Tháng 12 vừa qua, số lượng người bệnh nhập Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội do viêm tụy cấp tăng 30% so với các tháng trước đó, tăng 20% so với tháng 12 năm ngoái. Trong đó, phổ biến là những ca mắc viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia, tăng Triglyceride, sỏi túi mật, viêm tụy…
Ảnh minh họa. |
Cẩn trọng với uống rượu bia liên miên ngày Tết
Nhiều tuần tham gia liên hoan tổng kết cuối năm, gặp gỡ đối tác nên không tránh khỏi uống nhiều rượu bia, sinh hoạt thất thường, anh V.A (50 tuổi, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị lan ra sau lưng, buồn nôn, sốt… Anh được chẩn đoán viêm tụy cấp do rượu, viêm gan virus B mạn tính, rối loạn lo âu.
Nhập viện ngay trong đêm cấp cứu với biểu hiện đau bụng quặn, căng chướng, buồn nôn, nhịp tim nhanh, anh L.T (48 tuổi, Bắc Ninh) được chẩn đoán bị viêm tụy cấp tái phát do tăng rối loạn mỡ máu, tăng triglyceride máu. Anh T. có bệnh nền đái tháo đường, sử dụng rượu bia thường xuyên.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, hai trường hợp trên đều may mắn đến bệnh viện sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tình trạng viêm tụy cấp mức độ trung bình, không gây biến chứng hoặc suy cơ quan. Cả hai đều được theo dõi, điều trị tích cực bằng việc bù dịch qua đường tĩnh mạch, kiểm soát đau, nghỉ ngơi và dùng thuốc phù hợp với từng tình trạng bệnh và được ra viện sau 3-5 ngày.
Không chủ quan với dấu hiệu viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là tổn thương viêm cấp tính của tụy, dẫn đến tình trạng viêm toàn thân, gây ra các rối loạn nhiều cơ quan như tim, phổi, gan, thận, và mức độ nặng có thể xuất hiện nhiều biến chứng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, sốc nhiễm khuẩn….
Viêm tụy cấp tạo điều kiện cho các enzyme hoạt hóa và các chất độc như cytokine tràn ra ngoài tụy, đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và lan sang các bộ phận khác gây suy đa tạng. Chất độc có thể được hấp thu từ ổ bụng vào mạch bạch huyết, sau đó vào máu gây tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan ngoài ổ bụng.
Bác sĩ Đào Trần Tiến thăm khám cho người bệnh. |
Bên cạnh việc điều trị tích cực, để giảm nguy cơ tái phát và chóng hồi phục sức khỏe, người bệnh cần tránh uống rượu bia, thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế ăn nhiều chất béo, thức ăn giàu đạm (thịt đỏ, lòng đỏ trứng), sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên. Người bệnh ra viện có thể bắt đầu tập ăn lại với loại thức ăn từ lỏng, mềm, rồi thức ăn đặc dần, đặc biệt là đồ ăn ít chất béo trong vòng 1 tuần.
Bia rượu là nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy. Viêm tụy cấp do rượu thường gặp chủ yếu ở nam giới, đặc biệt tuổi trung niên (từ 40 tuổi trở lên) có tiền sử lạm dụng rượu (uống nhiều, thường xuyên). Các triệu chứng ban đầu như đau bụng dữ dội vùng thượng vị, có thể lan ra sau lưng, đi kèm với biểu hiện chướng bụng, nôn.
Trong những trường hợp nhẹ, mức độ đau có thể nhẹ, âm ỉ, kéo dài từ 2-3 ngày. Trường hợp nặng, diễn biến bệnh thường cấp tính, với biểu hiện cơn đau thường dữ dội, cảm giác như dao đâm, bụng chướng căng, sốt… và những trường hợp nặng bệnh nhân có nguy cơ tử vong tăng lên khoảng 10-30%.
Ít phổ biến hơn, viêm tụy diễn biến âm thầm, kéo dài mà không hề có triệu chứng như đau bụng, nôn mà thường chỉ được chẩn đoán khi ảnh hưởng đến chức năng tụy như đái tháo đường, hoặc rối loạn tiêu hoá, phân có nhiều mỡ, nang giả tụy.
Để chẩn đoán xác định viêm tụy cấp, bác sĩ thường dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân như đau bụng điển hình, chướng bụng, nôn kết hợp với xét nghiệm men tụy trong máu tăng (tăng amylase, lipase) hoặc hình ảnh viêm tụy trên siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính bụng.
Viêm tụy cấp tái phát nhiều đợt có thể gây ra tình trạng viêm dai dẳng, lâu dần dẫn đến những biến đổi trên nhu mô tụy như teo nhu mô tụy, hình thành xơ hóa, vôi hóa nhu mô, hoặc sỏi tụy và trở thành viêm tụy mạn tính.
Các biến chứng cấp tính của viêm tụy cấp như viêm tụy hoại tử, sốc giảm thể tích, hoặc suy tạng như suy thận, suy hô hấp… có thể gặp trong các trường hợp viêm tụy cấp thể nặng, làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân từ 2-10% và các trường hợp viêm tụy cấp thể nặng sau điều trị cần theo dõi và xử trí để dự phòng tiến triển thành nang giả tụy, áp xe tụy.
Phòng ngừa viêm tụy cấp tốt nhất bằng cách tránh yếu tố là nguyên nhân hoặc, nguy cơ viêm tụy như: Hạn chế bia rượu (gây tổn thương trực tiếp hoặc nhiễm trùng ảnh hưởng đến chức năng tuyến tụy), dự phòng sỏi mật (sỏi ống mật chủ mật, sỏi túi mật), bệnh đái tháo đường (người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc viêm tụy cấp cao hơn khoảng 30%), hạn chế dùng thuốc nguy cơ gây viêm tụy (thuốc chống viêm giảm đau không steroid, hoặc steroid), kiểm soát rối loạn mỡ máu (tăng nồng độ triglyceride ở người béo phì) hoặc điều trị bệnh lý nội tiết khác như cường tuyến cận giáp hoặc canxi trong máu cao hoặc tầm soát ở người có tiền sử gia đình bị viêm tụy…
Đặc biệt, với những người có tiền sử viêm tụy nên hạn chế rượu bia (cắt giảm hoặc bỏ rượu bia); tránh ăn quá nhiều đạm, chất béo một bữa (đặc biệt trong ngày Tết), thực hiện chế độ ăn uống cân bằng (uống đủ nước, đủ đạm, ăn nhiều trái cây, rau quả), tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh (giảm cân nếu thừa cân có thể giúp giảm nguy cơ, hạn chế chất béo); tránh thuốc lá và nên thăm khám định kỳ, thường xuyên để được bác sĩ theo dõi và tư vấn tình trạng sức khỏe.
Theo HẢI NGÔ/Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin