Cần tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi

13:48, 18/10/2024

(VLO) Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, tính đến 6/10, toàn tỉnh ghi nhận 61 ca sởi, tăng 53 ca so với cùng kỳ năm 2023 (8 ca), chủ yếu ở nhóm 1-5 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.

 

Theo các bác sĩ, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.

Bệnh sởi có khả năng lây lan cực nhanh và nhiều biến chứng nguy hiểm. Bất kỳ người nào không có miễn dịch đều có thể bị nhiễm bệnh. Đến nay, sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Đáng chú ý, trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị biến chứng sởi nặng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, bệnh sởi lây rất nhanh, dễ lây hơn COVID-19 nên giải pháp chủ động phòng bệnh là tiêm ngừa sởi.

Vaccine phòng bệnh sởi có từ lâu và đã có thông tin đầy đủ về hiệu lực, tính an toàn... của vaccine. Các bậc phụ huynh cần đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

“Cần tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi vì bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.

Tiêm 1 mũi, hiệu lực bảo vệ 93%, 2 mũi bảo vệ 97%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.

Hiện, ngành y tế phối hợp ngành giáo dục, chính quyền các địa phương rà soát đối tượng trẻ từ 1-10 tuổi trong trường học và cộng đồng chưa tiêm phòng sởi, mới tiêm 1 mũi để chuẩn bị tiêm bổ sung. Đồng thời cũng khuyến cáo người dân không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch bệnh sởi.

Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly, đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Tại buổi họp giao ban công tác phòng, chống dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh chiều 16/10, ThS.BS Lương Chấn Quang- Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật- Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, thông tin hiện nay, tình hình sởi ở 19 tỉnh khu vực phía Nam trừ TP Hồ Chí Minh gia tăng nhanh và đã có ổ dịch ở người lớn trong các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, đáng mừng ổ dịch rất ít người, chủ yếu là những ca tự phát.

Hiện nay, trên 50% số ca bệnh sởi được phát hiện và được điều trị tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều trường hợp bệnh nhi có bệnh nền cũng được chuyển viện, điều trị tại thành phố. Để giảm nhanh số ca mắc, TP Hồ Chí Minh cần trở thành vùng an toàn với tỷ lệ miễn dịch cao và tỷ lệ tiêm chủng tốt.

“Mặc dù chúng ta đã tăng tỷ lệ tiêm chủng nhưng tỷ lệ mắc sởi ở nhóm tuổi từ 1-10 vẫn còn cao, cho thấy chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu. Hiện vẫn còn rất nhiều trẻ chưa được tiêm. Vaccine sởi là một trong những vaccine rất hiệu quả nhưng khác với COVID-19, tiêm xong vẫn có thể mắc bệnh”- BS Chấn Quang lưu ý.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh