hiểu lầm mà em ấy bị mấy bạn cùng trường chặn đánh. Điều làm một giáo viên như tôi thực sự trăn trở là sự vô cảm của những học sinh đang chứng kiến sự việc đó. Tại sao các em lại làm ngơ trước việc không hay như vậy”- cô Thùy cho hay.
Còn chị Trần Thị Chính (TP Vĩnh Long) cho rằng đã không ít lần bắt gặp thái độ dửng dưng hay “làm mặt lạnh” của người trẻ. “Có khi gặp thanh niên không nhường chỗ cho cụ già trên xe buýt. Hay lúc khác gặp học sinh lớn thấy một em nhỏ té ngã mà không đưa tay nâng đỡ.
Thậm chí đường bị ách tắc mà nhiều người cứ cố tình luồn lách, không biết nhường nhau, vi phạm luật lệ giao thông... Thái độ ấy rất đáng phê phán và lên án”- chị dẫn chứng.
Không chỉ vậy, chị còn cho rằng càng ngày càng nhiều những hình ảnh vô cảm của giới trẻ. Tình trạng học sinh bị đánh hội đồng vẫn hay phổ biến, con cái thiếu lễ phép “nói chuyện tay đôi” với cha mẹ, thậm chí tình hình trẻ hóa tội phạm trong xã hội ngày càng nhiều… “Đây là vấn đề cần được quan tâm”- chị nói.
Học cách yêu thương
Làm gì để chữa trị “bệnh vô cảm”? Nhiều bạn trẻ cho rằng: trước hết phụ thuộc vào chính nhận thức mỗi cá nhân. Hãy sống có lý tưởng, mục đích đúng đắn và hãy luôn nhớ rằng mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình đều phải xuất phát từ lòng nhân ái.
Hãy làm giàu tâm hồn bằng cách tích cực tham gia vào những phong trào, những hoạt động mang ý nghĩa xã hội rộng lớn… “Chỉ cần có một tâm hồn cởi mở và một trái tim nhân hậu, biết thương người như thể thương thân là bạn sẽ chữa dứt được “bệnh ung thư tâm hồn” đáng phê phán ấy.
Chúng ta hãy sống theo quan điểm mình vì mọi người, mọi người vì mình”- bạn Phạm Ngọc Như Quỳnh- sinh viên ĐH Cần Thơ chia sẻ.
Thực tế cho thấy bên cạnh số ít những thanh niên được cho là vô cảm nhưng vẫn có rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng xả thân mình để cứu người khác khi gặp nạn, sẵn sàng chịu cực khổ về vùng sâu vùng cao để dạy chữ cho học sinh nghèo.
Điển hình như anh Trần Đình Duy (TP Vĩnh Long) dũng cảm cứu 2 nạn nhân chìm tàu thoát chết, bạn Trần Khánh Duy (Quảng Nam) quên mình cứu bạn khi đuối nước.
Hay gần đây nhất là gương sáng của bác sĩ Trần Hoàng Minh- Bệnh viện quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã từ bỏ giàu sang ở đất Mỹ về khám bệnh tại quê nhà, đóng góp cho quê hương...
Anh Trần Văn Thanh (Trà Ôn) cho rằng có rất nhiều những việc bạn có thể làm, nếu bạn có lòng. Hãy thử nghĩ xem, cụ già trên đường kia sẽ có thể qua đường an toàn nếu như bạn nhín chút thời gian dừng xe lại và dìu cụ qua.
Em bé sẽ không lạc giữa chợ nếu bạn chịu bỏ chút ít thời gian đưa em đến trụ sở công an giúp tìm mẹ... “Những đóng góp của bạn đôi khi rất nhỏ nhặt, nhưng quan trọng hơn hết đó là tình thương, là sự quan tâm chia sẻ, là cả một tấm lòng.
Hãy làm những gì có thể để giúp cho nỗi đau của bao người được vơi đi. Sự trao đi yêu thương đôi khi cũng là điều mang lại hạnh phúc”- anh chia sẻ.
Theo thầy giáo trẻ Thế Phương, để góp phần “đẩy lùi” căn bệnh này, cần phải có sự chung tay từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Anh cho rằng: Người lớn phải sống có trách nhiệm, quan tâm tới nhau, có hành vi ứng xử đẹp để giới trẻ noi theo.
Bên cạnh, nhà trường nên trang bị cho thanh thiếu niên kỹ năng sống, biết giúp đỡ mọi người, khơi dậy tinh thần nhân ái và tinh thần đấu tranh trước cái xấu. Xã hội phải tôn vinh và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Có thể thấy rằng, bệnh vô cảm đã len lỏi làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của không ít bạn trẻ. Nói không với bệnh vô cảm, bạn trẻ nên quan tâm, giúp đỡ bạn bè và chia sẻ những gì mình có thể cho những cuộc đời bất hạnh xung quanh.
Hãy cùng nhau làm một việc gì đó dù rất nhỏ để khơi dậy dòng sông tình nghĩa nhân ái truyền thống của dân tộc để cho nó ngày càng tuôn chảy long lanh và tỏa sáng, bạn nhé!
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin