(VLO) Theo đánh giá của ngành y tế, dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm hơn 8,5% so với cùng kỳ, nhưng tổng số ổ dịch được phát hiện từ đầu năm đến nay tăng 37% so với cùng kỳ.
Mỗi gia đình cùng chung tay chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi. |
Theo các bác sĩ, người dân cần hết sức cảnh giác với bệnh SXH, khi thấy người bệnh có các triệu chứng sốt cao, đau nhức đầu, nôn ói, đau bụng, sau đó nổi mẩn đỏ… không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm SXH và xử trí kịp thời.
Cảnh báo sốc sốt xuất huyết do tự ý dùng thuốc
Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vừa tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nhi (BN) bị SXH nặng.
BN N.H.M.P. (10 tuổi) bị sốt cao kèm theo nôn ói, đau bụng. Mẹ BN đã đến nhà thuốc mua thuốc cho BN uống 2 ngày. Nhận thấy BN còn sốt và nhức đầu, mẹ đến nhà thuốc khác mua thêm 2 ngày.
Sau đó, BN mệt nhiều nên được mẹ đưa đến nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng vã mồ hôi, tay chân lạnh, mạch nhẹ và huyết áp tụt kẹp 90/70 mmHg, chấm xuất huyết rải rác ở chân và tiểu ít.
Khi tiếp nhận, các bác sĩ nhận định BN có dấu hiệu sốc SXH, ngay lập tức được truyền dịch chống sốc theo phác đồ và chuyển đến điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
Tại đây BN được tiếp tục chống sốc, theo dõi huyết áp liên tục, xét nghiệm máu có tình trạng tăng men gan. Kết quả siêu âm ổ bụng thấy gan to, dày thành túi mật và tràn dịch màng phổi phải, màng bụng.
BN được hội chẩn điều trị tích cực, sau gần 2 ngày điều trị hồi sức, tình trạng sức khỏe bé đã được cải thiện, giảm các triệu chứng sốc, đang được theo dõi thêm.
Theo các bác sĩ, biểu hiện của SXH ở trẻ em và người lớn đều giống nhau và có thể gặp biến chứng sốc, xuất huyết nặng, suy cơ quan. Song, ở trẻ em biến chứng hay gặp là sốc nhiều hơn so với người lớn. Ở người lớn, biến chứng nặng và suy cơ quan dễ xảy ra nhiều hơn.
Các ca bệnh sốt xuất huyết diễn biến rất khó lường, ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan trong công tác phòng bệnh. |
Tại Vĩnh Long, Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Triều An- Loan Trâm tiếp nhận bệnh nhân tên L.Q.V. (38 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tay chân lạnh, mạch quay nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp không đo được, tím tái toàn thân, nôn ói nhiều, than đau hạ sườn phải. Trước đó bệnh nhân bị sốt cao liên tục 5 ngày tự mua thuốc uống không giảm nên nhập viện.
Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với tiền sử, bệnh sử, các bác sĩ khoa cấp cứu đã chẩn đoán bệnh nhân bị sốc SXH Dengue nặng và tiến hành hồi sức theo phác đồ.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân bị SXH Dengue kèm rối loạn đông máu, tăng men gan, suy thận cấp. Qua 5 ngày điều trị bệnh nhân ổn định, ăn uống được, ngưng thở oxy, hết nôn ói và các xét nghiệm trở về giới hạn bình thường và xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, mặc dù số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng các ca bệnh diễn biến rất khó lường, ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan trong công tác phòng bệnh.
Tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, trung bình mỗi tháng tiếp nhận điều trị 30 trường hợp mắc bệnh SXH thì có đến 20% có dấu hiệu chuyển nặng và vào sốc phải điều trị tích cực.
Chị Thạch Thị Thư (TP Vĩnh Long) cho biết: “Cả con và cháu chị đều nhập viện để điều trị bệnh SXH. Bé chỉ sốt trong vòng 2 ngày, có chảy máu mũi, sốt cao, bụng đau phải nhập viện điều trị tích cực và bác sĩ phải theo dõi sát sức khỏe”.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, BN mắc bệnh SXH có các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, kết quả xét nghiệm máu có hiện tượng thay đổi của các chỉ số tế bào máu.
BN thường ăn uống kém và một số BN sẽ có dấu hiệu cảnh báo như: nôn ói, đau bụng, xuất huyết niêm mạc gồm chảy máu mũi, chảy máu răng… Khi có những dấu hiệu cảnh báo này trẻ cần nhập viện để theo dõi.
“Bệnh SXH có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Phát hiện sớm bệnh SXH và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị SXH hiệu quả hơn.
Nhân viên y tế huyện Long Hồ tuyên truyền cho người dân các biện pháp diệt lăng quăng, xóa môi trường sinh sản của muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. |
Nhiều phụ huynh còn chủ quan khi nghi ngờ mắc bệnh, tự ý mua thuốc uống mà không đến cơ sở y tế khám và điều trị. Hành động này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng”- BS Chí Công lưu ý.
Theo ngành y tế Vĩnh Long, tính đến đầu tháng 9/2024, toàn tỉnh ghi nhận trên 950 ca mắc SXH, giảm hơn 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng số ổ dịch được phát hiện từ đầu năm đến nay trên 400, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023.
Để chủ động phòng chống SXH trong mùa mưa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân đề nghị các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố khẩn trương, tích cực thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động, tổ chức dập dịch diện rộng với những ổ dịch có nguy cơ lan rộng, xử lý tất cả các ổ dịch. Đặc biệt xã Quới An của huyện Vũng Liêm có số ổ dịch tăng vượt so với cùng kỳ.
“Ngành y tế cũng dự báo, số ca mắc SXH sẽ có xu hướng tăng trong thời điểm vào mùa mưa, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, vì thế cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát bệnh SXH tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đủ vật tư, hóa chất trong xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin