Cảnh báo nguy cơ hóc dị vật đường thở ở trẻ dịp Tết

18:44, 02/02/2025

(VLO) Cảnh báo tình trạng hóc, sặc thức ăn, dị vật ở trẻ nhỏ khi ngày Tết Nguyên đán nghỉ học dài, trẻ em hay nô đùa, vui chơi khi ăn uống nên cũng dễ xảy ra nhiều nguy cơ hơn.

Ê-kíp nội soi đã thành công lấy đồng xu ra khỏi dạ dày bệnh nhi.
Ê-kíp nội soi đã thành công lấy đồng xu ra khỏi dạ dày bệnh nhi.

Hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ vào dịp nghỉ Tết. Hóc dị vật có thể là hóc, sặc xương, hạt của các loại quả, kẹo, thạch hay các vật dụng nhỏ như cúc áo, pin, đồng xu, nam châm… Khi trẻ bị hóc dị vật trong những ngày Tết, nếu không biết cách tự xử trí tại nhà thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Mới đây, khoa Cấp Cứu và Khoa Nội soi của BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long thực hiện nội soi can thiệp cấp cứu thành công, gắp dị vật là viên pin ở dạ dày cho bệnh nhi L.N.B.A. (55 tháng tuổi, ngụ Bến Tre), do tình cờ nuốt phải trong lúc chơi đùa.

Gia đình bệnh nhi (BN) cho biết, bé đang chơi thì vô tình nuốt 1 viên pin, ngay khi phát hiện, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Tại khoa Cấp Cứu, ngay khi tiếp nhận BN, các bác sĩ nhanh chóng chỉ định chụp X-quang ổ bụng, kết quả phát hiện viên pin ở dạ dày. Sau hội chẩn khẩn, các bác sĩ thống nhất chỉ định nội soi can thiệp. Ê-kíp nội soi đã thành công lấy đồng xu ra khỏi dạ dày BN. Sức khỏe BN ổn định và được xuất viện về ngay sau đó.

Theo Ths.BS Lê Vũ Trường (khoa Nội soi BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long),  trường hợp BN trên đã tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm vì khi nhập viện viên pin đã xuống được dạ dày, không bị mắc lại ở vị trí thực quản hay đường thở. Và may mắn được đưa đến bệnh viện lấy ra kịp thời, nếu không dị vật nằm lại trong đường tiêu hóa sẽ gây ra những biến chứng nặng nề hơn như thủng ruột, tắc ruột, chất hóa học trong pin rò rĩ gây hại đường tiêu hóa,...

Theo các bác sĩ, hóc dị vật là tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong dịp Tết khi trẻ nhỏ được tiếp xúc với nhiều món ăn và đồ chơi hơn bình thường. Việc sơ cứu kịp thời có thể cứu sống trẻ, nhưng quan trọng hơn cả là phòng tránh ngay từ đầu để không gặp phải tình huống nguy hiểm này.

Bác sĩ Lê Vũ Trường khuyến cáo, để phòng tránh tai nạn hóc dị vật cho trẻ, người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn không nên chủ quan, phải giám sát chặt chẽ.

Cha mẹ nên cẩn thận, không cho các bé chơi những dạng đồ chơi nhỏ như hòn bi, đồng xu, hạt nhựa, kim băng, các vật nhỏ sắc nhọn... vì các bé hiếu động rất dễ nuốt vào các vật này.

Ngoài ra, hướng dẫn cho trẻ không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm, mút. Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc và không nên nô đùa trong khi ăn, đặc biệt khi trẻ có thức ăn trong miệng. Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như đậu, thạch, nhãn, chôm chôm… Tập cho trẻ kỹ năng nhai kỹ, nuốt chậm. Khi trẻ bị dị vật đường thở cần thực hiện các biệp pháp cấp cứu kịp thời bởi người có chuyên môn hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ can thiệp.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh