Trà đá, hát rong... kiếm 30 triệu/tháng: Người trẻ chọn vỉa hè

10:03, 20/03/2016

Ngày càng có nhiều người trẻ "tràn" ra đường, chọn hình thức kinh doanh vỉa hè thay vì các công việc ổn định như trước kia.

Ngày càng có nhiều người trẻ "tràn" ra đường, chọn hình thức kinh doanh vỉa hè thay vì các công việc ổn định như trước kia.

Trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp các hình ảnh nhiều người trẻ lựa chọn các công việc như bán trà đá, bán xôi, xe ôm, hát rong,…thay vì các làm hành chính, mang tính ổn định. Có nhiều nguyên nhân khiến họ tìm đến và muốn gắn bó với các công việc tưởng chừng như chỉ các bậc trung niên, người già lựa chọn, trong đó có mức thu nhập béo bở khiến nhiều người phải ghen tỵ.

Ảo thuật thất thu cũng được 30 triệu/tháng

Anh Ngô Quyết cũng từng tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng, nhưng lại sinh ra tại làng giầu lên từ bán xôi dạo (Hoàng Xá, Phú Thọ) nên anh đã nhận thấy tiềm năng của nghề thổi xôi truyền thống, anh quyết định chọn một góc tại đường làng Mễ Trì bán đồ ăn sáng.

Bán đồ ăn, trà đá, hát rong,... là các công việc được nhiều người trẻ tuổi lựa chọn. Ảnh internet
Bán đồ ăn, trà đá, hát rong,... là các công việc được nhiều người trẻ tuổi lựa chọn. Ảnh internet

Đều như vắt chanh, chỉ bán từ 6h - 9h30 sáng hàng ngày 1 thúng xôi to (khoảng 30kg) của anh đa phần hết sạch. "Cũng có nhiều người ở độ tuổi như mình sẽ cảm thấy ngại ngùng khi sức dài vai rộng lại đi bán xôi, nhưng mình thì không thấy có vấn đề gì, miễn sao kiếm được khoản kha khá mà không phải lo vào tù là được".

Nhiều người đưa ra mức dự đoán khoản thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh Quyết chỉ cười trừ: "Làm như tôi đã ăn thua gì, phải hỏi anh Lâm "Ảo" kia kìa. Chuyên hát rong, rồi vào các nhà hàng bình dân làm ảo thuật. Mỗi cái mẹo con con ảo thuật, rồi biến cái nọ thành cái kia thôi mà kiếm bội tiền".

"Bây giờ thấy nó làm ảo thuật hay, ai cũng vỗ tay, xong nó đến từng bàn mượn tờ 50.000 biến thành tờ 100 rồi đút luôn vào túi áo. Thấy lạ mắt ai cũng thích thú, cười tít cả mắt lại thì chả nhẽ lại đòi lại nó tiền. Thằng em đi cùng thì cầm theo kẹo mút bán, người ta mua ủng hộ thì tiền để đâu hết. Tháng thất thu của nó cũng phải 30 triệu là ít", anh Quyết kể chuyện.

Anh Trần Văn Cường (26 tuổi, bán bún đậu gần Đại học Ngoại thương) kể lại, trước kia tôi làm công nhân, nhưng 3 tháng trước bà chị về quê nghỉ sinh, cũng có bảo là làm ăn được lắm, có muốn thử không. Chị cam đoan là hơn cái mức lương bèo bọt của công nhân gấp đôi, gấp 3 nếu chịu khó nên tôi cũng thử. Ai dè cũng được thật.

Mà làm thế này thoải mái thời gian, không thích bán thì đóng cửa nghỉ chơi, chả phụ thuộc vào ai cả”, anh Cường tếu táo.

Bỏ việc chính, làm việc phụ

Còn chị Bùi Thị Hoa (23 tuổi) hiện là sinh viên năm cuối của trường Đại học Công nghiệp lại lựa chọn cho mình công việc hơi lạ lẫm với hình ảnh một nữ xe ôm.

Hoa thẳng thắn chia sẻ: “Ban đầu đi xe và mặc áo đồng phục công ty cũng ngại lắm, nhưng sau cũng thấy quen. Mình làm công việc đưa đón trẻ theo hợp đồng của phụ huynh, cũng không phải đi bắt khách nên cũng đỡ vất vả hơn. Công việc ổn định theo giờ giấc nên số tiền kiếm được cũng đủ mình mua thêm những thứ mình thích”.

 

Hoa lựa chọn cho mình công việc khá lạ lẫm kể cả với độ tuổi và giới tính.
Hoa lựa chọn cho mình công việc khá lạ lẫm kể cả với độ tuổi và giới tính.

Chị Trần Thu Hà (25 tuổi) từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, nhưng chị lại quyết định mở quán bán đồ ăn vặt trên đường Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm. Hỏi về lý do chị Hà chia sẻ: "Tôi cũng từng đi làm vài nơi nhưng thú thực là lương vài triệu, phải ăn dè hà tiện, chắt bóp khổ sở mà công việc cũng đâu nhàn hạ.

Ban đầu cũng chỉ định mở quán bán buổi tối kiếm thêm, nhưng sau thấy mình cũng có duyên với bán hàng, đầu tư công sức vào còn lãi gấp 3 lần đi làm tại công ty cũ nên tôi bỏ việc".

Anh Cao Văn Thành (26 tuổi) bán trà đá ngay cạnh cũng góp câu chuyện: Trước đây tôi chạy xe ôm nhưng từ lúc đứa em gái lên Hà Nội học tiền chạy xe không đủ nuôi cả 2 anh em nên tôi chuyển qua bán trà đá. Nhà có hoàn cảnh khó khăn, con bé cũng muốn đi làm thêm nên bán thế này nó cũng ra phụ được luôn.

Lựa chọn việc bán xôi gần Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Cầu Giấy) em Lê Thị Hạnh (17 tuổi, quê tại Thái Bình) lại có hoàn cảnh khó khăn hơn: "Nhà em nghèo lắm, em cũng không được ăn học, học hết lớp 9 em nghỉ ở nhà phụ mẹ làm ruộng. Giờ em lớn rồi nên ra đây ở với anh chị họ.

Mùa đông thì em bán ngô, khoai nướng ở đường Đỗ Đức Dục từ 6h tối đến 2h sáng. Ngày nào nhiều cũng được 50 bắp, em cố làm ở trên này 1 tuần bằng mẹ em làm cả tháng ở quê".

Hạnh cũng tâm sự, biết là bán đêm hôm cũng nguy hiểm nhưng khách lúc đó lại nhiều nên vẫn cố. "Em học thấp nên không dám nghĩ tới công việc tốt hơn, bán hàng thế này thu nhập cũng khá hơn làm công nhân", Hạnh trải lòng.

Nguồn: http://phunuonline.com.vn/mua-sam/thi-truong/tra-da-hat-rong-kiem-30-trieuthang-nguoi-tre-chon-via-he-71310/


 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh