Tuổi thanh niên luôn khát khao được cống hiến, góp phần xây dựng quê hương. Người thì đề xuất, nghiên cứu nhiều giải pháp giúp nông dân phát triển kinh tế, người thì nghiên cứu nâng cao giá trị cho hoạt động sản xuất- thương mại trái sơ ri... Theo các bạn trẻ, cần phải làm những việc hữu ích cho cộng đồng từ những hành động thiết thực nhất.
Tuổi thanh niên luôn khát khao được cống hiến, góp phần xây dựng quê hương. Người thì đề xuất, nghiên cứu nhiều giải pháp giúp nông dân phát triển kinh tế, người thì nghiên cứu nâng cao giá trị cho hoạt động sản xuất- thương mại trái sơ ri... Theo các bạn trẻ, cần phải làm những việc hữu ích cho cộng đồng từ những hành động thiết thực nhất.
Cống hiến sức trẻ cho quê hương
Chị Huyến luôn tận tình hướng dẫn cho nông dân các mô hình phát triển kinh tế. |
Chúng tôi gặp chị Trần Thị Hồng Huyến- Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) sau khi chị vừa tham dự Đại hội Tài năng trẻ lần thứ II do Trung ương Đoàn tổ chức. Chị chia sẻ: Được tham dự đại hội, tôi thấy rất vinh dự và thấy mình phải không ngừng nỗ lực để cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Xuất thân từ gia đình thuần nông nên từ lâu chị ấp ủ ước mơ giúp nông dân vươn lên phát triển kinh tế. Chính vì vậy mà chị đã chọn học đại học ngành trồng trọt, rồi lại tiếp tục học cao học, bởi “chỉ khi nào mình có nhiều kiến thức chuyên sâu thì mới có thể giúp ích cho nông dân”.
Được giữ lại công tác tại Trường ĐH Cần Thơ, thế nhưng chị quyết định về công tác tại Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long. Hơn 8 năm công tác, chị đi thực tế ở cơ sở rất nhiều để có thêm kinh nghiệm cũng như tìm hiểu những khó khăn của nông dân để tìm hướng giúp đỡ. Và chị đã tham mưu, đề xuất nhiều dự án hiệu quả, thiết thực cho nông dân. Chẳng hạn như dự án cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh được trên thị trường gạo thế giới...
Song song đó, chị cũng nghiên cứu nhiều đề tài giúp ích cho nông dân như: Điều tra khảo sát, nhận diện và xác định nguyên nhân gây hiện tượng xì mủ trái măng cụt tại Vĩnh Long, hay “Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình chuyển đổi giống và khôi phục vùng chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn tỉnh”... Chị cũng tham mưu, đề xuất làng sản xuất hoa kiểng xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long), vùng trồng nhãn Edor (Ido) ở Long Hồ... bước đầu mang lại hiệu quả.
Được tuyên dương tại Đại hội Tài năng trẻ, chị Huyếncho biết sẽ cố gắng cống hiến sức trẻ cho quê hương nhiều hơn. |
Chia sẻ về dự định tương lai, chị cho biết sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình nghiên cứu sinh để sau này giúp ích nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Chị tâm niệm: Còn trẻ thì phải đào sâu chuyên môn, nghiên cứu nhiều sáng kiến có lợi cho người dân.
“Mặc áo mới” cho trái sơ ri
Khi vừa vào ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Lê Minh Nhựt (TP Vĩnh Long) và các bạn cùng nhóm đã bắt tay vào làm dự án “Sơ ri Gò Công, một hướng đi” để tham dự cuộc thi “Big Idea” (ý tưởng lớn) tại trường. Và chính cuộc thi đó là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự cống hiến sức trẻ cho cộng đồng của nhóm.
Nhựt cho rằng thế hệ trẻ phải biết cống hiến sức trẻ cho quê hương bằng hành động thiết thực nhất. |
Nhựt cho biết, chúng em là người miền Tây nên hướng về những dự án mang lại hiệu quả cho miền Tây. “Xuất phát từ thực tế trái sơ ri ở Gò Công khó khăn về thị trường đầu ra, thực trạng trồng rồi lại đốn, đốn rồi lại trồng liên tục tiếp diễn. Vì vậy chúng em quyết định thực hiện dự án ấy”- Nhựt cho biết.
Nói thì dễ nhưng từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường không hề dễ dàng. Bởi Nhựt và các bạn chưa có kinh nghiệm, không có nhiều thời gian cũng như kinh phí thực hiện. Nhựt kể: những ngày cuối tuần, bọn em chạy xe về Gò Công để khảo sát tình hình trồng sơ ri.
Được lắng nghe những thăng trầm của cây sơ ri và mong muốn làm giàu từ cây sơ ri của cô bác nông dân, tụi em có thêm động lực để hoàn thành dự án. “Tuổi trẻ phải biết dùng sức trẻ, tri thức để cống hiến cho cộng đồng. Đây là hành động thiết thực để chúng em góp phần xây dựng đất nước”- Nhựt bộc bạch.
Thế là Nhựt và các bạn bắt tay nhau thực hiện dự án. Từ việc xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế lại bao bì đến việc đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất mứt sơ ri, rượu và xi rô sơ ri...“Dự án nhằm đề xuất các biện pháp nâng cao giá trị trái sơ ri, vừa bảo tồn cây trồng truyền thống, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân. Kết quả, dự án đã giành giải nhất và từ đó mở ra nhiều hướng phát triển mới ”- Nhựt nói.
Nhóm không ngừng hoàn thiện và mang ý tưởng dự án tham gia một số cuộc thi về khởi nghiệp. Qua đó, đã đạt giải ba “Tài năng khoa học trẻ” cấp bộ. Hiện dự án đã được duy trì triển khai thực tế để giúp nông dân trồng sơ ri cải thiện cuộc sống.
Mặc dù hiện nay Nhựt đã ra trường đi làm nhưng vẫn đeo đuổi mong muốn phát triển các dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ trái sơ ri Gò Công với một thương hiệu cụ thể. Bởi “giúp cho nông dân làm kinh tế hiệu quả, cải thiện thu nhập là mìnhthấy vui lắm. Có thể làm những việc có ích cho cộng đồng chính là mong muốn lớn nhất của mình”- Nhựt
chia sẻ.
BÀI, ẢNH: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin