(VLO) Con tôi 5 tuổi, ở độ tuổi này nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) có cao không? Các biểu hiện sớm nhất của bệnh này là gì và cách để bảo vệ con trước nguy cơ mắc bệnh TCM?
La Thị Cẩm Nhung (Xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn)
Trả lời: Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi và thường dưới 5 tuổi nên con bạn thuộc nhóm tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh TCM. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn và những ai chưa từng mắc bệnh này đều có nguy cơ lây nhiễm.
Bệnh TCM lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus. Biểu hiện sớm nhất của bệnh này là mệt mỏi, chán ăn, sốt, đau họng, sau đó có thể loét miệng, nướu răng, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Hiện bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ con được tốt nhất.
Cụ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay…
Thường xuyên lau sạch các bề mặt vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
BS PHAN GIA HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin