Bạn trẻ- xếp hàng đi nhé!

08:04, 22/04/2016

Đôi khi bạn không xếp hàng khi sử dụng thang máy, mua vé tàu, xe hay thanh toán tiền khi đi siêu thị? Lúc ấy bạn có bao giờ nghĩ đến người xung quanh sẽ nhìn mình với thái độ như thế nào không?

Đôi khi bạn không xếp hàng khi sử dụng thang máy, mua vé tàu, xe hay thanh toán tiền khi đi siêu thị? Lúc ấy bạn có bao giờ nghĩ đến người xung quanh sẽ nhìn mình với thái độ như thế nào không?

Nhiều bạn cho rằng chỉ là những chuyện nhỏ nhặt không đáng quan tâm, thế nhưng điều đó lại khiến bạn bị “mất điểm”, thậm chí gây bức xúc cho người khác.

Là thế hệ hiện đại, văn minh, bạn trẻ nên tập cho mình thói quen xếp hàng mọi lúc, mọi nơi (ảnh minh họa).
Là thế hệ hiện đại, văn minh, bạn trẻ nên tập cho mình thói quen xếp hàng mọi lúc, mọi nơi (ảnh minh họa).

Lãng quên chuyện xếp hàng

Ngay từ nhỏ khi bước chân đến trường, các bạn trẻ đã được thầy cô dạy cho thói quen xếp hàng trước khi vào lớp học.

Hình ảnh học sinh đứng thành từng hàng ngay ngắn, người sau đi theo người trước vào lớp rất đẹp mắt. Thế nhưng, có không ít bạn trẻ lại “bỏ quên” thói quen ấy. Không khó để bắt gặp cảnh chen lấn ở các bến xe, bến tàu hay sử dụng các dịch vụ công cộng...

Chị Mộng Thu (Tam Bình) kể, dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương chị cùng bạn ở TP Hồ Chí Minh về quê chơi. Để kịp giờ khởi hành, chị đã gọi điện đặt vé trước.

Đến trạm xe, chị phải đứng đợi lấy vé thế mà có nhiều nam, nữ thanh niên đến sau không theo thứ tự vẫn chen vào mua trước. “Thật tình tôi thấy bực lắm, không hiểu sao người trẻ ăn mặc lịch sự mà sao vô ý quá. Đến trễ thì phải xếp hàng chờ tới lượt mình chứ sao chen ngang như vậy”- chị Thu nói.

Bạn Ngọc Diệu (TP Vĩnh Long) thì cho biết: Không thể phủ nhận bên cạnh một số bạn có ý thức, ứng xử văn hóa thì vẫn còn một số người trẻ ý thức rất kém.

Dạo trước đi Khu du lịch Vinh Sang, đến phòng mua vé tôi chợt bắt gặp ánh mắt “ngỡ ngàng” của đôi vợ chồng nước ngoài nhìn nhóm học sinh chen nhau mua vé đến nỗi tôi thấy “ngại làm sao”. Trong khi vợ chồng họ đứng đợi đến lượt mình, thì người trẻ lại hành động không đẹp như vậy.

Không ít bạn trẻ cho rằng việc kiên nhẫn bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để xếp hàng thật quá khó trong khi bận bịu với công việc. Do vậy, các bạn không ngại vượt lên để được “đi sau về trước” khi sử dụng thang máy hay thanh toán tiền trong siêu thị. “Ai cũng suốt ruột và cảm thấy khó chịu khi phải chờ đợi.

Bởi vậy, nếu có đám đông mình thường tìm cách vượt qua để về đích trước”- chị T.H.- công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú lý giải. Chị thản nhiên kể đôi lúc rút tiền tại trạm ATM chị cũng hay chen ngang người khác, bởi theo chị, không chen cũng có người khác chen vào. Vả lại, lâu lâu mới làm vậy thì có ảnh hưởng chi đâu?

Cũng có khi, cứ đứng chờ đợi trong khi người khác chen lấn, xô đẩy còn bị cho là “dở hơi”. Vào những dịp khuyến mãi mua sắm, tặng quà miễn phí mà đứng đợi người trước kẻ sau chắc gì mình còn được hưởng ưu đãi.

“Người khác không chịu đi theo ngay hàng thẳng lối thì mình cũng vậy. Đợi đến lượt mình thì chắc không còn gì để mua quá”- bạn Diễm N. (TP Vĩnh Long) nói.

Hãy ứng xử văn minh!

Theo thầy giáo trẻ Quang Minh, chuyện xếp hàng không khó nếu như mọi người ý thức được đây là hành vi lịch sự, có văn hóa. Thầy dẫn chứng: Ở nhiều nước trên thế giới, người ta có thể xếp hàng chỉ để nhận một phần quà, một suất ăn...

Điển hình như nước Nhật, sau khi xảy ra thảm họa động đất, người dân- kể cả trẻ nhỏ- vẫn đứng ngay hàng thẳng lối để chờ cứu trợ. Hành động ấy thật đáng khâm phục và học hỏi.

“Tôi nghĩ mọi người phải tự giác xếp hàng mọi lúc, mọi nơi hay khi làm bất cứ việc gì. Từ đó dần dần sẽ tạo thành thói quen tốt”- anh góp ý.

Đến Trung tâm học liệu ĐH Cần Thơ vào tầm 7 giờ sáng, các bạn sẽ dễ dàng nhận thấy khá đông sinh viên đứng theo hàng chờ giờ mở cửa. Người đến sau thấy người đến trước xếp hàng ngăn nắp thì cũng tự giác mà không cần nhắc nhở.

Bạn Thanh Thủy- sinh viên năm cuối- chia sẻ từ khi vào đây lần đầu tiên đã thấy các anh chị sinh viên xếp hàng rồi. “Em nghĩ nếu như ở nơi công cộng hay bất cứ nơi đâu mà ai cũng tự giác như vậy thì xã hội sẽ trật tự và văn minh”- Thủy nói.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thanh Tuấn- sinh viên ngành điện tử cũng cho rằng, việc xếp hàng là một nét đẹp, thể hiện “tầm” văn hóa của những người trẻ tuổi.

Nó còn thể hiện sự công bằng trong cách ứng xử với nhau, đơn giản là ai đến trước đi trước, ai đến sau đi sau. Tuấn nói: “Điều mình hy vọng nhất là: dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có đông người đang chờ đợi chung một thứ mà mọi người lại tự giác xếp hàng. Được như thế thì hay quá”.

Xếp hàng- chuyện nhỏ nhưng lại không nhỏ chút nào, bởi nó thể hiện lối sống văn minh, văn hóa của cộng đồng. Khi đất nước ngày càng phát triển và hội nhập thì chuyện xếp hàng càng phải được ý thức thực hiện. Là thế hệ tương lai của đất nước, các bạn trẻ phải tự hình thành cho mình thói quen xếp hàng dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào, bạn nhé!

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh