Khoảng 20 ngày trước, tôi có tiếp xúc với bệnh nhân lao nên rất lo lắng vì nghe nói bệnh lao dễ lây. Vậy tôi có nên đi xét nghiệm lao không?
(VLO) Khoảng 20 ngày trước, tôi có tiếp xúc với bệnh nhân lao nên rất lo lắng vì nghe nói bệnh lao dễ lây. Vậy tôi có nên đi xét nghiệm lao không?
Nguyễn Hải Đa Hùng (Xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình)
Trả lời: Bệnh lao có nguồn lây chính trong cộng đồng từ những bệnh nhân lao phổi ho, khạc ra vi khuẩn nhiều đến mức có thể thấy qua soi đờm trực tiếp bằng kính hiển vi. Khi những bệnh lao phổi dương tính (+) ho khạc, hắt hơi sẽ tạo ra những hạt nước bọt nhỏ li ti chứa đầy vi khuẩn lơ lửng trong không khí.
Những hạt nước bọt này khô rất nhanh để lại vi khuẩn và bụi trong không khí. Đường lây truyền chủ yếu của bệnh lao là qua không khí, người bị lây do hít phải các hạt nước bọt nhỏ li ti hoặc các hạt bụi có chứa vi trùng lao của người lao phổi ho, khạc ra.
Các triệu chứng chính của bệnh lao là ho khạc kéo dài trên 2 tuần, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi về đêm, đau ngực, đôi khi khó thở, ho ra máu.
Đối tượng dễ mắc lao là người sống chung với bệnh nhân lao phổi có vi trùng lao trong đờm, người có hình ảnh bất thường nghi lao trên X-quang, người suy dinh dưỡng, mắc các bệnh mãn tính, nhiễm HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch kéo dài…
Đối với trường hợp của bạn, muốn biết kết quả chắc chắn cần phải xét nghiệm lao. Bạn có thể đến trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện phổi để được tư vấn và làm xét nghiệm lao.
BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long)