(VLO) Tổ chức Y tế thế giới vừa phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (BD) lần thứ 18 vào 28/9/2024 với chủ đề trên. BD hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới.
Cách phòng tránh bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine càng sớm càng tốt. |
Ở Việt Nam, BD đã lưu hành trong nhiều năm, trong những năm gần đây BD có chiều hướng gia tăng liên tục. Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 trường hợp tử vong vì BD.
Năm 2023 tiếp tục có 82 trường hợp và năm 2024 (tính đến 25/8) đã có 65 trường hợp tử vong ở 31/63 tỉnh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 (59 trường hợp).
Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, BD trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng BD. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống BD.
Tại Vĩnh Long, từ năm 2023 đến nay không ghi nhận ca tử vong do BD nhưng số lượng người dân tiêm vaccine ngừa BD do bị chó, mèo cắn, cào tiếp tục gia tăng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Vĩnh Long có hơn 10.500 lượt người bị các vết thương do chó, mèo cắn, cào đến các cơ sở y tế tiêm vaccine ngừa BD, tăng hơn 1.000 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60.000 liều vaccine ngừa BD cho đàn chó trên địa bàn.
BS Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, cho biết, BD là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền từ động vật (chó, mèo) sang người.
Các biểu hiện lâm sàng của BD trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Một khi đã mắc BD, 100% người bệnh sẽ tử vong mà không có cách nào có thể cứu chữa. Cho đến nay, BD vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong.
Để chủ động phòng chống BD, BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine ngừa BD đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
“Người dân khi bị chó, mèo cào, cắn cần nhanh chóng xử trí vết thương bằng cách rửa nước sạch liên tục khoảng 15 phút, dùng dung dịch iốt hoặc cồn 70 độ sát khuẩn lên vết thương, sau đó đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine ngừa BD càng sớm càng tốt.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin