Có một lần sếp tôi hỏi: "Nếu em thấy một người Việt Nam và một người nước ngoài đi cạnh nhau, cả hai đều mặc đồ vest sang trọng thì em sẽ nghĩ ai là sếp, ai là nhân viên?"
Có một lần sếp tôi hỏi: “Nếu em thấy một người Việt Nam và một người nước ngoài đi cạnh nhau, cả hai đều mặc đồ vest sang trọng thì em sẽ nghĩ ai là sếp, ai là nhân viên?”
Câu trả lời bật lên tức khắc trong đầu tôi đó là: “Chắc chắn là người nước ngoài rồi!” Nhưng, không kịp để miệng lên tiếng, có điều gì đó đã khựng lại trong đầu tôi lúc ấy, khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế hiện tại.
Từ đâu mà những suy nghĩ Việt Nam luôn đứng hàng thứ so với các nước khác đã trở thành tiềm thức như vậy? Tại sao cùng một mặt hàng nhưng miễn là hàng ngoại thì lại luôn được ưa chuộng, tin tưởng hơn hàng nội địa, mặc dù giá thành hàng ngoại luôn mắc hơn?
Những câu hỏi ấy cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi, trong những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ, nhiệt huyết nhất và cũng đau đáu, trăn trở nhiều nỗi hoài nghi, mơ hồ nhất.
Trong con mắt của một người trẻ tuổi, tôi có dịp quan sát và suy ngẫm về nhiều thói quen của giới trẻ hiện nay. Khi những con số 178.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp mỗi năm (và ngày một tăng) vẫn thường trực trên mặt báo.
Hay mới đây, thống kê số tiền để chi cho việc uống bia lên tới 63 ngàn tỷ đồng, trong khi đầu tư mua sách chỉ hơn khoảng 2 ngàn tỷ đồng. Không khó để xác thực con số đó khi cứ mỗi độ tối về thì những con phố ăn uống, nhà hàng lại tấp nập “nam thanh nữ tú” và những tiếng cụng ly 1… 2… 3 dô… dô.
Tiếp nữa, cuối năm 2015, Google- công cụ tìm kiếm web lớn nhất thế giới đã công bố danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở các quốc gia.
Và, các phương tiện truyền thông đã lấy kết quả đó để so sánh thực trạng giữa nước Việt Nam ta và quốc đảo Singapore. Kết quả thế nào? Người Singapore chủ yếu quan tâm đến chính trị, xã hội, thể thao và công nghệ.
Còn người Việt Nam, hơn một nửa là những bài nhạc thị trường của giới trẻ, tiếp theo là những thông tin giải trí và văn nghệ…
Với tất cả những thông tin trên thì thật dễ khiến con người ta bi quan về một thế hệ chủ nhân tương lai của mảnh đất hình chữ S này.
Thế nhưng, bạn tôi ơi, hãy nhìn vào bàn tay của mình, và lật lên lật xuống thử xem, có phải luôn có hai mặt trắng và đen không? Và cuộc đời này vẫn luôn thế mà thôi.
Có người tốt thì cũng có kẻ xấu. Và, cái mà bạn được nghe- nhìn- đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày, một viễn cảnh bức tranh xám xịt, chẳng qua, đó là vì người ta thích nghe những thứ tiêu cực như tin sốc, giật gân,…
Vẫn còn đó, biết bao những tấm gương anh tài đang ngày đêm chong đèn sách vở, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng để mai này ra sức cống hiến cho đất nước. Tôi may mắn quen được một “bộ lạc”- nơi tập hợp những con người luôn có khát vọng vươn lên trong cuộc sống này.
Có anh, tuy mới là sinh viên năm 3 đã có thể vừa học vừa làm để kiếm cho mình hơn 15 triệu đồng/tháng, và nay ở độ tuổi 25, anh đã có trong tay một công ty với định hướng giúp người trẻ phát triển tốt hơn.
Có chị, chưa tốt nghiệp ra trường đã làm quản lý một công ty về thời trang. Có anh, từ bỏ tấm bằng đại học của mình để theo đuổi ước mơ trở thành một chuyên gia về yoga- sức khỏe và bước đi đầu tiên của anh là đi dạy bơi để kiếm sống qua ngày, nuôi dưỡng ý chí; đến nay, anh đã đạt được tâm nguyện tầm sư học đạo ở Trung Quốc để đem kiến thức về chia sẻ cho những học viên của mình…
Và còn rất nhiều những tấm gương khác mà tôi may mắn biết được. Tất cả họ, tuy xuất phát điểm có khác nhau nhưng đều có “vốn liếng” chung, đó là: ý chí, khát vọng và nghị lực để vươn lên, sống tốt, sống đẹp mỗi ngày để từ đó, tạo nên sự khác biệt với số đông còn lại.
Có một câu nói đùa thế này: “5% người giàu nhất thế giới nắm giữ 95% tài sản của nhân loại.
Vậy, muốn thành công thì hãy đi ngược lại với số đông. Thấy họ làm gì, chỉ cần làm ngược lại là thành công”. Nghe thật giống đùa nhưng với những gì trải nghiệm hiện tại của tôi, thì đấy có thể là một ý kiến không tồi, thậm chí là hay ho.
Thế hệ học sinh- sinh viên nước ta hiện nay được nhà trường trang bị quá nhiều kiến thức nhưng phần lớn trong số đó lại không hữu dụng cho làm việc kể cả trong, ngoài nhà nước, thành ra lãng phí cả về nhân lực lẫn tài lực của đất nước.
Bên cạnh đó, giới trẻ dễ bị ru ngủ bởi những ảo tưởng của tấm bằng đại học, mà bỏ quên những kiến thức, kỹ năng thực tế từ đời sống xã hội và môi trường làm việc.
Lại một lần nữa, tôi tự nhận thấy bản thân mình quá may mắn khi được tiếp xúc và học hỏi bao điều hay, lẽ phải từ thực tiễn. Để qua đó, tôi có được cái nhìn về cuộc đời, về xã hội có phần khác đi so với phần lớn còn lại.
Tôi nhận thức được chính mình, hiểu rõ mình đang mong muốn điều gì, điểm mạnh- điểm yếu là chi để từ đó trui rèn về đạo đức, nhân phẩm rồi tới những kỹ năng thực thụ hữu ích mà không nhiều trường đại học chú trọng giảng dạy.
Tất cả làm hành trang cho sự nghiệp sau này và phục vụ cho giấc mơ đóng góp cho nền giáo dục nước nhà của tôi.
Tự hào là một người con của đất nước Việt Nam, tôi hiểu ngay lúc này đây, tại thời đại hội nhập quốc tế và phát triển, Tổ quốc ta đang rất cần những con người có tài, có đức để có thể đảm nhiệm trọng trách quan trọng ấy.
Bởi thế, từng ngày từng giờ, tôi đều cố gắng nỗ lực làm tốt những gì có thể, để góp một phần vào sức mạnh thời đại ấy.
Bắt đầu từ tiếng Anh, tôi đã đang hỗ trợ rất nhiều bạn trẻ có thể học tiếng Anh trong niềm vui, thú vị và đam mê chứ không hề khô cứng như lối dạy truyền thống.
Bởi, tôi nghĩ rằng, chính tiếng Anh mới là chìa khóa để mở ra cánh cửa tri thức của nhân loại đến nước nhà. Chỉ cần dân tộc ta, nhân dân ta thành thạo ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới này, thì Việt Nam ta đã trở nên rất khác, ở một vị thế cao hơn rất nhiều lần so với hiện tại.
Với những cam kết, thỏa thuận trong “sân chơi” mới lạ lần đầu đất nước phải thực thi (như TPP, AEC…), tôi mong có thật nhiều điều kiện cho những người con quê hương có chí hướng có thể đóng góp, phát triển một cách toàn diện nhất.
Bên cạnh đó, tôi cũng xin gửi đến các bạn trẻ Việt Nam, thời thế tạo anh hùng đang vẫy gọi, từ sâu trong trái tim của mỗi người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đang thổn thức để có thể cùng nắm tay nhau, chắp cánh cho sự phát triển hiện đại và bền vững, cả về thể xác lẫn tâm hồn của thanh niên một quốc gia hùng cường và tươi đẹp.
Tôi- người con của đất nước Việt Nam.
PHẠM HOÀNG NGUYÊN
(Sinh viên ĐH Bách khoa, TP Hồ Chí Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin