Trẻ em cũng bị đột quỵ xuất huyết não

20:55, 03/10/2024

(VLO) Trong tháng 9/2024, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã kịp thời can thiệp cứu sống 2 trường hợp trẻ em bị đột quỵ xuất huyết não. Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị đau đầu đột ngột, kèm nôn ói, lừ đừ, tiếp xúc chậm chạp, có thể trẻ đang bị đột quỵ xuất huyết não.


Qua chụp DSA, phát hiện dị dạng thông động tĩnh mạch não bé trai K.C..
Qua chụp DSA, phát hiện dị dạng thông động tĩnh mạch não bé trai K.C..

Bé trai 12 tuổi bị xuất huyết não khi chạy bộ

Mới đây, Bệnh viện (BV) Chuyên khoa sản nhi tỉnh Sóc Trăng và BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa phối hợp liên viện, cấp cứu thành công bé trai 12 tuổi bị xuất huyết não khi đang chạy bộ trong trường.

Trước đó, ngày 24/9, BV Chuyên khoa Sản nhi tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận trường hợp bé trai K.C. (12 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng). Bé nhập viện trong tình trạng ngất xỉu, lơ mơ và không có tiền sử bệnh lý. Qua tìm hiểu, người nhà cho biết bé đang chạy bộ tập thể dục tại sân trường thì bất ngờ than mệt, nhức đầu, buồn nôn, lừ đừ rồi ngất xỉu.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn, các bác sĩ BV Chuyên khoa sản nhi tỉnh Sóc Trăng chẩn đoán bé bị xuất huyết não. Bệnh nhi (BN) sau đó được xử trí chống phù não, ổn định hô hấp và huyết động.

Ngay sau đó, BV Chuyên khoa sản nhi tỉnh Sóc Trăng liên hệ với BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ để chuyển viện can thiệp lập tức, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng BN.

Tại BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, các bác sĩ tiến hành chụp DSA, ghi nhận có dị dạng thông động tĩnh mạch não tiểu não trái, kích thước 15x30mm gây xuất huyết. Sau gần 1 giờ nỗ lực, đội ngũ bác sĩ đã can thiệp thành công bằng cách bơm keo sinh học giúp giảm lưu lượng máu vào khối AVM. Hiện sức khỏe của bé K.C. đã hồi phục tốt, tỉnh táo, không yếu liệt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Hoàn cảnh gia đình của bé K.C. rất khó khăn, nên ban giám đốc BV Chuyên khoa sản nhi tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ hoàn toàn chi phí chuyển viện. Nằm trong chương trình tài trợ chi phí điều trị cho trẻ em bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não bẩm sinh và bệnh tim bẩm sinh dưới 18 tuổi do BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ phối hợp cùng Hội Chữa lành trái tim Việt Nam, Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực ĐBSCL đã tài trợ cho trường hợp bé K.C. 40 triệu đồng.

Bé trai 14 tuổi đột quỵ xuất huyết não

Trước đó, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị thành công cho bé trai bị đột quỵ xuất huyết não do tắc tĩnh mạch não nguy kịch. Đây là một trong những trường hợp hy hữu đột quỵ khi BN ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Bác sĩ khám kiểm tra sức khỏe cho em L.N.T..
Bác sĩ khám kiểm tra sức khỏe cho em L.N.T..

Trước khi nhập viện, BN tên L.N.T. (14 tuổi) có đau đầu dữ dội, nôn ói nhưng gia đình lầm tưởng cảm cúm và mua thuốc uống. Bệnh trở nặng, bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê, người nhà mới chuyển đến cấp cứu tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ.

Kết quả hội chẩn, BN bị xuất huyết não, phù não vùng đồi thị. Bác sĩ BV Nhi đồng Cần Thơ phối hợp BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ hội chẩn, xác định đột quỵ xuất huyết não do tắc tĩnh mạch galen.

Các bác sĩ BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ can thiệp, lấy ra rất nhiều cục máu đông trong tĩnh mạch galen và xoang thẳng của BN, khai thông tĩnh mạch bị tắc nghẽn. Sau đó, BN được hồi sức tích cực, duy trì kháng đông dự phòng máu đông.

Hiện tri giác và sức cơ của em đã cải thiện, có thể đi lại, hết đau đầu, được xuất viện. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, BN được Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo đột quỵ khu vực ĐBSCL cùng Hội Chữa lành trái tim Việt Nam hỗ trợ kinh phí điều trị 30 triệu đồng. “Đây là trường hợp đột quỵ khá hiếm gặp đối với trẻ nhỏ”, BS Lê Minh Thắng- Đơn vị Can thiệp mạch DSA, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết.

Đột quỵ có 2 dạng là nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) và xuất huyết não (chảy máu não), tuổi bệnh nhân ngày càng trẻ. Tỷ lệ xuất huyết não chiếm khoảng 15% ca đột quỵ, trong đó hơn 90% nguyên nhân do tăng huyết áp, chỉ một số ít bởi dị dạng mạch máu não.

BS Lê Minh Thắng khuyến cáo phụ huynh hết sức lưu ý, khi con em đau đầu âm ỉ kéo dài, co giật, yếu nửa người, nôn ói, lơ mơ... cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu trễ thời gian vàng (dưới 6 giờ kể từ khi khởi phát) sẽ bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và phát triển toàn diện của trẻ sau này, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh