(VLO) Làm mẹ an toàn (LMAT) là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Mục tiêu của LMAT là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khỏe về LMAT được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu.
Để có một thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, thăm khám trước khi mang thai, theo dõi thai kỳ chặt chẽ, tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine quan trọng trước và trong thai kỳ… là những cách giúp phụ nữ (PN) có một thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh.
“PN khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh, vì vậy cần khám sức khỏe và tư vấn trước khi mang thai. PN mang thai cần tiêm đầy đủ các mũi vaccine để phòng uốn ván cho cả mẹ và con; ăn uống đầy đủ và uống bổ sung sắt- axit folic, bổ sung vitamin và khoáng chất; tắm rửa thường xuyên; vệ sinh vùng kín đúng cách; nghỉ ngơi, tập thể dục dành cho thai phụ.
Ngoài ra, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ và sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Đồng thời, chăm sóc đúng cách trong thời kỳ sơ sinh giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt; xét nghiệm sớm viêm gan B, giang mai, HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con”- BS Thu Hằng khuyến cáo.
Thời gian qua, ngành y tế Vĩnh Long tổ chức các buổi truyền thông tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối tượng hướng đến là trong độ tuổi sinh đẻ, PN đang mang thai, PN có con nhỏ…
Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe cho PN trước và trong suốt quá trình mang thai, bảo vệ trẻ em khi mới sinh trong mỗi gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, giúp PN chủ động phòng, phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm trong các thời kỳ mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh nhằm hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em trên địa bàn.
Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân những kiến thức như: chăm sóc PN trước khi mang thai; chăm sóc PN khi mang thai (khám định kỳ, chế độ dinh dưỡng, lao động và nghỉ ngơi; các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai và chọn nơi đẻ an toàn tại các cơ sở y tế…); nhận biết dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ lúc chuyển dạ và khi sinh đẻ…
Bên cạnh đó, hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ, dấu hiệu nguy hiểm của trẻ sơ sinh, cách phòng tránh và xử trí một số trường hợp bất thường ở trẻ sơ sinh…
Khám sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con
Sản phụ có theo dõi thai, chăm sóc thai kỳ tại Khoa Sản BVĐK tỉnh Vĩnh Long. |
Theo Sở Y tế, 6 tháng của năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 3.092 PN có thai và 3.767 PN đẻ. Tỷ lệ PN đẻ được quản lý thai tại địa phương đạt 100%, tỷ lệ PN đẻ khám thai ít nhất 4 lần/3 thời kỳ đạt 99,60%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong tuần đầu sau sinh đạt 96,17%. Tuy nhiên, tỉnh cũng ghi nhận 14 trường hợp tai biến sản khoa, không có trường hợp tử vong.
Khoa Sản BVĐK tỉnh Vĩnh Long điều trị 14 trường hợp tai biến sản khoa, trong đó có 13 trường hợp bị băng huyết sau sinh và 1 ca bị nhiễm trùng sau sinh. Các trường hợp trên đều được điều trị cấp cứu tích cực kịp thời, sức khỏe sản phụ được đảm bảo an toàn.
Đầu tháng 4/2024 ê kíp cấp cứu ngoại viện BVĐK tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ Trung tâm Y tế TX Bình Minh cứu sống thành công sản phụ N.T.M.T. (39 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) bị sốc mất máu do đờ tử cung trong quá trình phẫu thuật lấy thai.
Ê kíp nhanh chóng cắt tử cung, khâu cầm máu, đồng thời hồi sức tích cực hô hấp tuần hoàn, truyền bù 4 đơn vị máu và 2 đơn vị huyết tương, vận mạch cho sản phụ. Nhờ đó, mẹ con sản phụ được cứu sống kịp thời, sức khỏe hồi phục tốt.
Từ ngày 1-10/10/2024, “Tuần lễ LMAT” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2024 được triển khai tới các cơ sở y tế trên toàn tỉnh với chủ đề: “Khám sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con”.
Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Trong tuần lễ này, mỗi đơn vị tổ chức được ít nhất 1 hoạt động truyền thông về LMAT; cung cấp thông tin về LMAT cho: 100% PN mang thai và PN sau sinh có mặt tại địa phương, ít nhất 30% số PN trong độ tuổi sinh đẻ tại địa phương, ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của PN mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.
Để nâng cao hiệu quả về LMAT, đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống cho cả bà mẹ và trẻ em không phải chỉ có ngành y tế mà còn cần sự phối hợp thực hiện của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, sự thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là PN trong độ tuổi sinh đẻ, hướng tới mục tiêu không một bà mẹ và trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin