(VLO) Tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, tuy nhiên số bệnh nhân (BN) lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 57% số BN lao ước tính, còn 43% người mắc bệnh chưa được phát hiện kịp thời.
Ứng dụng công nghệ AI, xe chụp X-quang lưu động để tăng cường phát hiện bệnh lao. |
Còn 43% người mắc bệnh lao chưa được phát hiện
Ngày 9/1, Chương trình Chống lao quốc gia phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị “Giới thiệu các hướng dẫn và chính sách mới trong phòng chống bệnh lao” cho 63 tỉnh, thành phố.
Theo ông Đinh Văn Lượng- Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Trưởng BCH Chương trình Chống lao quốc gia, chia sẻ bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, bệnh lây truyền qua đường không khí nên rất khó kiểm soát.
Theo thống kê của Chương trình Chống lao quốc gia, mỗi năm Việt Nam có thêm 182.000 người mới mắc bệnh lao. Tuy nhiên chỉ có 57% BN được chẩn đoán điều trị. Năm 2023, Việt Nam phát hiện 106.086 BN lao các thể. Như vậy, còn khoảng 43% BN lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc được phát hiện/điều trị nhưng chưa báo cáo.
Nguyên nhân do hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao còn chưa đầy đủ. Đặc biệt, còn nhiều người dân kỳ thị, phân biệt đối xử với BN mắc lao. Bản thân BN không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh hoặc trì hoãn phát hiện muộn đang làm lây lan bệnh cho người khác.
Khó khăn đối với công tác phòng chống lao hiện nay là việc phát hiện sớm và điều trị bệnh lao cho nhóm người dễ tổn thương, người có nguy cơ cao đòi hỏi đầu tư nguồn lực rất lớn.
“Một trong những nội dung đáng chú ý trong các hướng dẫn kỹ thuật mới của Bộ Y tế là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, phát hiện bệnh lao. Chúng tôi hy vọng rằng sự phát triển của công nghệ sẽ hỗ trợ lấp khoảng trống lớn trong chẩn đoán phát hiện các ca bệnh lao trong cộng đồng”- BS Đinh Văn Lượng nói.
Hội nghị cập nhật 3 hướng dẫn kỹ thuật mới của Bộ Y tế, Chương trình Chống lao quốc gia về chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Hướng dẫn nhằm phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng, cơ sở y tế; chẩn đoán, điều trị bệnh nấm Aspergillus phổi mạn tính. Từ đó, tăng cường phát hiện bệnh, điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống BN lao.
Trong đó, cập nhật công cụ hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật vi sinh chẩn đoán lao nhanh; các phác đồ điều trị mới ngắn ngày hơn, hiệu quả hơn đặc biệt là trong lao kháng thuốc giúp nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh lao và lao tiềm ẩn.
Chủ động tầm soát bệnh lao
Đồng thời, tăng cường vai trò và nguồn lực địa phương để đáp ứng với hoạt động phòng chống lao, bao gồm chuyển giao khám, chữa bệnh lao qua BHYT.
Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao hỗ trợ chương trình lao ở cấp quốc gia và tại 11 tỉnh, bao gồm An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Tại Vĩnh Long, theo BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính- chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phổi tỉnh, Vĩnh Long là một trong những địa phương có dịch tễ lao cao.
Được sự hỗ trợ của Dự án “USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, được thực hiện bởi tổ chức FHI 360”, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long triển khai khám phát hiện chủ động ca bệnh lao và lao tiềm ẩn tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện quản lý điều trị cắt đứt nguồn lây bệnh lao tại cộng đồng.
Trong năm 2024, Vĩnh Long thực hiện khám phát hiện 41.575 người, thử đàm phát hiện 21.445 người, phát hiện mới 2.100 trường hợp (đạt 147% chỉ tiêu), trong đó có 71 trường hợp lao kháng thuốc. Tỷ lệ BN lao kháng thuốc phát hiện được đưa vào điều trị đạt 87%. Ngoài ra, ghi nhận 42 trường hợp tử vong do lao và số BN điều trị khỏi 1.278 trường hợp.
“Chương trình không chỉ đưa nhân lực đến địa phương để khám tại chỗ, mà còn thực hiện chụp X-quang cho tất cả người đến khám. Đồng thời, ứng dụng phần mềm AI đọc X-quang tự động trong phân tích và chẩn đoán bệnh. Quá trình sàng lọc, nếu phát hiện có ca nghi ngờ thì BN sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm chuyên sâu bằng kỹ thuật Xpert.
Hoạt động chủ động này không chỉ giúp phát hiện sớm ca bệnh, giúp người dân điều trị khỏi bệnh không để lại di chứng. Và, quan trọng hơn là góp phần giảm thiểu nguồn lây tại cộng đồng”- BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên cho biết.
Thời gian qua các dự án hỗ trợ các địa phương trong việc thúc đẩy chuyển giao khám, chữa bệnh lao. Trong đó, Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, do tổ chức FHI 360 triển khai, hỗ trợ chương trình lao ở cấp quốc gia và tại 11 tỉnh, thành phố.
“USAID và Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục hợp tác để đảm bảo tất cả các cấp trong hệ thống y tế có đủ năng lực để tiếp cận tới những nhóm cộng đồng dễ tổn thương và cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao tới những đối tượng cần hỗ trợ.
Mục tiêu hướng đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và duy trì công tác kiểm soát bệnh lao nhằm giảm tỷ lệ mắc lao 90%, giảm tỷ lệ tử vong do lao 95% và giảm các chi phí thảm họa đối với BN lao xuống mức bằng 0”- ông Đinh Văn Lượng nói.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin