Ước mơ được vẽ của chàng trai dị tật

03:01, 19/01/2016

Trong căn phòng đầy tranh của Lê Minh Châu, chàng trai được nhiều người biết đến qua bộ phim tài liệu Chau, Beyond the Lines, ánh mắt rạng ngời tràn đầy hy vọng của chàng trai vốn không được may mắn về sức khỏe khiến người đối diện cảm phục.

Họa sĩ trẻ Lê Minh Châu và những bức tranh nuôi dưỡng ước mơ.
Họa sĩ trẻ Lê Minh Châu và những bức tranh nuôi dưỡng ước mơ.

Trong căn phòng đầy tranh của Lê Minh Châu, chàng trai được nhiều người biết đến qua bộ phim tài liệu Chau, Beyond the Lines, ánh mắt rạng ngời tràn đầy hy vọng của chàng trai vốn không được may mắn về sức khỏe khiến người đối diện cảm phục.

Hành trình vẽ

Nhìn khắp phòng tranh, Châu kể về con đường để em yên tâm vẽ như ngày nay là con đường chông gai ngay cả người lành lặn bình thường cũng khó lòng vượt qua. Sinh năm 1992 tại Trảng Bom (Đồng Nai), Lê Minh Châu là đứa trẻ duy nhất trong gia đình bị dị tật bởi nhiễm chất độc da cam nên từ nhỏ đã sống trong Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM). Lên 7 tuổi, Châu mới đủ sức khỏe để tập vật lý trị liệu cho đôi tay.   

Ngày nọ, một nữ họa sĩ tên Linh vào thăm và vẽ tranh tường tặng các bé trong làng Hòa Bình, Châu kể đó là định mệnh đã “se duyên” cho Châu với nghề vẽ. Những bức tranh đủ sắc màu như thôi miên đám trẻ con trong làng và Châu cũng vậy, cậu cứ đứng nhìn mà quên hết mọi thứ xung quanh.

“Khi cuộc sống chỉ quanh quẩn trong ngôi làng dành cho những đứa trẻ kém may mắn thì với em, sắc màu của những bức tranh như một thế giới khác”, Châu tâm sự. Dường như nhận ra khao khát của đám nhỏ, cô họa sĩ nảy ra ý định xin mở lớp dạy vẽ miễn phí ngay trong làng. Lần đầu cầm những chiếc bút màu dạ, tô tô vẽ vẽ đã khiến Châu mê tít và thật diệu kỳ khi đôi tay không lành lặn đó lại có tác dụng đặc biệt với những đường nét.

Năm đó Châu cũng vừa bước vào lớp 1, vậy là sau giờ học, người ta vẫn thấy một cậu bé đi bằng đầu gối thoăn thoắt bước vào nhà sách rồi đứng mãi ở kệ sách về hội họa. Châu kể, lúc đó mới học lớp 1 nhưng em luôn nghĩ mình sẽ vẽ, mình sẽ là họa sĩ. Vì vậy ai hỏi ước mơ của em là gì thì trở thành họa sĩ luôn là câu trả lời. Đổi lại, họ cười em hoặc thẳng thắn cho rằng em không thể làm được, ước mơ đó là viển vông.

Thương cậu bé dị tật nhưng có niềm đam mê mãnh liệt, nhiều họa sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng đã đồng ý cho Châu theo học. Với người bình thường, học vẽ đã rất khó, với người dị tật thì sự khó khăn đó nhiều gấp bội, nhất là đôi tay yếu ớt của Châu, việc vẽ liên tục là điều không thể.

Vẽ bằng tay chừng 15-20 phút là mỏi, Châu dùng miệng để vẽ. “Em vừa tiếc thời gian, vừa sợ ý tưởng bay mất nên những lúc mỏi tay ngồi nghỉ cũng không dám đi đâu, làm gì, chỉ ngồi một chỗ để nhớ và hình dung ra từng nét vẽ. Sau nhiều lần bứt rứt khi phải đợi tay hết mỏi, em thử dùng miệng để thay thế đôi tay.

Thời gian đầu tập vẽ bằng miệng, toàn thân em đều phải vận động theo khiến cơ thể luôn trong trạng thái đau đớn, mệt mỏi. Hai hàm phải dùng hết lực để cố định cây cọ vẽ khiến quai hàm mỏi nhừ, tê cứng, không thể nhai được đồ ăn.

Cổ phải vận động xoay đủ hướng, lưng liên tục cúi xuống lấy màu nên vô cùng nhức mỏi và ánh mắt không thể tập trung một điểm cố định nên rất chóng mặt. Cả năm trời kiên trì luyện tập, cuối cùng những nét vẽ bằng miệng của em cũng tròn đầy và sắc sảo”,  Châu kể.

Năm 17 tuổi, cũng như các bạn, Châu xin ra khỏi làng, về gia đình ở Đồng Nai. Nhưng vì gia đình khó khăn, em xin ba mẹ cho sống trong chùa để có điều kiện học tiếp lớp 10 và học nghề.

Thế rồi kinh tế khó khăn, Châu chẳng thể tiếp tục đến trường. Nỗi nhớ những cây cọ, lọ màu cứ thôi thúc Châu phải đi tìm, vậy là cậu bé khăn gói trốn gia đình về lại TPHCM sau nửa năm sống tại Đồng Nai. Châu lang thang nhiều nơi rồi trụ lại làm thiết kế mẫu cho một xưởng giày, gần 1 năm sau xưởng này ngừng hoạt động. Kể từ đó Châu rơi vào bế tắc, không tiền, không tương lai, không sức khỏe...

Trái ngọt

Thật may mắn khi một người bạn cho Châu mượn một góc trong showroom trưng bày nội thất tại quận 7. Hàng ngày, người qua lại vẫn thấy một cậu bé dị tật tô tô vẽ vẽ, khi vẽ bằng tay, khi thì dùng miệng tạo lên những bức tranh đẹp.

Con phố nơi Châu ngồi vẽ chủ yếu là người nước ngoài sinh sống và làm việc, vì vậy những bức tranh cậu vẽ chưa kịp ráo màu đã có người nước ngoài tới đặt mua. Với Châu, những bức tranh về làng quê Việt Nam dưới con mắt của một đứa trẻ ít được trải nghiệm lại rất đặc biệt. Nó không chỉ là sự bình yên thường thấy mà Châu còn nhẹ nhàng tô điểm những chi tiết thể hiện khát khao sống…

Ông Robert Robinette - một vị khách nước ngoài của Châu chia sẻ: “Tôi thấy thích thú với những bức tranh làng quê Việt Nam và cả những bức em thỏa sức sáng tạo. Tôi đã mua nhiều bức tranh của Châu để treo và tặng bạn bè, họ cũng thích thú và xin địa chỉ liên hệ đặt tranh. Mỗi bức tranh của Châu luôn có ước mơ, chúng làm cho tôi có động lực trong cuộc sống và công việc”. 

Cho đến nay, Châu đã có phòng tranh của riêng mình mang tên LMC Gallery với lượng khách hàng ổn định, trong đó 95% là khách nước ngoài.

Nhờ có vốn tiếng Anh và tiếng Nhật khá tốt nên Châu có thể nắm bắt gần như trọn vẹn ý tưởng của khách hàng, vì vậy tranh của em đã có mặt ở rất nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Australia, Canada…. Dự định trong năm 2016, Châu sẽ gầy dựng cho mình một studio để thỏa ước mơ vẽ, thiết kế thời trang và nhiếp ảnh.

Chau, Beyond the Lines là bộ phim tài liệu ngắn kể về ước mơ trở thành họa sĩ của Lê Minh Châu. Bộ phim dài 34 phút, do nữ đạo diễn người Mỹ tên Courtney Marsh và các cộng sự thực hiện từ năm 2007 đến năm 2014. Mới đây, ngày 14-1, bộ phim đã lọt vào tốp 5 bộ phim được đề cử trong hạng mục “Phim tài liệu ngắn xuất sắc” của giải thưởng Oscar lần thứ 88.

Theo http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2016/1/409700/

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh