Giữ vệ sinh cá nhân để phòng bệnh tay chân miệng

13:43, 15/11/2024

(VLO)Theo đánh giá của Sở Y tế, bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng về số ca mắc. Bệnh được đánh giá là có khả năng lây lan do bùng phát thành dịch rất cao đặc biệt là trong những môi trường đông trẻ.

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ mắc tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đi đến cơ sở y tế để trẻ được điều trị kịp thời.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ mắc tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đi đến cơ sở y tế để trẻ được điều trị kịp thời.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay bệnh TCM không chỉ đang gia tăng về số ca mắc mà các trường hợp nặng có biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao và chuyển biến cũng khó lường. Tính đến hết tháng 10, Vĩnh Long ghi nhận trên 1.340 trường hợp mắc TCM. Đáng chú ý, trong tháng 9 và tháng 10 số ca mắc TCM chiếm gần 50% tổng số ca mắc trong 10 tháng.

Bệnh TCM vẫn tập trung chủ yếu ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo với các biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt, có các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ. Các bác sĩ cho biết, trẻ em có thể tái mắc bệnh TCM nhiều lần. Nguyên nhân là do trẻ sau khi bị nhiễm virus, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng thì ít nhiều vẫn có kháng thể chống lại virus.

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ngành y tế và ngành giáo dục tỉnh phối hợp chặt chẽ triển khai nhiều biện pháp phòng chống căn bệnh này. Các trường học trong tỉnh quan tâm và thực hiện chặt chẽ hơn từ khâu vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi của trẻ và giữ vệ sinh cá nhân luôn được các trường đặt lên hàng đầu, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát lây lan trong trường học.

Đồng thời, công tác truyền thông phòng bệnh còn được ngành y tế chú trọng đến những gia đình có trẻ nhỏ. Theo đó, nhân viên y tế đến tận nhà hướng dẫn người dân đường lây truyền bệnh, cách phòng chống và nhận biết các dấu hiệu mắc TCM để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của trẻ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân giữ vệ sinh cá nhân, bàn tay sạch; người lớn có thể mang mầm bệnh và lây cho trẻ, do đó khi từ ngoài đường về nhà phải vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ; ăn uống sạch, ở sạch.

Đối với các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi thì người trông giữ cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ. Trẻ bị bệnh TCM phải được cách ly ít nhất 10 ngày, kể từ khi khỏi bệnh; không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

“Bệnh TCM hiện nay chưa có thuốc phòng và chữa khỏi nhưng phát hiện sớm và can thiệp ngay khi trở nặng sẽ điều trị bệnh hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm. Bệnh lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban… giống như nhiễm các virus thông thường khác nhưng sau đó số ít trường hợp có thể diễn biến nguy kịch nhanh.

Vì thế, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế khi có bất cứ bất thường về sức khỏe”- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh